Chuyển đổi số trong EVN

Chú trọng đầu tư công nghệ, ứng dụng tiến bộ của cách mạng công nghiệp 4.0 - nhiệm vụ cơ bản của EVNNPT trong năm 2021

Thứ hai, 25/1/2021 | 10:58 GMT+7
EVNNPT phải chú trọng đầu tư, ứng dụng công nghệ hiện đại, thực hiện tốt 2 nhiệm vụ cơ bản, đó là: đầu tư xây dựng đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng các công trình lưới điện gắn với quản lý, vận hành an toàn hệ thống truyền tải điện quốc gia. 
Công nhân Công ty Truyền tải Điện 4 sử dụng thiết bị bay kiểm tra đường dây và trạm tại trạm biến 500kV Duyên Hải. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
 
Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ, kế hoạch năm 2021 của Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) mới đây, lãnh đạo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và Tập đoàn Điện lực Việt Nam đánh giá cao 5 thành tựu lớn của Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) trong năm 2020 cũng như cả giai đoạn 2016-2020. Đồng thời, yêu cầu EVNNPT phải chú trọng đầu tư, ứng dụng công nghệ hiện đại, thực hiện tốt 2 nhiệm vụ cơ bản, đó là: đầu tư xây dựng đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng các công trình lưới điện gắn với quản lý, vận hành an toàn hệ thống truyền tải điện quốc gia. 
 
Phát biểu tại Hội nghị, ông Dương Quang Thành - Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam ghi nhận 5 thành tựu lớn của Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) trong cả giai đoạn 2016-2020, trong đó phải kể đến việc EVNNPT đã vận hành hệ thống điện truyền tải an toàn, liên tục, ổn định góp phần cùng EVN đảm bảo cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế xã hội của đất nước và đời sống của nhân dân. Riêng năm 2020, sản lượng điện truyền tải của EVNNPT đạt 203,85 tỷ kWh, tăng 2% so với năm 2019. 
 
Ông Dương Quang Thành nhấn mạnh, giai đoạn vừa qua, EVNNPT đã đặc biệt coi trọng đầu tư công nghệ, qua đó đã làm tốt cùng lúc các nhiệm vụ đầu tư xây dựng và quản lý, vận hành an toàn, hiệu quả: 
 
"Tổng Công ty truyền tải điện quốc gia là đơn vị luôn luôn ứng dụng công nghệ trong lưới điện truyền tải, trong đầu tư xây dựng, trong vận hành hệ thống. Đến thời điểm hiện nay, EVNNPT cũng đã đạt 72% trạm biến áp 220kV không người trực, vượt kế hoạch so với chỉ tiêu EVN giao. Đồng thời, các chỉ tiêu về hiệu quả cũng đã được thực hiện tốt, trong đó chỉ tiêu về tổn thất điện năng mặc dù không đạt được kế hoạch – cao hơn 0,08%. Tuy nhiên, với đặc thù của lưới điện truyền tải cũng như chế độ vận hành của hệ thống làm ảnh hưởng rất lớn đến tổn thất của truyền tải nên việc giảm tổn thất về 2,23% đó là sự nỗ lực phấn đấu rất lớn của EVNNPT trong năm 2020, góp phần cùng toàn Tập đoàn giảm được tỷ lệ tổn thất điện năng xuống còn 6,42%, thấp hơn chỉ tiêu Chính phủ giao trong kế hoạch 5 năm. Chính phủ giao 6,5% thì toàn tập đoàn đã giảm xuống còn 6,42%. Đây là chỉ tiêu đã tiếp cận với chỉ tiêu của các nước trong khu vực, đặc biệt, chỉ tiêu tổn thất điện năng của chúng ta đã đứng thứ 3 các nước ASEAN và cũng tiệm cận với chỉ tiêu của các nước trên thế giới.."
 
Người đứng đầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng đánh giá cao việc EVNNPT đảm bảo các kế hoạch chỉ tiêu về tình hình tài chính của doanh nghiệp trong suốt cả giai đoạn 2016-2020. Nhìn lại giai đoạn đầu thành lập Tổng Công ty truyền tải điện quốc gia, các chỉ tiêu về nợ/vốn chủ sở hữu; tỷ lệ tự đầu tư luôn vượt trần (thậm chí có năm lên tới hơn 5 lần) mà Bộ Tài chính cũng như các tổ chức cho vay yêu cầu. Đến nay, các chỉ tiêu này đã được đảm bảo. Đặc biệt, theo đánh giá xếp hạng của các tổ chức tư vấn quốc tế, trong giai đoạn 2016-2020, nhiều chỉ tiêu về tài chính của EVNNPT đã được xếp hạng ngang bằng với các chỉ tiêu của EVN, nhiều chỉ tiêu đạt cao hơn. 
 
Ông Dương Quang Thành - Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng ghi nhận các giải pháp của EVNNPT trong việc thực hiện chỉ tiêu tiết giảm 7,5% chi phí theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ cũng như đưa công trình vào vận hành đúng tiến độ… qua đó góp phần quan trọng để đảm bảo hoạt động có lợi nhuận trong bối cảnh giá/phí truyền tải điện liên tục giảm sâu trong giai đoạn này (từ hơn 110,88 đồng/kWh năm 2017; đến năm 2019 là 101,3 đồng/kWh, và 2020 còn 84,91 đồng/kWh). Đồng thời, đưa năng suất lao động toàn EVNNPT vượt chỉ tiêu của cả giai đoạn 5 năm EVN giao (với sản lượng là 32,66 triệu kWh/ lao động, tăng bình quân 14%/năm – cao hơn nhiều chỉ tiêu kế hoạch giao là 8-10%)… 
 
Tuy nhiên, người đứng đầu EVN cũng chỉ ra một số điểm còn hạn chế của EVNNPT trong năm vừa qua, như: Tỷ lệ đầu tư xây dựng đạt thấp (chỉ đóng điện được 38/48 dự án theo kế hoạch; trong đó, nhiều dự án trọng điểm không đáp ứng được tiến độ); Thứ 2 là sự cố lưới điện truyền tải còn nhiều và có dấu hiệu gia tăng hơn so với năm 2019; Thứ 3 là công tác sửa cữa lớn cũng không đạt kế hoạch yêu cầu (chỉ đạt 82% EVN giao); Thứ 4 là việc thực hiện một số đề án ứng dụng công nghệ tự động hóa và công nghệ thông tin trong vận hành hệ thống truyền tải mà EVN giao triển khai còn chậm, chưa phát huy hiệu quả trong việc ứng dụng chung, liên kết xuyên suốt trong công tác quản lý và vận hành hệ thống truyền tải điện trong toàn Tổng công ty… 
 
Trước thực tế đó, ông Dương Quang Thành - Chủ tịch HĐTV EVN yêu cầu EVNNPT tập trung hoàn thành tốt 2 nhiệm vụ lớn trên cơ sở đầu tư đồng bộ, ứng dụng tiến bộ của cuộc CMCN 4.0 vào đầu tư xây dựng và quản lý vận hành hệ thống truyền tải điện quốc gia. Cụ thể, trong công tác đầu tư xây dựng, ông Dương Quang Thành nhấn mạnh: "Trong công tác đầu tư xây dựng, đề nghị EVNNPT ứng dụng công nghệ để quản lý chặt chẽ tiến độ cũng như chất lượng công trình. Ứng dụng camrera, hình ảnh, ứng dụng 3D trong công tác thiết kế, giám sát, truyền dữ liệu… Phải quản lý chặt chẽ từ thiết kế, thi công đến giám sát, nghiệm thu, đưa vào vận hành. Trong công tác đầu tư xây dựng thì 3 khía cạnh phải tập trung, thứ nhất là quản lý về tiến độ, hai là quản lý về chi phí và 3 là quản lý về chất lượng…"
 
Ghi nhận và đánh giá cao các kết quả đạt được của EVNNPT, ông Nguyễn Hoàng Anh - Chủ tịch Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp yêu cầu Tổng Công  ty tiếp tục quản lý hệ thống truyền tải điện đảm bảo vận hành an toàn, liên tục nhằm đảm bảo cấp điện ổn định, liên tục cho sản xuất, phát triển kinh tế và đời sống của nhân dân, hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu, nhiệm vụ của năm 2021 cũng như cả nhiệm kỳ 2021-2025.
 
"Tiếp tục các giải pháp để giảm tối đa tổn thất điện năng và sự cố; đảm bảo tiến độ, chất lượng của các dự án đầu tư xây dựng theo kế hoạch đặc biệt là các dự án như đường dây 500kV mạch 3, các trung tâm điện lực đấu nối các nhà máy điện BOT; lưới điện 220kV giải tỏa công suất của các nhà máy điện nhỏ, các dự án năng lượng tái tạo; các dự án đấu nối mua điện của Lào... Đồng thời hoàn thành các mục tiêu được nêu trong chiến lược phát triển của Tập đoàn Điện lực Việt Nam tới năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và đã được Chính phủ phê duyệt, như: hoàn thành tiêu chí N-1 cho lưới điện 220kV đến năm 2025, đảm bảo tiêu chí N-2 đối với khu vực phụ tải quan trọng; phấn đấu đến năm 2025 phải đảm bảo 100% các trạm 220kV có hệ thống điều khiển từ xa và vận hành không người trực và trở thành 1 trong các tổ chức truyền tải điện thuộc 10 nước hàng đầu châu Á..."
 
Trong trước mắt, EVNNPT phải hoàn thành tiến độ dự án đường dây 500kV mạch 3 Vũng Áng - Quảng Trạch – Dốc Sỏi – Pleiku2, theo tiến độ đoạn từ Dốc Sỏi – Pleiku 2 phải đưa vào vận hành trong quý 1 và đoạn từ Vũng áng - Dốc Sỏi phải hoàn thành trong tháng 4/2021.
 
Xác định đẩy mạnh tiến bộ ứng dụng khoa học công nghệ tiếp tục là nhiệm vụ trọng tâm quyết định sự phát triển bền vững của Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia, EVNNPT đặt mục tiêu thực hiện nhanh, hiệu quả việc chuyển đổi số trong toàn Tổng công ty theo nhiệm vụ Chủ đề năm 2021. Theo đó, EVNNPT sẽ tập trung triển khai các chương trình nâng cao nhận thức, đào tạo kỹ năng về chuyển đổi số; Đẩy mạnh số hóa hồ sơ, dữ liệu toàn diện trong quản lý vận hành lưới điện, trong đầu tư xây dựng và quản trị doanh nghiệp; trong xây dựng nền tảng số và an ninh bảo mật…
 
Nguyên Long