Chứng khoán Mỹ khởi sắc trở lại

Thứ tư, 18/3/2009 | 16:32 GMT+7
Ngày 17/3, tin vui từ thị trường địa ốc và khối công nghệ, đã giúp chứng khoán Mỹ tăng điểm mạnh.
Hôm thứ Ba, Bộ Thương mại Mỹ cho biết, số nhà mới khởi công ở nước này trong tháng 2/2009 đã tăng 22,2% lên mức 583.000 đơn vị (ngôi nhà, căn hộ), từ mức 477.000 đơn vị trong tháng 1/2009.
 
Với mức tăng này, số nhà mới khởi công đã đánh dấu tháng tăng trưởng đầu tiên kể từ tháng 4/2008 và cũng là mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 1/1990.
 
Bên cạnh đó, số giấy phép xây dựng nhà trong tháng 2/2009 đã tăng 3% lên 547.000 đơn vị, từ mức 531.000 đơn vị trong tháng 1/2009.
 
Như vậy, so với cùng kỳ năm ngoái, số nhà mới khởi công ở Mỹ đã giảm 47,3% và số giấy phép xây dựng nhà đã giảm 44,2%.
 
Cùng ngày, Bộ Lao động Mỹ cho hay, chỉ số giá bán của nhà sản xuất (PPI) ở nước này trong tháng 2/2009 đã tăng 0,1%, thấp hơn so với mức tăng 0,8% trong tháng 1/2009. Nếu loại trừ giá năng lượng và lương thực, PPI cơ bản ở Mỹ đã tăng 0,2% trong tháng 2.
 
Các chỉ số tăng từ 2,5-4,1%
 
Ngày 17/3, nhà chế tạo thiết bị xây dựng và khai mỏ lớn nhất thế giới - Caterpillar thông báo cắt giảm 2.454 công nhân tại 3 bang ở Mỹ.
 
Trong tháng 1/2009, tập đoàn này thông báo cho 20.000 công nhân tạm ngừng làm việc và tiếp tục cho 2.000 công nhân nghỉ hưu sớm một tháng sau đó.
 
Kết thúc phiên giao dịch, cổ phiếu nằm trong chỉ số Dow Jones - Caterpillar (NYSE-CAT) đã tăng 1,55%, chốt ở mức 26,83 USD/cổ phiếu.
 
Chứng khoán Mỹ đã tăng điểm mạnh trở lại sau phiên giảm điểm đầu tuần, đưa chỉ số Dow Jones tăng 4,7% so với đầu tháng 3/2009.
 
Phiên giao dịch buổi sáng, đà tăng điểm của thị trường thể hiện một xu hướng kém bền vững, thậm chí chỉ số Dow Jones nhiều lần xuống thấp hơn ngưỡng giá trị của phiên trước đó.
 
Tuy nhiên, đà tăng mạnh của thị trường bắt đầu diễn ra sau 12 giờ trưa (giờ địa phương) và tăng vọt trong 20 phút cuối ngày giao dịch, đưa các chỉ số có phiên giao dịch thành công đầu tiên trong tuần.
 
Phiên tăng điểm mạnh của chứng khoán Mỹ được cho là bởi hai thông tin lạc quan đến từ thị trường địa ốc và khối công nghệ.
 
Sự phục hồi ngoài mong đợi từ số nhà mới khởi công đã đẩy cổ phiếu khối xây dựng và các nhà buôn bất động sản tăng mạnh. Chỉ số Dow Jones khối xây dựng nhà đã tăng 6,3%, trong đó, cổ phiếu Home Depot tăng 6,7%, cổ phiếu Pulte Homes lên 6,7%, cổ phiếu Toll Brothers tiến thêm 5,9%...
 
Bên cạnh đó, thông tin số đơn đặt hàng khối công nghệ đang gia tăng đã thúc đẩy cổ phiếu khối này tăng điểm mạnh mẽ. Trong đó, cổ phiếu AMD tiến thêm 11,29%, cổ phiếu Intel lên 4,56%, cổ phiếu Cisco tiến thêm 4,47%, cổ phiếu Apple lên 4,44%...
 
Tâm lý lạc quan cũng tiếp tục dẫn dắt cổ phiếu khối ngân hàng có thêm một phiên giao dịch thành công. Kế hoạch mua lại nợ xấu để giải trừ các tài sản tệ hại trong bảng cân đối kế toán sắp được Chính phủ Mỹ công bố, đã giúp khối này duy trì đà tăng trong nhiều phiên giao dịch vừa qua.
 
Kết thúc phiên, cổ phiếu JPMorgan Chase tăng 8,9%, cổ phiếu Citigroup tiến thêm 7,73%, cổ phiếu Bank of America nhích 1,46%, cổ phiếu Morgan Stanley lên 3,34%...
 
Điểm qua kết quả giao dịch ngày 17/3: chỉ số Dow Jones tăng 178,73 điểm, tương đương 2,48%, chốt ở mức 7.395,7.
 
Chỉ số Nasdaq phiên này lên 58,09 điểm, tương đương 4,14%, chốt ở mức 1.462,11.
 
Cuối cùng, chỉ số S&P 500 tiến thêm 24,23 điểm, tương đương 3,21%, đóng cửa ở mức 778,12.
 
Khối lượng giao dịch trên sàn New York đạt 1,49 tỷ cổ phiếu, thị trường cứ có 4 cổ phiếu lên điểm thì có 1 cổ phiếu giảm điểm. Khối lượng giao dịch thành công trên sàn Nasdaq đạt 2,12 tỷ cổ phiếu, thị trường cứ có 7 cổ phiếu tăng điểm thì có 2 cổ phiếu giảm điểm.
 
Chứng khoán châu Âu mất điểm sau 5 phiên khởi sắc
 
Chứng khoán châu Âu đã có phiên điều chỉnh giảm sau khi đã có chuỗi 5 phiên lên điểm liên tiếp trước đó.
 
Cổ phiếu khối khai mỏ, năng lượng cùng mất điểm nên đã kéo thị trường đi xuống, trong đó cổ phiếu BHP Billiton, Rio Tinto, Anglo American, Antofagasta và Eurasian Natural Resources giảm từ 2,7% đến 9,3%.
 
Trong ngày giao dịch, cổ phiếu Nokia đã mất 3,1% sau khi hãng thông báo sẽ cắt giảm 1.700 việc làm trong vài tháng tới.
 
Tuy vậy, nhờ sức tăng của cổ phiếu khối ngân hàng nên biên độ giảm điểm của chứng khoán châu Âu là không đáng kể. Trong đó, cổ phiếu HSBC lên 4%, cổ phiếu Natixis, Societe Generale, Lloyds và Dexia tăng từ 1,7% đến 9,8%.
 
Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số FTSE 100 của Anh mất 6,89 điểm, tương đương -0,18%, chốt ở mức 3.857,1. Khối lượng giao dịch đạt 2 tỷ cổ phiếu.
 
Chỉ số DAX của Đức hạ 1,4%, khối lượng giao dịch đạt 29 triệu cổ phiếu. Chỉ số CAC 40 của Pháp giảm 0,87%, khối lượng giao dịch đạt 219 triệu cổ phiếu.
 
Chứng khoán châu Á tăng điểm mạnh nhờ khối ngân hàng
 
Loạt tin tức khả quan từ hoạt động kinh doanh của Citigroup, JPMorgan Chase và Barclays, cũng như thông báo không cần nhận thêm hỗ trợ vốn của Chính phủ Mỹ của Bank of America, đã tạo nên hy vọng cho sự phục hồi của khối tài chính toàn cầu nói chung và châu Á nói riêng.
 
Chỉ số MSCI châu Á - Thái Bình Dương phiên này đã tăng 2% lên 77,78 điểm. Như vậy chỉ số này đã tăng gần 8% sau ba phiên tăng điểm liên tiếp.
 
Biên độ tăng điểm trên 3% đã diễn ra ở nhiều thị trường như Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc, Australia cho thấy giới đầu tư đang có hy vọng lớn cho một giai đoạn phục hồi.
 
Tuy nhiên, ở những thị trường như Hồng Kông, Singapore và Ấn Độ, các chỉ số chứng khoán đã quay đầu giảm điểm với biên độ thấp khi kết thúc ngày giao dịch.
 
Chứng khoán Nhật đã tăng điểm hôm thứ Ba trước đà lên điểm mạnh của cổ phiếu khối ngân hàng.
 
Cổ phiếu của ngân hàng lớn nhất Nhật, Mitsubishi UFJ Financial Group đã tăng 8,2%, cổ phiếu của hai ngân hàng lớn khác là Mizuho Financial Group, Sumitomo Mitsui Financial Group có mức tăng lần lượt là 5,8% và 7,6%.
 
Bên cạnh đó, cổ phiếu của nhiều hãng xuất khẩu lớn và khối bất động sản cũng đã tăng điểm với biên độ lớn, góp phần giúp chỉ số Nikkei 225 khởi sắc.
 
Trong đó, cổ phiếu Toyota tăng 2,4%, cổ phiếu Honda tiến thêm 3,3%, cổ phiếu Kyocera lên 5,3%; cổ phiếu Mitsui Fudosan tăng 6,1%, cổ phiếu Mitsubishi Estate lên 5,6%.
 
Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số Nikkei 225 tăng 244,98 điểm, tương đương 3,18%, chốt ở mức 7.949,13. Khối lượng giao dịch đạt 2,3 tỷ cổ phiếu, thị trường cứ có 2 cổ phiếu lên điểm thì có 1 cổ phiếu giảm điểm.
 
Chuyển qua thị trường khác, cơ quan xúc tiến thương mại Singapore vừa cho biết, xuất khẩu không bao gồm dầu của nước này trong tháng 2/2009 đã giảm 23,7% so với cùng kỳ năm ngoái, sau khi giảm 34,9% trong tháng 1/2009.
 
Như vậy, xuất khẩu của quốc đảo này đã giảm tháng thứ 10 liên tiếp trong thời gian qua. Góp phần vào mức giảm này xuất phát từ nhu cầu hàng điện tử và dược phẩm sụt giảm mạnh trên toàn cầu.
 
Theo đó, trong tháng 2/2009, xuất khẩu hàng điện tử của Singapore đã giảm 31,9%, xuất khẩu hàng dược phẩm hạ 23,4%, so với cùng kỳ năm ngoái.
 
Trên thị trường chứng khoán, chỉ số Straits Times hạ 21,87 điểm, tương đương -1,38%, chốt ở mức 1.564,45.
 
Điểm qua các thị trường khác: chỉ số Taiwan Weighted của Đài Loan tiếp tục tăng 1,41%. Chỉ số ASX của Australia tiến thêm 2,91%. Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông mất 0,76%. Chỉ số BSE 30 của Ấn Độ hạ 0,9%. Chỉ số Shanghai Composite tiến thêm 3,02%. Chỉ số KOSPI của Hàn Quốc lên 3,41%.
Theo: VnEconomy