Ảnh minh họa: Ngọc Hà/Icon.com.vn
Cùng với đó, đảm bảo vận hành hạ tầng công nghệ thông tin thị trường điện liên tục trong quá trình chuyển sang các cấp độ thị trường mới trong bối cảnh chưa có đầy đủ hạ tầng công nghệ thông tin cho thị trường điện bán buôn.
Song song với đó, A0 cũng hoàn thành dự án nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ vận hành thị trường bán buôn điện cạnh tranh Việt Nam (VWEM) giai đoạn 2020-2022; trong đó hạng mục “Triển khai hệ thống tự động điều khiển phát điện (AGC) có giao tiếp và trao đổi dữ liệu với các hệ thống lập kế hoạch vận hành hệ thống điện và thị trường điện”. Mặt khác, Trung tâm còn triển khai ứng dụng sáng kiến cải tiến kỹ thuật, nghiên cứu khoa học theo hướng mở, hợp tác với các đối tác bên ngoài để tận dụng nguồn nhân lực nhằm đáp ứng kịp thời thời tốc độ phát triển của hệ thống điện và thị trường điện trong thời gian tới.
Để thực hiện được mục tiêu trên, theo lãnh đạo A0, Trung tâm đang triển khai nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả vận hành hệ thống điện và thị trường điện, đảm bảo điều hành an toàn, ổn định và kinh tế hệ thống điện Quốc gia.
Theo đó, Trung tâm chấp hành tốt kỷ luật vận hành, đảm bảo 100% các thao tác, đóng điện nghiệm thu, xử lý sự cố an toàn, chính xác không gây mở rộng sự cố. Bên cạnh nâng cao chất lượng dự báo phụ tải ngắn hạn, dài hạn, chất lượng dự báo các nguồn điện không điều khiển được; trong đó có năng lượng tái tạo, điện mặt trời mái nhà, các nguồn điện gió dự kiến vào vận hành trong năm 2021, Trung tâm còn nghiên cứu các vấn đề mới, chuyên sâu trong bối cảnh hệ thống điện có quy mô ngày càng lớn và xu hướng phát triển nguồn năng lượng tái tạo thay nguồn năng lượng hoá thạch trên thế giới. Đồng thời, đề xuất với các cấp có thẩm quyền các giải pháp về tăng cường khung pháp lý, về vận hành ổn định nguồn năng lượng tái tạo.
Cùng với việc tính toán giải tỏa công suất các nhà máy điện mặt trời đảm bảo điều kiện về ổn định, tính toán giới hạn thâm nhập của điện mặt trời theo từng giai đoạn, A0 còn nghiên cứu, lắp đặt các thiết bị tích trữ năng lượng phù hợp với mức độ gia tăng nguồn điện năng lượng tái tạo trong hệ thống điện để đảm bảo các yêu cầu và tiêu chuẩn vận hành.
Trung tâm vận hành thị trường bán buôn điện cạnh tranh, tính toán phân bổ sản lượng cho các Tổng công ty điện lực, mô phỏng thị trường điện bán buôn theo quy định đảm bảo công bằng, minh bạch với các bên tham gia. Đồng thời, tính toán lập kế hoạch vận hành thị trường điện, lập lịch huy động ngày tới, chu kỳ tới, đảm bảo 100% phương thức đạt mục tiêu tối ưu hóa chi phí mua điện.
Bên cạnh đó, Trung tâm lập kế hoạch vận hành và điều độ huy động nguồn điện với khung thời gian tối thiểu 30 phút để giảm sai lệch giữa kế hoạch vận hành và thực tế huy động của các nhà máy điện; Quản lý vận hành hệ thống hạ tầng cơ sở công nghệ thông tin đáp ứng 100% công tác chỉ huy vận hành hệ thống điện, điều hành giao dịch thị trường điện Việt Nam.
Đặc biệt, Trung tâm tiếp tục chú trọng nâng cao chất lượng tuyển dụng kỹ sư mới và nâng cao chất lượng hoạt động đào tạo, kỹ năng, trình độ chuyên môn nhằm đáp ứng yêu cầu vận hành hệ thống điện và thị trường điện trong các năm tới, nhất là chuẩn bị nguồn nhân lực cho thị trường điện bán buôn.
A0 cho biết, năm qua, Trung tâm vận hành thị trường phát điện cạnh tranh đúng quy định, góp phần đảm bảo tối ưu kế hoạch sản xuất kinh doanh điện cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Hiện có 100 nhà máy tham gia trực tiếp trong thị trường điện với tổng công suất đặt 27.526 MW, chiếm 46,3% tổng công suất đặt các nhà máy điện do cấp điều độ Quốc gia điều khiển. Trong năm có thêm 4 nhà máy mới tham gia thị trường với tổng công suất 1.837 MW.
Tổng chi phí trên thị trường điện giao ngay cho 100 nhà máy điện trực tiếp tham gia thị trường điện tính đến hết năm 2020 là 122 nghìn tỷ đồng. Trung tâm còn rút ngắn chu kỳ giao dịch thị trường điện từ 60 phút xuống 30 phút bắt đầu từ ngày 1/9/2020, góp phần xử lý chính xác và kịp thời các biến động trong vận hành hệ thống, tăng độ ổn định hệ thống điện Quốc gia và giảm chi phí mua điện cho Tập đoàn.
Cũng trong năm 2020, Trung tâm chuẩn bị vận hành thị trường điện bán buôn bao gồm: tính toán và công bố giá điện năng thị trường (CSMP), giá công suất thị trường (CCAN), giá thị trường toàn phần (CFMP), tỷ lệ mua điện và chi phí mua điện từ một số nhà máy với các Tổng công ty điện lực. Đồng thời, tham gia biên soạn 5 quy trình dưới Thông tư 24/2019 sửa đổi, bổ sung Thông tư 45/2018 quy định về vận hành thị trường bán buôn điện cạnh tranh.
Trung tâm cũng chuẩn bị xây dựng phát triển thị trường điện cạnh tranh. Cụ thể, tham gia xây dựng cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo và khách hàng sử dụng điện (DPPA) thí điểm áp dụng cho các nhà máy điện năng lượng tái tạo khi tham gia vào thị trường bán buôn điện cạnh tranh; tham gia hoàn thiện và xây dựng Đề án Thiết kế mô hình thị trường bán lẻ điện cạnh tranh Việt Nam. Đồng thời, xây dựng phương án cơ chế giao dịch hợp đồng tập trung trong thị trường điện nhằm xử lý chênh lệch (thừa hoặc thiếu) giữa sản lượng hợp đồng đã ký so với nhu cầu phụ tải hoặc khả năng phát thực tế của đơn vị.
Mặt khác, Trung tâm đã hoàn thành và báo cáo EVN đề cương, các điều khoản tham chiếu phục vụ thuê tư vấn lập báo cáo xây dựng mô hình điều độ hệ thống điện, vận hành thị trường điện giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045 để hoàn thiện nội dung này trong Quy hoạch điện VIII.
Theo đánh giá của A0, năm 2020, các nhà máy điện gió và điện mặt trời được đưa vào vận hành với tỉ lệ rất lớn nhưng việc công bố và dự báo công suất phát với độ chính xác chưa cao. Đặc biệt có sự tham gia rất đáng kể của nguồn điện mặt trời mái nhà với công suất hiện nay lên đến 9.583 MWp, ảnh hưởng lớn đến biểu đồ phụ tải, dẫn tới công tác lập kế hoạch vận hành hệ thống điện và thị trường điện còn rất nhiều khó khăn.
Trong khi đó, vận hành hệ thống điện còn nhiều khó khăn do các tổ máy hay sự cố, đặc biệt là các tổ máy nhiệt điện than trong các ngày nắng nóng; sự cố lưới điện còn nhiều, đặc biệt trong các ngày mưa bão. Việc khai thác nguồn cũng gặp nhiều khó khăn do giới hạn lưới điện truyền tải, đặc biệt là lưới 500kV/220kV ở miền Bắc.
Theo A0, các nhà máy thủy điện trên 30 MW được điều tiết bởi 11 quy trình vận hành liên hồ chứa có nhiều bất cập và tồn tại vướng mắc khi hài hòa với quy định thị trường điện. Cơ sở hạ tầng thị trường điện chuyển đổi chu kỳ giao dịch từ 60 phút sang 30 phút trong bối cảnh phần mềm lõi tối ưu thị trường điện Areva Unit Commitment đã đến ngưỡng giới hạn và khó có khả năng đáp ứng yêu cầu mô phỏng thị trường trong giai đoạn sắp tới. Do vậy cần sớm đưa vào sử dụng những công cụ, lõi tối ưu mới nhằm đáp ứng sự phát triển thị trường điện trong thời gian tới.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ vận hành hệ thống điện Quốc gia và thị trường điện, lãnh đạo A0 cho rằng Quy định vận hành thị trường điện theo Thông tư 45/TT-BCT đã bổ sung quy định về tính toán dịch vụ dự phòng điều chỉnh tần số cho các nhà máy điện trực tiếp tham gia thị trường. Tuy nhiên, về dài hạn khi hạ tầng cho phép, A0 kiến nghị EVN xem xét, thiết lập và phát triển thị trường dịch vụ phụ trợ. Trong đó các dịch vụ điều tần và dự phòng quay được tính toán đồng tối ưu với thị trường năng lượng, các loại hình dịch vụ phụ trợ khác cần có cơ chế đấu thầu cạnh tranh để ký hợp đồng và được thanh toán hợp lý.
Bên cạnh đó, EVN xem xét phê duyệt chi phí cho A0 thực hiện nâng cấp, mở rộng các hệ thống hạ tầng hiện hữu như SCADA/EMS, thu thập số liệu đo đếm... do sự phát triển đột biến của nguồn năng lượng tái tạo, của thị trường điện bán buôn cũng như các yêu cầu ngày càng cao về an ninh bảo mật. Đồng thời, trang bị hệ thống MMS cho điều độ Quốc gia sau năm 2022 để đảm bảo cơ sở hạ tầng thị trường điện cho vận hành thị trường điện bán buôn/bán lẻ có sự tham gia của năng lượng tái tạo.