Quản lý năng lượng

Chung tay tiết kiệm điện

Thứ sáu, 21/6/2019 | 09:49 GMT+7
Những ngày gần đây, nắng nóng kéo dài trên diện rộng khiến nhu cầu sử dụng điện tăng đột biến. 

Công nhân Điện lực thành phố chuẩn bị vật tư nâng cấp lưới điện.
 
Theo Điện lực thành phố Thái Bình, những ngày qua nhu cầu sử dụng điện tăng trên 20% so với trước những ngày nắng nóng. Nếu như trong tháng 3 lượng điện tiêu thụ chỉ ở mức 60 triệu kWh thì tháng 5 là 72 triệu kWh. Đặc biệt, đợt nắng nóng từ đầu tháng 6 đến nay, nhu cầu sử dụng điện tăng cao khiến sản lượng tiêu thụ điện liên tục lập đỉnh qua từng ngày. Do đó, tại một số khu vực đã xảy ra tình trạng mất điện cục bộ, nhất là từ 21 giờ đến 24 giờ. 
 
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Giám đốc Điện lực thành phố cho biết: Thời gian qua, tình hình vận hành lưới điện trên địa bàn do Điện lực thành phố quản lý cơ bản ổn định, việc cung cấp điện đã đáp ứng kịp thời cho mọi nhu cầu sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, các sự kiện chính trị của các địa phương và nhu cầu tiêu dùng sinh hoạt của nhân dân. Để bảo đảm cấp điện ổn định, liên tục trong các tháng cao điểm mùa nắng nóng, ngay từ đầu năm, Điện lực thành phố đã tập trung nhân lực, vật lực vào việc chống quá tải nguồn điện; Cải tạo đường dây 35kV, 10kV, 0,4kV tại một số lộ, tuyến phố; Phối hợp với các đơn vị thi công đóng điện tổng số 20 trạm biến áp chống quá tải; Điều chuyển công suất đặt các trạm biến áp cho phù hợp với phụ tải từng khu vực; Tích cực kiểm tra, phát hiện kịp thời khiếm khuyết của lưới điện - xử lý phát quang hành lang lưới điện trung và hạ áp bảo đảm an toàn các tuyến đường dây.

Tuy nhiên, do thời tiết nắng nóng kéo dài đã dẫn đến việc sử dụng điện của khách hàng tăng đột biến. Nhiều thời điểm công suất phụ tải tăng cao gấp 2 - 3 lần so với bình thường, do các hộ gia đình sử dụng tối đa công suất các thiết bị làm mát nên sản lượng điện tiêu thụ tăng từ 1,5 - 2 lần so với tháng bình thường. Vì vậy, tại một số khu vực đã xuất hiện tình trạng đường dây hạ áp và máy biến áp bị quá tải, gây mất điện cục bộ, không gây mất điện trên diện rộng. Ngay sau khi xảy ra sự cố, không kể ngày hay đêm, cán bộ, công nhân Điện lực thành phố đã chủ động kiểm tra, xử lý và cấp điện trở lại phục vụ nhu cầu sử dụng của khách hàng. Đồng thời, Điện lực thành phố đã có biện pháp giải quyết ngay để không tái diễn tình trạng đó trong những ngày tiếp theo như thay máy biến áp nâng công suất, thay thiết bị đóng cắt, nâng tiết diện dây dẫn... đây là các công việc bắt buộc phải cắt điện để thực hiện nhằm khắc phục tình trạng mất điện do quá tải. Nếu không tiến hành ngay sẽ gây mất điện các ngày tiếp theo.
 
Trước những biến đổi bất thường của thời tiết, nắng nóng gay gắt kéo dài trên diện rộng, đồng nghĩa nhu cầu sử dụng điện cũng tăng cao, do vậy, sẽ không tránh khỏi tình trạng quá tải cục bộ. Thời gian qua, việc triển khai các chương trình thi đua tiết kiệm điện đã thu hút và nhận được sự quan tâm của toàn xã hội. Nhất là đối với các doanh nghiệp, việc tiết kiệm điện chính là tiết kiệm chi phí sản xuất. Từ nhiều năm nay, chương trình tiết kiệm điện trở thành một phong trào thi đua sôi nổi trong toàn cán bộ, công nhân Công ty Cổ phần Vật liệu xây dựng Vũ Thư. 
 
Ông Hà Văn Hưng, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Vật liệu xây dựng Vũ Thư cho biết: Chi phí cho điện năng trong cơ cấu giá thành sản phẩm rất lớn. Nhằm tăng năng suất, giảm tiêu hao nhiên liệu và lượng điện tiêu thụ, mỗi năm, Công ty đã đầu tư hiện đại hóa trang thiết bị, máy móc và cải tiến công nghệ như đầu tư hệ thống tụ bù để cân bằng lưới điện, sử dụng các thiết bị quạt qua biến tần, thay thế hệ thống bóng đèn sợi đốt bằng bóng đèn led; kiểm tra, bảo trì, bảo dưỡng máy biến áp, trạm điện; kiểm soát lượng điện tiêu thụ tại mỗi bộ phận; không tổ chức sản xuất vào giờ cao điểm... Vì vậy, năm 2018, Công ty tiết kiệm được trên 300 triệu đồng tiền điện. 
 
Còn bà Ngô Thị Khuy, tổ 5, phường Kỳ Bá (thành phố Thái Bình) cho biết: Thời tiết nắng nóng việc sử dụng điện quá tải là bình thường. Như nhà tôi, các thiết bị điện dùng để làm mát chạy hết công suất. Tôi phải luôn nhắc nhở các con, bật điều hòa thì phải hạn chế các thiết bị khác. Mình bớt sử dụng điện thì người khác mới có điện mà dùng. Suy đi, tính lại, sử dụng điện tiết kiệm cũng chính là tiết kiệm chi phí cho gia đình mình.
 
Với sự chủ động, tăng cường các biện pháp kỹ thuật, vận hành lưới điện từ phía ngành điện, mỗi người dân hãy tắt các thiết bị điện không cần thiết, hạn chế sử dụng những thiết bị không cần thiết vào giờ cao điểm nhất là từ 21 giờ đến 24 giờ, góp phần giảm thiểu nguy cơ quá tải cục bộ, gây sự cố gián đoạn cung cấp điện.
Theo: Báo Thái Bình