Bảo dưỡng các thiết bị điện. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)
Việc chuyển đổi năng lượng, thay thế các nguồn nhiên liệu hoá thạch, truyền thống sang sử dụng các dạng năng lượng sạch hơn, ít phát thải và tiến tới trung hòa carbon là xu thế của toàn cầu.
Tại Nghị quyết số 55 của Bộ Chính trị ngày 11/2/2020 đã nêu rõ: “Bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia là nền tảng, đồng thời là tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế-xã hội. Ưu tiên phát triển năng lượng nhanh và bền vững, đi trước một bước, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái…”
Bên cạnh đó, để hiện thực hoá cam kết Netzero vào năm 2050 của Thủ tướng Chính phủ tại COP26, Chiến lược phát triển Điện lực Quốc gia của Việt Nam giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (gọi tắt là Quy hoạch Điện 8) cũng tập trung nhiều vào việc định hướng, phát triển “Xanh hơn” đối với các nguồn điện năng.
Áp lực từ nguồn cung năng lượng và giảm phát thải
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, nhu cầu năng lượng của Việt Nam đã không ngừng tăng trưởng với tốc độ cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới, trong đó, nhu cầu năng lượng sơ cấp trong giai đoạn 2010-2019 tăng trưởng khoảng 6%/năm, đặc biệt là tốc độ tăng trưởng sản lượng điện thương phẩm bình quân là 9,71% trong giai đoạn 2010-2021.
Dự báo trong 5 năm tới, nhu cầu điện năng vẫn tăng trưởng ở mức khoảng 8,5%/năm, trong khi đánh giá của Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) về kế hoạch cung cấp điện giai đoạn 2020-2025, việc đảm bảo cung cấp điện trong giai đoạn này sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhất là trong trường hợp xảy ra các hiện tượng thời tiết cực đoan, điển hình như việc thiếu điện tại miền Bắc trong tháng 6 vừa qua.
Vì vậy, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là một giải pháp thiết thực giúp cải thiện hiệu quả nền kinh tế, đồng thời giúp bảo tồn nguồn năng lượng quốc gia, bảo vệ môi trường và giảm phát thải khí nhà kính, đóng góp giảm thiểu các tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu.
Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy cả nước hiện có 3.068 cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm, có mức tiêu thụ điện bình quân là 80 tỷ kWh/năm. Nếu các cơ sở tiêu thụ điện trọng điểm này thực hành để tiết kiệm tối thiểu 2% điện năng tiêu thụ/năm thì bình quân mỗi năm cả nước tiết kiệm được khoảng 1,6 tỷ kWh, tương ứng với tiền điện tiết kiệm được hơn 3.200 tỷ đồng. Tương tự, với 27 triệu hộ gia đình, nếu tiết kiệm 1% điện thì mỗi năm cả nước tiết kiệm được 630 triệu kWh, tương đương 1.174 tỷ đồng.
Đối với điện nếu tiết kiệm khoảng 9% thì đến năm 2030 sẽ tiết kiệm được 45 tỷ kWh. Đây là con số rất lớn và khẳng định được mục tiêu và hiệu quả của việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Tạp chí Năng lượng Việt Nam, nếu đến năm 2030, Việt Nam tiết kiệm khoảng 9% năng lượng thì sẽ giảm bớt được 10 triệu tấn dầu quy đổi, tương đương với 1,5 lượng lọc dầu của nhà máy Dung Quất hoặc giảm 40% lượng xăng dầu tiêu thụ...
Thực tế, trong các ngành sản xuất, nhiều doanh nghiệp như dệt may, thép… đã đầu tư mạnh cho công nghệ để giảm tiêu hao năng lượng, thúc đẩy tăng trưởng bền vững.
Ông Phạm Công Thảo, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNSteel) cho biết trong tiến trình giảm phát thải, VNSteel cũng ưu tiên đầu tư cho công nghệ lò điện để thay thế cho công nghệ lò cao đi từ quặng và phát triển các công nghệ mới để sản xuất thép từ quặng mà không sử dụng than coke.
Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp cũng mở rộng đầu tư sử dụng điện từ năng lượng gió, năng lượng Mặt Trời, sử dụng hydro chiết xuất xanh thay thế khí LNG, hoặc phát triển các giải pháp thu giữ, chôn lấp carbon…
Làm gì để thúc đẩy Xanh hóa?
Theo các chuyên gia, khoảng 2/3 tổng phát thải quốc gia là từ ngành năng lượng, (bao gồm năng lượng sử dụng trong sản xuất công nghiệp, điện và vận tải, riêng sản xuất điện tổng mức phát thải chiếm 30% của cả nước), trong đó, năng lượng đặt ra một cơ hội lớn cho tham vọng đạt phát thải ròng bằng 0 của Việt Nam.
Ông Bruce Delteil, Giám đốc Điều hành McKinsey Việt Nam đánh giá phát triển năng lượng tái tạo sẽ giúp Việt Nam đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Theo đó, Việt Nam cần chuyển hướng phần lớn năng lượng sang điện gió và Mặt Trời, bảo đảm đến năm 2050 công suất lắp đặt điện gió đạt khoảng 150GW, phần lớn là ngoài khơi và công suất điện mặt trời khoảng 70GW. Phần công suất còn lại cần chuyển dịch sang thủy điện và ngừng sử dụng than sau năm 2030.
“Nếu khai thác được lợi thế tự nhiên của mình, Việt Nam có thể xuất khẩu ròng năng lượng tái tạo và trở thành trung tâm sản xuất hydro xanh,” ông Bruce Delteil nhận định.
Cùng nội dung này, ông Patrick Lenain, Cộng sự cấp cao tại Hội đồng chính sách kinh tế (CEP) cho rằng ở Việt Nam phần lớn khí thải nhà kính xuất phát từ các hoạt động sản xuất điện, nông nghiệp, sản xuất công nghiệp và giao thông. Sản xuất điện là nguồn phát thải carbon lớn nhất của Việt Nam, chiếm khoảng 30% tổng lượng phát thải do còn nhiều nhà máy nhiệt điện than đang hoạt động. Chuyển dịch năng lượng và phát triển năng lượng tái tạo sẽ góp phần giúp Việt Nam đạt trung hòa carbon vào năm 2050.
Nhiều chuyên gia cũng nhấn mạnh việc thay thế nhiên liệu hóa thạch và chuyển sang dùng điện là xu thế hiện nay trên thế giới và đương nhiên, nguồn điện cũng phải “Xanh,” nghĩa là nhiệt điện than sẽ phải nghiên cứu thay thế, loại bỏ nhiên liệu đốt than (bằng amoniac và hydro) để đạt được mục tiêu trung hòa carbon.
Tuabin gió của Công ty GE. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Các nguồn điện mới sẽ phải được sản xuất chủ yếu từ năng lượng tái tạo - như điện gió, điện Mặt Trời, điện từ sóng biển, từ rác thải/sinh khối… mà Việt Nam là quốc gia có tiềm năng để phát triển quy mô lớn.
Chỉ tính riêng tiềm năng kỹ thuật về điện gió của Việt Nam (bao gồm điện gió ngoài khơi), Ngân hàng thế giới (WB) dự báo có thể lên tới 600GW. Trong khi đó, Báo cáo Triển vọng Năng lượng Việt Nam bản mới nhất được công bố vào trung tuần tháng 6/2022 cho thấy tiềm năng điện gió ngoài khơi vào khoảng 160GW...
Dù vậy, các chuyên gia cho rằng phải tính toán kỹ lưỡng tiềm năng thực, có thể khai thác, trên cơ sở đó, hoàn thiện hệ thống pháp lý và các cơ chế, chính sách để phát triển nguồn điện này.
Như vậy, việc phát triển năng lượng tái tạo thay thế năng lượng truyền thống là cơ hội lớn cho Việt Nam tiến tới phát thải ròng bằng 0. Tuy nhiên, còn rất nhiều việc cần tính tới, nhất là nguồn vốn để đầu tư công nghệ, hay các chính sách để giúp doanh nghiệp đẩy mạnh đổi mới sáng tạo.
Trao đổi về vấn đề này, ông Yew Wei Nan - Giám đốc Kinh doanh GE Gas Power, Khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho rằng việc chuyển sang mục tiêu phát thải cacbon thấp hơn của Việt Nam hoàn toàn có thể đạt được với công nghệ hiện tại (khoảng 60 đến 70% so với phát thải từ nhà máy sản xuất than). Điều này có thể được thực hiện thông qua sự kết hợp của năng lượng tái tạo, pin lưu trữ và khí.
Tuy nhiên, ông khuyến nghị Chính phủ cần có chính sách rõ ràng trong việc khuyến khích đầu tư vào các dự án phát triển năng lượng tái tạo. Chính sách phải đảm bảo được việc chuyển đổi sang các lựa chọn phát thải cacbon thấp phù hợp với ngân sách của người tiêu dùng nhưng phải ưu tiên tính bền vững và duy trì nguồn cung cấp năng lượng tin cậy.
Ông Mã Khai Hiền, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển về Tiết kiệm Năng lượng (Enerteam) cũng cho hay việc thực hiện đầu tư các giải pháp tiết kiệm năng lượng đòi hỏi kỹ thuật, công nghệ. Do vậy, cần phải có cơ chế để huy động và khơi thông các nguồn lực, giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn tài chính phù hợp để chuyển đổi công nghệ, khuyến khích, ưu đãi hoặc thưởng cho doanh nghiệp đầu tư các giải pháp tiết kiệm năng lượng.
Link gốc