Tin trong nước

Chuyên gia Đinh Trọng Thịnh: Có thể xem xét điều chỉnh giá điện ở mức phù hợp

Thứ tư, 14/12/2022 | 14:41 GMT+7
Đó là quan điểm của PGS. TS Đinh Trọng Thịnh – Chuyên gia Kinh tế - Tài chính khi giá nguyên, nhiên liệu đầu vào cho sản xuất điện từ đầu năm đến nay tăng mạnh, khiến EVN gặp rất nhiều khó khăn trong cân bằng tài chính cũng như đảm bảo an ninh năng lượng.
 

PGS. TS Đinh Trọng Thịnh – Chuyên gia Kinh tế - Tài chính.
 
PV: Thưa ông, năm 2022 tình hình giá năng lượng thế giới đã tác động như thế nào đến thị trường năng lượng Việt Nam?
 
Ông Đinh Trọng Thịnh: Năm 2022 là một năm rất khác biệt so với những năm trước. Các quốc gia trên thế giới đang tăng trưởng chậm lại, trong khi lạm phát rất cao. Đồng thời, chiến tranh giữa Ukraina – Nga cũng là một trong những nguyên nhân khiến giá nhiên liệu như xăng dầu, khí đốt trên thế giới tăng một cách đáng kể. Đặc biệt, giá khí đốt tăng mạnh đã khiến cho chi phí sản xuất điện ở các nước châu Âu tăng cao; từ đó, tác động đến giá các nhiên liệu năng lượng thay thế như than, dầu mỏ… để phục vụ phát điện cũng tăng lên.
 
Hiện nay, Việt Nam đã hội nhập tương đối sâu rộng với nền kinh tế toàn cầu. Do đó, giá nguyên nhiên vật liệu cũng như các dịch vụ, chi phí sản xuất kinh doanh… của thế giới sẽ tác động trực tiếp đến Việt Nam, trong đó lĩnh vực năng lượng cũng không ngoại lệ.
 
PV: Thưa ông, EVN vừa cho biết, chi phí sản xuất điện tăng cao do giá nhiên liệu tăng đột biến; do đó đã báo cáo và đề xuất Chính phủ xem xét điều chỉnh giá điện. Quan điểm của ông về vấn đề này?
 
Ông Đinh Trọng Thịnh: Năm 2020, 2021, khi đại dịch COVID-19 bùng phát, để phục vụ việc phòng, chống dịch cũng như đáp ứng các yêu cầu khác nhằm cân đối vĩ mô, ổn định nền kinh tế của đất nước, hầu hết tất cả các giá nguyên, nhiên liệu, các dịch vụ công của nhà nước cung cấp đều được yêu cầu giữ bình ổn và không tăng giá.
 
Tuy nhiên, đến bây giờ, khi nền kinh tế đã hồi phục, tăng trưởng và phát triển thì việc tính đúng, tính đủ các chi phí nguyên vật liệu đầu vào cho hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều lĩnh vực là đòi hỏi chính đáng và cần thiết. Vì thế, tôi cho rằng đã đến lúc cần phải xem tác động của giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào, các chi phí sản xuất, chi phí vận tải… đến hoạt động của EVN; từ đó, có thể xem xét mức điều chỉnh giá điện phù hợp.
 
PV: Trong trường hợp không điều chỉnh giá điện, hoạt động của EVN sẽ ảnh hưởng như thế nào, thưa ông? Và ông có khuyến nghị gì trong việc điều hành giá điện trong thời gian tới?
 
Ông Đinh Trọng Thịnh: Điện là lĩnh vực rất quan trọng đối với sản xuất, kinh doanh và đời sống xã hội, dân sinh. Vì vậy, việc đảm bảo cung cấp đủ điện đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế là nhiệm vụ mà EVN phải thực hiện.
 
Nếu không tính đúng, tính đủ các chi phí đầu vào cho hoạt động sản xuất kinh doanh điện, sẽ gây nên những cái khoản lỗ rất lớn cho EVN. Điều này đứng về phương diện kinh tế thị trường là bất hợp lý.
 
Nếu Chính phủ vẫn kiên quyết là giữ giá điện, tôi cho rằng, Chính phủ phải có biện pháp bù lỗ cho EVN, cũng như các ngành mà Nhà nước đang quản lý và điều hành cái giá cả. Tuy nhiên, điều này sẽ gây áp lực lớn lên chi tiêu ngân sách và cân bằng ngân sách Nhà nước; và điều đó không theo đúng quy luật của kinh tế thị trường.
 
Nền kinh tế của nước ta là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, dưới sự quản lý, điều tiết của Nhà nước, nhằm thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Để không một ai bị bỏ lại phía sau, việc Nhà nước can thiệp là cần thiết. Tuy nhiên, cần phải tôn trọng quy luật của nền kinh tế thị trường, nhất là khi Việt Nam đã hội nhập sâu rộng và thực hiện các cam kết với các khu vực, quốc gia đã ký hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương. Do đó, việc tính toán giá điện cũng như giá các dịch vụ công, các mặt hàng do Nhà nước điều hành giá theo đầu vào của thị trường là một trong những đòi hỏi cấp thiết hiện nay.
 
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
 
Minh Tuấn