Cụ thể, tách bạch bộ phận dịch vụ sửa chữa tại các tổng công ty điện lực và các nhà máy điện trực thuộc EVN; Tách khâu phân phối và khâu kinh doanh bán lẻ điện tại các tổng công ty điện lực; Kiện toàn mô hình tổ chức quản lý của Cơ quan EVN, các Tổng công ty và các đơn vị hạch toán phụ thuộc EVN.
Bên cạnh đó, Tập đoàn thực hiện cổ phần hóa (CPH) các tổng công ty phát điện (GENCO) theo kế hoạch được duyệt; trong đó, chào bán ra công chúng (IPO), bán cho nhà đầu tư chiến lược theo phương án CPH GENCO 3; Công bố giá trị doanh nghiệp để CPH và xây dựng Phương án CPH trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; đồng thời tổ chức thực hiện IPO đối với các GENCO 1 và 2
Năm nay, Tập đoàn cũng tiếp tục thoái vốn của EVN và của các tổng công ty tại các công ty cổ phần; trong đó Tập đoàn thoái vốn Công ty Tài chính cổ phần điện lực - EVNFinance (7,5% vốn điều lệ), Tổng công ty Thiết bị điện Đông Anh, Công ty cổ phần Phong điện Thuận Bình, Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng điện 3 và 4.
Như vậy sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tổng thể sắp xếp, tái cơ cấu doanh nghiệp thuộc EVN giai đoạn 2017-2020, Tập đoàn đã phê duyệt Đề án sắp xếp, tái cơ cấu 9 Tổng công ty.
Theo đó, EVN triển khai các bước CPH các Tổng công ty phát điện theo đúng quy định, trong đó: Phương án CPH GENCO 3 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 12/2017. Hiện đang hoàn thiện các thủ tục xác định giá trị doanh nghiệp các Tổng công ty phát điện 1 và 2, dự kiến hoàn thành CPH trong năm 2018.
Ngoài ra, Tập đoàn và các đơn vị còn thoái, giảm vốn tại 8 Công ty cổ phần với giá trị phải thoái/giảm vốn là 269,54 tỷ đồng, giá trị thu về 386,58 tỷ đồng, thặng dư 117 tỷ đồng. Trong đó, EVN đã thoái vốn được 187,5 tỷ đồng (theo mệnh giá) tại EVNFinance với giá trị thu về 218,51 tỷ đồng, thặng dư 31 tỷ đồng.
Mai Phương/Icon.com.vn