Thợ điện PC Quảng Nam thực hiện sửa chữa trên đường dây đang mang điện 22kV. Ảnh: Đ.H
Trao đổi về chương trình DR, ông Nguyễn Minh Tuấn - Giám đốc PC Quảng Nam cho biết:
Chương trình DR đã được ứng dụng rộng rãi ở nhiều nước trên thế giới nhằm khuyến khích khách hàng chủ động giảm nhu cầu sử dụng điện được cung cấp từ hệ thống điện quốc gia khi có yêu cầu, góp phần giảm công suất cực đại vào giờ cao điểm của hệ thống điện, giảm tình trạng lưới điện bị quá tải, nâng cao hiệu quả kinh tế của hệ thống điện.
Thực hiện chủ trương của Chính phủ tại Quyết định số 279/QĐ-TTg ngày 8.3.2018 phê duyệt Chương trình quản lý nhu cầu điện giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2030, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 175/QĐ-BCT ngày 28.1.2019 phê duyệt lộ trình và kế hoạch triển khai chương trình DR nằm trong chương trình quản lý nhu cầu điện (Chương trình DSM). Chương trình DSM hướng đến mục tiêu giảm công suất phụ tải cực đại (công suất đỉnh) và điện năng tiêu thụ của hệ thống điện thông qua các hoạt động gián tiếp hay trực tiếp của khách hàng, được khuyến khích bởi các đơn vị phân phối điện. Mục tiêu của chương trình do Bộ Công Thương đưa ra là đến năm 2020 phấn đấu thực hiện giảm ít nhất 30% công suất phụ tải đỉnh của hệ thống điện quốc gia, tương ứng ít nhất 90MW và 300MW vào năm 2025, tăng lên 600MW vào năm 2030.
PV: Ông có thể nói rõ hơn về lợi ích của khách hàng khi tham gia chương trình DR?
Ông Nguyễn Minh Tuấn: Hiệu quả của chương trình DR mang lại sẽ giảm hoặc thay đổi nhu cầu sử dụng điện của khách hàng, góp phần giảm công suất cực đại vào giờ cao điểm của hệ thống điện quốc gia, hệ thống điện vùng/miền hoặc tại các khu vực lưới điện bị quá tải/nghẽn mạch cục bộ. Chương trình sẽ giúp khách hàng nhận được các hỗ trợ phù hợp, các lợi ích tổng thể trực tiếp đối với từng khách hàng và cả xã hội như giảm chi phí điện năng hàng tháng; giảm khả năng mất điện toàn hệ thống, đồng nghĩa với giảm ảnh hưởng của việc mất điện đột ngột tới hoạt động sản xuất kinh doanh của khách hàng; góp phần nâng cao độ tin cậy và chất lượng cung cấp điện; giảm áp lực đầu tư phát triển, mở rộng nguồn và lưới điện. Chương trình DR không ngoài mục tiêu hướng đến giảm công suất phụ tải cực đại và điện năng tiêu thụ của hệ thống điện thông qua các hoạt động gián tiếp hay trực tiếp của khách hàng sử dụng điện. Chương trình sẽ hỗ trợ khách hàng sử dụng năng lượng điện hiệu quả, hạn chế sử dụng điện giờ cao điểm chuyển sang sử dụng giờ thấp điểm để giảm chi phí sử dụng điện, đem lại lợi ích trực tiếp cho khách hàng, lợi ích chung của hệ thống và toàn xã hội.
PV: Chương trình DR đang được PC Quảng Nam triển khai như thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Minh Tuấn: Mục tiêu trong năm 2019 PC Quảng Nam phấn đấu tiết giảm 32MW. Theo đó, ngay từ năm 2018, PC Quảng Nam đã thành lập ban chỉ đạo, lập kế hoạch và triển khai khảo sát, vận động 28 cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm và 37 khách hàng có TBA chuyên dùng thuộc nhóm sản xuất, công nghiệp tham gia chương trình DR phi thương mại. Đồng thời PC Quảng Nam phối hợp với Trung tâm Sản xuất thiết bị đo điện tử Điện lực miền Trung tiến hành khảo sát ở Công ty Gạch men Anh Em (Khu kinh tế mở Chu Lai) nghiên cứu, thiết kế, xây dựng hệ thống giám sát và điều khiển phụ tải từ xa phục vụ chương trình DSM cho đơn vị. Mới đây, PC Quảng Nam cũng đã phối hợp với 6 doanh nghiệp thực hiện thí điểm điều chỉnh phụ tải, tổng công suất điều chỉnh giảm được trong 3 ngày là 2.203kW.
PV: Nhiều khách hàng là doanh nghiệp vẫn còn e ngại, chưa tích cực tham gia chương trình vì sợ ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh?
Ông Nguyễn Minh Tuấn: Chương trình DR là chủ trương mới, do đó phần lớn khách hàng chưa nắm được thông tin một cách cụ thể, chưa quen với việc phân bổ phụ tải sử dụng điện hợp lý, cho nên vẫn còn e ngại, chưa hưởng ứng tham gia. Thật ra, các khách hàng khi tham gia điều chỉnh phụ tải điện sẽ chỉ diễn ra trong thời gian rất ngắn, có thể chỉ khoảng 30 - 60 phút, khi công suất phụ tải đỉnh và sản lượng điện hệ thống tăng quá cao. Ngoài ra, chương trình DR được triển khai luân phiên giữa các khách hàng mục tiêu, nên khách hàng có thể sẽ chỉ thực hiện một số lần trong năm. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay nằm ở việc chưa có cơ chế khuyến khích hưởng lợi một cách cụ thể đối với những khách hàng tham gia từ chương trình.
Để triển khai hiệu quả các chương trình DSM và DR, PC Quảng Nam đã báo cáo UBND tỉnh xin ý kiến chỉ đạo, đã triển khai ký biên bản thỏa thuận với các khách hàng sản xuất tiết giảm công suất sử dụng điện vào giờ cao điểm. Công ty phối hợp với sở, ngành liên quan triển khai các chương trình làm điểm nhấn tạo sự lan tỏa như: Tổ chức cuộc vận động và cuộc thi “Người dùng điện tham gia quản lý nhu cầu điện” với tiêu chí sử dụng điện hiệu quả và tiết kiệm chi phí; tổ chức thi tìm hiểu về quản lý nhu cầu điện qua mạng internet; đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm tạo sự hưởng ứng mạnh mẽ, sâu rộng trong cả cộng đồng.
PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!