Tin thế giới

Chứng chỉ xanh trong ngành năng lượng tái tạo (tiếp theo số 3- 2010)

Thứ tư, 26/5/2010 | 14:29 GMT+7

Vậy thì các chứng chỉ này là gì?

Như đã nêu trên, hiện vẫn chưa có lý giải nhất quán về khái niệm chứng chỉ xanh. Có nhiều ý định thử đưa chứng chỉ xanh vào nhóm hàng hóa này hoặc nhóm hàng hóa khác hoặc chứng khoán. Và không phải ở tất cả các nước, kể cả các nước buôn bán các chứng chỉ đó, quá trình đồng nhất hóa các chứng chỉ đã được hoàn tất. Tuỳ theo hệ thống pháp luật quốc gia, chứng chỉ có thể có hoặc sẽ có bản chất pháp lý khác nhau.

Sẽ nảy sinh ít vấn đề hơn nếu chứng chỉ được bán cùng với năng lượng. Nhưng nếu nói về các thị trường chứng chỉ riêng biệt thì ở một số nước, chúng được coi như các chứng khoán (thí dụ ở Bỉ, Na Uy) còn ở các nước khác (Anh và nhiều bang ở Mỹ) chúng là các hàng hóa đặc thù (tradable commodity, soft commodity), người ta bán chúng qua các hợp đồng tiền mặt, hợp đồng mua bán song phương có kỳ hạn, hoặc các giao dịch kỳ hạn. Các thủ tục ban hành và sử dụng chứng chỉ xanh đôi khi được đề xuất đưa vào hạng mục dịch vụ hoặc đầu tư.

Dưới đây đề xuất một số phương án khả dĩ đồng nhất hóa về pháp lý và phương pháp luận và lý giải thuật ngữ chúng ta đang quan tâm, áp dụng cho các điều kiện của Liên bang Nga.

1. Chứng chỉ xanh đơn giản chỉ là văn bản ghi nhận. Nói cách khác, đó là các chứng thư. Đơn vị phát điện nhận được chứng thư, trong đó ghi rõ sản lượng điện NLTT. Sau đó, nhờ chứng thư, đơn vị phát điện có thể được hỗ trợ theo pháp luật hiện hành.

Ưu việt của cách lý giải này đơn giản và dễ hiểu. Nhưng vấn đề sẽ nảy sinh khi muốn làm gì đó với chứng thư đó, ví dụ bán. Thực tế ở Nga đang tồn tại thị trường các chứng thư này, nhưng ở dạng bán công khai, nếu không nói là bất hợp pháp.

2. Chứng chỉ xanh đơn giản chỉ là hàng hoá. Cơ sở của nguyên lý này là mọi thứ có thể bán và đang bán đều là hàng hoá. Đặc tính này dựa trên quan điểm đơn giản hoá quá mức, không quan hệ với các tiền đề đầu tiên và dẫn đến nhiều hậu quả mâu thuẫn.

3. Chứng chỉ xanh là chứng khoán có giá. Căn cứ các văn bản pháp lý hiện hành của Nga, chứng khoán có giá bao gồm trái phiếu chính phủ, trái phiếu công ty, kỳ phiếu, ngân phiếu, chứng chỉ tiết kiệm, sổ tiết kiệm không ghi tên do ngân hàng phát hành, vận đơn, cổ phiếu, chứng khoán tư nhân, v.v. Mọi người đều biết rằng chứng khoán phải bao hàm tài sản được luật pháp định trước, nếu không nó không có giá trị.

4. Chứng chỉ xanh là nhãn hiệu hàng hóa, chứng thực các dấu hiệu đặc thù của hàng hóa. Thông thường nhãn hiệu được sử dụng khi tiếp nhận hàng hóa của đại lý và khi ký kết hợp đồng để đồng nhất hóa các đơn vị vật lý của hàng hóa chuyển giao cho người đại lý (được ủy thác) hoặc người mua. Vì vậy nhãn hiệu hàng hóa chỉ dán trên một bản (một vật mẫu hàng) được người mua (người đại lý, người tiếp nhận) ký và người bán ký. Trên nhãn hàng hóa ghi chi tiết tên hàng hóa và chỉ rõ các thông tin đặc trưng về trạng thái hàng hóa (mới, đã qua sử dụng, các dấu hiệu chính, các khuyết tật nếu có). Khi hạ giá hàng hóa, việc hạ giá được lập thành biên bản, trên nhãn hiệu hàng hóa ghi giá mới, số biên bản, ngày tháng giảm giá và chữ ký của người chịu trách nhiệm về vật chất.

Rõ ràng là từ việc mô tả các dấu hiệu của nhãn hàng hóa, giữa hàng hóa và chứng chỉ xanh có khá nhiều điểm chung. Điều chủ yếu là chứng chỉ thực hiện cùng một nhiệm vụ về đồng nhất hóa đơn vị hàng hóa - 1 MWh điện năng. Chứng chỉ cũng như nhãn hiệu ghi chép các tính chất cơ bản của hàng hóa, trong trường hợp này là sản lượng điện NLTT, yêu cầu quan trọng đối với người tiêu thụ. Mà như đã nêu ở trên, ngay sau khi ra khỏi thanh cái máy biến áp nhà máy điện thì điện năng trở nên mất “cá tính”, nghĩa là mất nhãn hiệu.

Trong một số trường hợp việc không có nhãn hiệu hoàn toàn không quan trọng đối với người tiêu thụ. Đôi khi nhà nước yêu cầu phải có nhãn hiệu và do đó việc có nhãn trở thành bắt buộc. Có trường hợp người tiêu thụ tự mình quan tâm đến việc đồng nhất hóa nguồn gốc hàng hóa một cách rõ ràng và đòi hỏi điều đó ở người cung cấp. Cả ba trường hợp trên dễ dàng thấy có sự tương đồng ở nhiều dạng hàng hóa khác. Điều này cũng đúng đối với điện NLTT.

Trường hợp thứ nhất chính là sơ đồ cung cấp điện truyền thống.

Yêu cầu minh bạch các thông tin về nguồn gốc năng lượng được sử dụng để sản xuất điện năng lần đầu tiên được nêu trong chỉ thị của Ủy ban châu Âu về điện, theo đó tất cả các nhà cung cấp năng lượng buộc phải cung cấp thông tin về các nguồn năng lượng mà họ đã cung cấp trong một khoảng thời gian trước đó (thường là trong 1 năm qua). Theo điểm 10 của phần mở đầu của chỉ thị, cần phải có các chứng chỉ bảo đảm “để mở rộng buôn bán điện NLTT và tăng thêm tính minh bạch để người tiêu thụ lựa chọn giữa điện năng được sản xuất không phải từ NLTT và điện năng được sản xuất từ NLTT”. Đó là trường hợp thứ hai.

Trong trường hợp thứ ba, người sản xuất bán trên thị trường điện năng được chứng thực là sản xuất từ NLTT, và do đó thách giá cao hơn. Một bộ phận người tiêu thụ sẵn sàng trả giá cao đó, nhưng với điều kiện là có sự chứng thực hợp thức. Năm 2007 theo điều tra của một tổ chức quốc tế thì có tới 48% người dân sẵn sàng trả giá cao cho NLTT. Trong số 48% người dân này, 42% không muốn trả thêm quá 1% giá điện năng, còn 48% đồng ý trả thêm từ 1 đến 5% (24%), hoặc 6 - 10% (24%).

Hệ thống chứng chỉ xanh không dẫm chân tại chỗ mà đang phát triển. Năm 2003, Ủy ban châu Âu (EC) quyết định chuyển sang hệ thống chứng chỉ toàn châu Âu. Trong quyết định này, các chứng chỉ được mang tên mới: Chứng chỉ đảm bảo nguồn gốc (guarantee of origin - GO). Trên cơ sở quyết định này, Hệ thống chứng chỉ năng lượng châu Âu (European Energy Certificate System - EECS ) đã được xây dựng.

Việc thông qua quyết định của EC thực tế đã dẫn tới sự tất yếu của việc cùng tồn tại hai hệ thống chứng chỉ. Hệ thống chứng chỉ bảo đảm và hệ thống chứng chỉ xanh. Các nước thành viên EC sớm hay muộn đều đi tới hệ thống các chứng chỉ đảm bảo, còn các nước khác vẫn duy trì khuôn khổ hệ thống các chứng chỉ xanh và buôn bán chúng kể cả với các nước thành viên của EU. Chỉ thị của EC quy định thể thức mới về ban hành và sử dụng các chứng chỉ, vẫn đang ở giai đoạn khẩn trương thảo luận, nên hiện vẫn chưa có quyết định cuối cùng.

Theo: QLNĐ số 4/2010