Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (WB) thăm trạm biến áp số đầu tiên của Việt Nam - Trạm 220 kV Thủy Nguyên

Thứ hai, 13/12/2021 | 11:02 GMT+7
Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) đã tiếp đón đoàn công tác của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (WB) đến thăm và làm việc tại Trạm biến áp 220 kV Thủy Nguyên. 

Đây là trạm biến áp số đầu tiên của ngành Điện, của Việt Nam.
 
Mục đích của đoàn công tác nhằm tìm hiểu về chuyển đổi số, các ứng dụng công nghệ số trạm biến áp, sự khác biệt và những hiệu quả mang lại so với trạm biến áp thông thường.
 
Giới thiệu với Đoàn công tác, đại diện EVNNPT và Trạm biến áp cho biết TBA 220 kV Thủy Nguyên là công trình năng lượng cấp I nhóm B có tổng mức đầu tư hơn 348 tỷ đồng do Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Bắc (NPMB) đại diện EVNNPT đầu tư xây dựng từ tháng 12/2017. Tháng 4/2021, dự án đã hoàn thành đóng điện và được bàn giao cho Công ty Truyền tải điện 1 (PTC1) quản lý và vận hành.
 
Trạm 220 kV Thủy Nguyên có tổng diện tích 40.000 m2, nằm trên địa bàn xã Đông Sơn và xã Kênh Giang, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng. Thiết kế trạm gồm 02 máy biến áp 220/110/22 kV - 250MVA, phía 220 kV sử dụng sơ đồ hai hệ thống thanh cái có thanh cái vòng với 7 ngăn lộ; phía 110 kV sử dụng sơ đồ hai hệ thống thanh cái, có thanh cái vòng với 13 ngăn lộ.
 
EVNNPT là một trong những đơn vị đi đầu áp dụng tiêu chuẩn 61850-9-2 trong hệ thống điều khiển trạm biến áp. Trạm được trang bị hệ thống điều khiển bảo vệ tích hợp bằng rơ le bảo vệ của Siemens, khác biệt so với các TBA khác như: Sử dụng mạng Process Bus cáp quang để kết nối các thiết bị điều khiển, bảo vệ với bộ Merging Unit; Bộ Merging Unit chuyển tín hiệu từ thiết bị nhất thứ thành tín hiệu số và chia sẻ toàn bộ thiết bị trên mạng process bus để các thiết bị điện tử thông minh IEDs xử lý thông tin, nhận lệnh đóng cắt các máy cắt, dao cách ly theo giao thức IEC 61850-9-2.
 
Về chi phí, mức đầu tư cho hệ thống điều khiển tích hợp sử dụng công nghệ kỹ thuật số đắt hơn so với các trạm thông thường cùng quy mô, khoảng 60-90%. Tuy nhiên, tổng mức đầu tư cho 1 trạm biến áp tăng không đáng kể, do suất đầu tư cho hệ thống điều khiển tích hợp chiếm tỷ trọng nhỏ so với cả trạm biến áp.
 
Đến nay, trạm đã đi vào vận hành được 8 tháng, hiện hữu với 07 ngăn lộ đường dây 220 kV, 13 ngăn lộ đường dây 110 kV, 01 máy biến áp AT2 và đã cho thấy một số hiệu quả ban đầu cao hơn rõ rệt so với trạm biến áp thông thường. Việc ứng dụng công nghệ mới tại trạm biến áp đã mang lại nhiều thuận lợi, thông tin được xử lý nhanh hơn, giúp cán bộ quản lý vận hành thực hiện giám sát thu thập thông tin đầy đủ hơn. Thực tế sử dụng cáp quang thay cáp đồng giúp hạn chế chạm chập do cáp đồng gây ra. Ngoài ra, trạm biến áp số có ưu điểm là cảnh báo sớm nguy cơ sự cố tiềm ẩn, giúp người vận hành có hướng xem xét, xử lý kịp thời. Việc thiết kế mạch nhị thứ đơn giản, do vậy công tác quản lý vận hành thuận tiện hơn, hạn chế tối đa việc sử dụng các dữ liệu đầu vào và đầu ra của rơ le và BCU, các tiếp điểm phụ của dao cách ly và máy cắt cũng được giảm nhiều.
 
Qua những thông tin chia sẻ của EVNNPT, đại diện WB cũng đồng quan điểm và cho rằng Việt Nam là một trong những nước đầu tiên trong những nước đang phát triển đưa trạm biến áp số đến với thực tiễn. WB đánh giá cao chiến lược và thực tiễn triển khai thực hiện chuyển đổi số của EVN nói chung và EVNNPT nói riêng. Thông tin thu được về Trạm 220 kV Thủy Nguyên là rất hữu ích để WB hoàn thành báo cáo giới thiệu, truyền bá hình ảnh của EVNNPT với thế giới. Trong tương lai, nếu mô hình trạm biến áp số được đánh giá mang lại hiệu quả rõ ràng, WB cũng có thể xem xét khả năng cho EVNNPT vay vốn, dựa theo nhu cầu, để phát triển thêm nhiều trạm khác.
Theo: EVNNPT