Chứng khoán Mỹ “bão hòa” trước tin tốt

Thứ năm, 19/2/2009 | 14:59 GMT+7
Ngày 18/2, kế hoạch giải cứu thị trường địa ốc trị giá 275 tỷ USD vẫn không giúp chứng khoán Mỹ khởi sắc.
Hôm thứ Tư, Barack Obama đã công bố kế hoạch chi 275 tỷ USD để giúp 9 triệu gia đình Mỹ tránh bị tịch biên nhà.

Trong đó, Bộ Tài chính Mỹ sẽ tăng mức hỗ trợ tài chính từ 100 tỷ USD lên 200 tỷ USD cho hai tập đoàn do Chính phủ nắm giữ là Fannie Mae và Freddie Mac, để hai tập đoàn này đóng vai trong quan trọng hơn trong việc hỗ trợ thị trường địa ốc.

Cùng ngày, trong bài phát biểu của mình, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Ben Bernanke đã đưa ra dự báo kinh tế nước này sẽ tăng trưởng âm từ 0,5-1,5% trong năm 2009, mức tồi tệ hơn so với tỷ lệ tăng trưởng âm 0,2-1,1% được dự báo từ tháng 11/2008 của Cục Dự trữ Liên bang.

Ông Ben Bernanke cũng nhấn mạnh đến các biện pháp để duy trì tỷ lệ lạm phát ở mức ổn định, bởi khả năng lạm phát năm 2009 sẽ ở ngưỡng 1,7-2%, cao hơn nhiều so với mức dự báo 0,3-1% được đưa ra trước đó.

Cũng trong ngày 18/2, Bộ Thương mại Mỹ đã cho biết, số nhà mới khởi công ở nước này trong tháng 1/2009 đã giảm 16,8% so với tháng 12/2008 xuống 466.000 đơn vị (ngôi nhà, căn hộ) - mức thấp nhất kể từ năm 1959. Như vậy, số nhà mới khởi công ở Mỹ đã giảm 56,2% so với cùng kỳ năm 2008.

S&P 500 và Nasdaq vẫn giảm điểm

Ngày 18/2, Tập đoàn Hewlett-Packard (HP) đã công bố lợi nhuận quý 1/2009 kết thúc vào ngày 31/1/2009 của hãng đạt 1,85 tỷ USD, tương đương 75 cent/cổ phiếu, từ mức 2,13 tỷ USD (80 cent/cổ phiếu) của cùng kỳ năm trước.

HP cũng dự báo, trong năm 2009 doanh thu của hãng sẽ giảm từ 2% đến 5% so với mức doanh thu 118,4 tỷ USD trong năm 2008, lợi nhuận trước thuế ước đạt 3,76-3,88 USD/cổ phiếu – thấp hơn so với mức dự báo 3,88 - 4,3 USD/cổ phiếu được hãng đưa ra trước đó.

Năm ngoái, HP đã thâu tóm Công ty Electronic Data System với giá 13,2 tỷ USD và trở thành công ty dịch vụ công nghệ lớn thứ hai thế giới, sau IBM. Kết thúc ngày giao dịch, cổ phiếu HP giảm 0,76% xuống 34,08 USD/cổ phiếu.

Chỉ số S&P 500 và Nasdaq tiếp tục giảm điểm trong khi đó chỉ số Dow Jones dù tăng điểm nhưng với biên độ không đáng kể. Sau phiên giao dịch tồi tệ trước đó, thị trường đã có diễn biến ít sôi động khi biên độ dao động trong ngày chỉ trong khoảng +/-1%.

Trong ngày, chính quyền ông Obama đã công bố kế hoạch khổng lồ nhằm giải cứu thị trường địa ốc Mỹ, tuy nhiên thị trường chứng khoán vẫn không có phản ứng tích cực trước kế hoạch này.

Có thể nói, kế hoạch kích thích kinh tế, giải cứu khối tài chính và thị trường địa ốc đều đã được chính quyền ông Obama công bố, tuy nhiên thực tế là thị trường chứng khoán chưa xuất hiện một phiên tăng điểm đột biến trước các kế hoạch trên.

Ngược lại, thị trường thường xuất hiện những phiên giảm điểm mạnh hoặc phản ứng khá thận trọng như phiên giao dịch ngày 18/2.

Trong ngày giao dịch, thị trường tiếp tục chứng kiến cổ phiếu khối ngân hàng rớt giá, trong đó cổ phiếu Bank of America giảm 6,73% xuống 4,57 USD/cổ phiếu; cổ phiếu Citigroup hạ 4,9% xuống 2,91 USD/cổ phiếu; cổ phiếu Goldman Sachs trượt 1,41%.
Điểm qua kết quả giao dịch ngày 18/2: chỉ số Dow Jones tăng 2,79 điểm, tương đương 0,04%, chốt ở mức 7,555.39.

Chỉ số Nasdaq phiên này hạ 2,69 điểm, tương đương -0,18%, chốt ở mức 1.467,97.

Cuối cùng, chỉ số S&P 500 mất 0,75 điểm, tương đương -0,1%, đóng cửa ở mức 788,42.

Chứng khoán châu Âu giảm phiên thứ ba trong tuần

Chứng khoán châu Âu tiếp tục mất điểm ngày thứ ba trong tuần trước sự giảm điểm của cổ phiếu khối năng lượng. Tuy nhiên, nhờ sự phục hồi của cổ phiếu khối ngân hàng nên biên độ giảm điểm của ba thị trường chính là không đáng kể.

Dù sắc đỏ vẫn bao phủ các bảng điện tử, tuy nhiên phiên tăng điểm của khối ngân hàng cũng tạo thêm được niềm tin cho thị trường, nhất là sau khi khối này liên tục giảm điểm với biên độ lớn trong nhiều ngày qua.

Kết thúc phiên, cổ phiếu Societe Generale tăng 2,7%, cổ phiếu HSBC, Banco Santander, BNP Paribas đã tăng từ 1,9-2,6%.

Điểm qua kết quả giao dịch của ba thị trường chính: chỉ số FTSE 100 của Anh giảm 27,3 điểm, tương đương -0,68%, chốt ở mức 4.006,83. Chỉ số DAX của Đức hạ 0,28%. Chỉ số CAC 40 của Pháp trượt 0,04%.

Chứng khoán Trung Quốc giảm điểm mạnh

Thị trường chứng khoán châu Á tiếp tục mất điểm ở nhiều thị trường, trước những lo ngại về khả năng nhiều ngân hàng khu vực Đông Âu sẽ gặp những rủi ro lớn, qua đó sẽ lan rộng tới khối ngân hàng khu vực Tây Âu.

Bên cạnh đó phiên giảm điểm mạnh vừa qua ở Phố Wall - có nguyên nhân từ sự sụt giảm của khối ngân hàng - cũng tạo nên tâm lý bi quan đối với nhiều nhà đầu tư châu Á.

Chỉ số MSCI châu Á - Thái Bình Dương phiên này đã giảm 0,8% xuống 78,11 điểm. Đây là lần giảm điểm thứ ba liên tiếp và đưa chỉ số này xuống mức thấp nhất kể từ ngày 24/11/2008.

Chứng khoán Nhật tiếp tục mất điểm và xuống mức thấp nhất trong vòng gần 4 tháng qua. Những lo ngại về triển vọng không sáng sủa của nền kinh tế Nhật đã khiến nhiều nhà đầu tư nước ngoài tăng mạnh lượng bán cổ phiếu.

Cổ phiếu khối ngân hàng dẫn đầu về biên độ giảm điểm trước những tác động từ phiên sụt giảm hơn 12% của khối ngân hàng Mỹ và hơn 6% của khối ngân hàng châu Âu.

Trong đó cổ phiếu Mitsubishi UFJ Financial Group giảm 3,1%, cổ phiếu Sumitomo Mitsui Financial Group mất 4,6%, cổ phiếu Mizuho Financial Group hạ 1,5%.

Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số Nikkei 225 giảm 111,07 điểm, tương đương -1,45%, chốt ở mức 7.534,44. Khối lượng giao dịch đạt 1,96 tỷ cổ phiếu, thị trường có 988 mã giảm điểm và có 606 mã xuống điểm.

Chuyển qua thị trường khác, chứng khoán Trung Quốc tiếp tục mất điểm phiên thứ hai liên tiếp trong tuần trước những lo ngại về khả năng giới đầu tư nước ngoài tăng mạnh lượng bán cổ phiếu trên thị trường.

Trong hai tuần trước, thị trường này đã phục hồi mạnh mẽ khiến nhiều người tin tưởng vào một giai đoạn phát triển tốt của thị trường. Tuy nhiên, lo ngại về khả năng rút vốn của nhà đầu tư ngoại đã tác động tiêu cực tới thị trường và làm thay đổi xu hướng của chỉ số chứng khoán.

Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số Shanghai Composite giảm 109,58 điểm, tương đương -4,72%, chốt ở mức 2.209,86.

Thị trường chứng khoán Hàn Quốc tiếp tục mất điểm do sự sụt giảm của cổ phiếu khối ngân hàng. Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số KOSPI giảm 14 điểm, tương đương 1,24%, chốt ở mức 1.113,19.

Trong khi đó, chỉ số ASX của Australia tiếp tục giảm 1,5%, do cổ phiếu khối khai mỏ và năng lượng đồng loạt giảm mạnh, trong đó cổ phiếu của hãng khai mỏ lớn nhất thế giới BHP Billiton mất 4,4%.

Điểm qua các thị trường khác: chỉ số Taiwan Weighted của Đài Loan tăng 0,15%. Chỉ số Straits Times của Singapore lên 0,2%. Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông tăng 0,55%. Chỉ số BSE của Ấn Độ tiến thêm 0,52%.
Theo: VnEconomy