Hình ảnh bài nghiên cứu của anh Nguyễn Như Khoa Nam được đăng trên IEEE Xplore Digital Library.
CIEM là hội nghị quan trọng được tổ chức 2 năm một lần của IEEE; hội nghị nhằm thảo luận về những nghiên cứu khoa học, giải pháp mới trong lĩnh vực năng lượng và môi trường từ khắp các nhà khoa học, doanh nghiệp, trường đại học, phòng thí nghiệm trên thế giới.
Được biết, cơ sở dữ liệu của IEEE Xplore Digital Library là thư viện cung cấp hơn 4,5 triệu tài liệu toàn văn chất lượng cao trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ mũi nhọn như: Công nghệ thông tin, Công nghệ sinh học, Vật liệu, Điện tử – Viễn thông, Tự động hóa, Năng lượng, Toán học… được cập nhật thường xuyên với hơn 20.000 tài liệu mới hàng tháng, trong đó có những bài được cung cấp trước cả khi xuất bản trên giấy, bao gồm: 326 tạp chí học thuật, tạp chí phổ thông, tài liệu nghiệp vụ…
Đề tài “Nghiên cứu lựa chọn giải pháp nối đất lớp bảo vệ kim loại của cáp ngầm thuộc lưới điện phân phối thành phố Đà Nẵng” đã giải quyết nhiều vấn đề kỹ thuật của cáp ngầm lưới điện phân phối hiện tại như: tính toán các tổn thất điện năng trong việc vận hành cáp lực theo tiêu chuẩn IEC 60287 và IEC 60228; đưa ra các phương pháp nối đất lớp bảo vệ cáp ngầm theo tiêu chuẩn IEEE 575-2014; tính toán tổn thất điện năng trong vận hành cáp lực trên địa bàn thành phố Đà Nẵng hiện tại; tính toán tổn thất điện năng và so sánh ưu nhược điểm của các phương pháp nối đất lớp bảo vệ cáp ngầm; đề xuất việc đấu nối lớp bảo vệ cáp ngầm để vận hành cáp ngầm cho tối ưu theo tiêu chuẩn quốc tế và các nước khác trong khu vực…
Nghiên cứu dòng điện tuần hoàn trong lớp bảo vệ của cáp ngầm.
Hiệu quả của nghiên cứu đã giải quyết nhiều vấn đề về nối đất lớp bảo vệ kim loại, lắp đặt đầu nối và vận hành cáp ngầm hiện nay trong lưới điện phân phối, đề xuất phương án nối đất hợp lý và tính toán tối ưu nhằm góp phần giảm tổn thất điện năng trên lưới điện, tăng hiệu quả hoạt động sản xuất. Ngoài ra, nghiên cứu còn giúp tính toán tăng tuổi thọ cho cách điện cáp ngầm, giảm sự cố trên lưới điện, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện và hài lòng của khách hàng.
Trong thời gian qua, các cán bộ công nhân viên PC Đà Nẵng cũng đã có nhiều đề tài, nghiên cứu mang tính mới, sáng tạo, khả năng áp dụng và tính hiệu quả cao, nâng cao chất lượng dịch vụ điện với nhiều tiện ích đáp ứng đa dạng yêu cầu khách hàng, đạt được nhiều giải thưởng và ứng dụng vào thực tiễn. Có thể kể đến như: công trình “Phân tích cảnh báo sản lượng điện bất thường thời gian thực từ đo xa” đạt giải Ba – Giải thưởng Sáng tạo Khoa học công nghệ Việt Nam của nhóm tác giả Huỳnh Thảo Nguyên, Lê Hồng Cương, Võ Hòa, Phan Quang Tú, Bùi Văn Minh, Huỳnh Văn Tiến; công trình “Ứng dụng hệ thống SCADA nhằm tối ưu hóa công tác quản lý vận hành lưới điện trên nền bản đồ địa lý” đạt giải Ba – Giải thưởng Sáng tạo Khoa học công nghệ Việt Nam của nhóm tác giả Hoàng Đăng Nam, Võ Văn Phương, Hoàng Đức Quang Sáng, Nguyễn Hoàng Nhân, Trương Tùng Châu; công trình “Nghiên cứu xây dựng phần mềm quản lý lưới điện Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng” đạt giải Khuyến khích – Giải thưởng Sáng tạo Khoa học công nghệ Việt Nam của nhóm tác giả Võ Hòa, Võ Văn Phương, Hồ Tuấn Anh, Hồ Quốc Việt, Nguyễn Công Minh…
Trong tương lai, PC Đà Nẵng tiếp tục chú trọng, xem nghiên cứu khoa học là động lực quan trọng trong hoạch định chiến lược phát triển. Công ty sẽ luôn tạo môi trường thuận lợi để các tập thể, cá nhân phát huy năng lực, sở trường, sức sáng tạo, các ý tưởng mới…
Hy vọng rằng, sẽ có nhiều sáng kiến, nghiên cứu nổi bật ra đời góp phần đưa phong trào nghiên cứu khoa học kỹ thuật tại các đơn vị trực thuộc PC Đà Nẵng phát triển mạnh mẽ, đóng góp tích cực vào công tác sản xuất kinh doanh, góp phần hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ chính trị được giao.