Turbine gió nổi vừa xuất xưởng của Trung Quốc có bánh xe gió đường kính 260m và diện tích quét là 53.100m2, tương đương với tổng diện tích của bảy sân bóng đá tiêu chuẩn.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Rechargenews)
Turbine gió ngoài khơi, còn gọi là turbine gió nổi, lớn nhất thế giới, với công suất phát điện 20 megawatt, đã được xuất xưởng tại thành phố Diêm Thành, tỉnh Giang Tô, miền Đông Trung Quốc.
Tập đoàn sản xuất tàu đường sắt hàng đầu Trung Quốc CRRC cho biết turbine gió này có bánh xe gió đường kính 260m và diện tích quét là 53.100m2, tương đương với tổng diện tích của bảy sân bóng đá tiêu chuẩn.
Turbine có thể tạo ra 62 triệu kWh điện mỗi năm, đủ để cung cấp điện cho khoảng 37.000 hộ gia đình, tiết kiệm 25.000 tấn than đá, đồng thời giúp giảm 62.000 tấn khí thải CO2.
Với bệ nổi bán chìm và hệ thống neo đậu, cùng công nghệ điều khiển và cảm biến thông minh, turbine cung cấp các tùy chọn cho nhiều độ sâu nước khác nhau, cung cấp các giải pháp tối ưu cho các nguồn năng lượng gió biển sâu.
Phó Tổng Giám đốc của Công ty Công nghệ năng lượng mới Qi Hang, thuộc CRRC, ông Wang Dian khẳng định: "Các turbine gió ngoài khơi là xu hướng công nghệ quan trọng định hình tương lai phát triển năng lượng gió".
Ngành năng lượng tái tạo của Trung Quốc đang thu hút sự quan tâm lớn khi chính phủ nỗ lực tăng tỷ lệ điện từ nhiên liệu không hóa thạch trong cơ cấu năng lượng của mình.
Năm 2023, công suất năng lượng tái tạo của nước này đã lần đầu tiên vượt qua nhiệt điện và chiếm hơn một nửa công suất phát điện lắp đặt của cả nước.
Link gốc
Theo: Vietnam Plus