Qua phong trào thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo và xây dựng công đoàn vững mạnh, năm 2014, Công đoàn Điện lực Việt Nam đã đề nghị Tổng Liên đoàn tặng Cờ thi đua toàn diện cho 5 đơn vị, Bằng khen cho 22 tập thể, 32 cá nhân; tặng 3 cờ thi đua, Bằng khen cho 17 tập thể, 25 cá nhân khen thưởng chuyên đề bảo hộ lao động, văn hóa - thể thao, công tác Nữ công. Công đoàn Điện lực Việt Nam đã tổ chức biểu dương, khen thưởng 51 cán bộ công đoàn tiêu biểu xuất sắc; Tổng Liên đoàn tặng “Kỷ niệm chương vì sự nghiệp xây dựng tổ chức Công đoàn” cho 489 cán bộ công đoàn. Công đoàn Điện lực Việt Nam được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Độc lập hạng Ba.
Vấn đề người lao động và các tổ chức CĐ rất quan tâm là làm thế nào để phong trào thi đua không còn là khẩu hiệu mà thực sự đóng góp vào hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Sau đây là ý kiến của một số lãnh đạo CĐ về vấn đề này.
Ông Khuất Duy Mậu – Chủ tịch CĐ EVN: Điểm mấu chốt là phải tạo được phong trào thực sự hiệu quả
Tổ chức phong trào thi đua là hoạt động quan trọng của CĐ EVN trong năm 2014. Công đoàn luôn là người khởi xướng, đề xuất và phối hợp với chuyên môn theo sát phong trào, tạo không khí thi đua lao động sôi nổi từ tập đoàn xuống cơ sở, góp phần quan trọng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ sản xuất kinh doanh của đơn vị. Bên cạnh việc tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua truyền thống như "Ca vận hành an toàn - kinh tế", "Sửa chữa đảm bảo an toàn - chất lượng - tiến độ" ở khối máy điện; phong trào "Trạm biến áp và đường dây kiễu mẫu" ở khối truyền tải điện; phong trào“ Kỹ sư điều hành giỏi” ở khối điều độ; “Thi đua dạy tốt” ở khối trường học nhằm góp phần nâng cao năng suất lao động, cải thiện điều kiện, môi trường làm việc, CĐ còn tích cực tổ chức phát động thi đua trên các công trình trọng điểm nhằm hoàn thành nhiệm vụ “cung cấp đủ điện cho miền Nam”. Các phong trào thi đua đã thu hút hàng chục nghìn CNVCLĐ hưởng ứng tham gia, đem lại hiệu quả rất thiết thực, góp phần động viên cán bộ, công nhân viên hoàn thành các mốc tiến độ đã đề ra. Đặc biệt, thi đua lao động sáng tạo là phong trào luôn đổi mới về nội dung và đem lại những hiệu quả bất ngờ. Năm 2014, tập đoàn có 1.966 sáng kiến được công nhận và áp dụng vào sản xuất kinh doanh, làm lợi 82,11 tỷ đồng. Trong đó có 73 sáng kiến được Tổng Liên đoàn cấp Bằng Lao động Sáng tạo. Tổng công ty Điện lực TP. HCM vinh dự được tôn vinh là tập thể tiêu biểu của ngành Điện tại chương trình "Vinh quang Việt Nam" nhân kỷ niệm 85 năm ngày thành lập CĐ Việt Nam.
Để phong trào thi đua thực sự có hiệu quả, các tổ chức công đoàn phải biết khơi dậy tính sáng tạo trong đội ngũ trí thức, lực lượng lao động trẻ. Phát huy vai trò của CNVCLĐ trong phong trào thi đua “Lao động giỏi, Lao động sáng tạo”. Đẩy mạnh tổ chức các phong trào thi đua để phát hiện và bồi dưỡng ngày càng nhiều hơn nữa các nhân tố mới, các điển hình tiên tiến, tôn vinh, động viên NLĐ một cách kịp thời.
Ông Trịnh Tuấn Sơn: Chủ tịch CĐ Tổng công ty truyền tải điện quốc gia (EVNNPT): Mục tiêu hàng đầu là hướng về cơ sở
Nhận thức rõ các phong trào thi đua không chỉ hoàn thành nhiệm vụ chính trị mà còn góp phần nâng cao và cải thiện điều kiện làm việc, thu nhập cho người lao động, Công đoàn EVNNPT đã chỉ đạo các công đoàn cơ sở phối hợp với chuyên môn đồng cấp tổ chức phát động các phong trào thi đua sâu rộng phù hợp với đặc điểm, tình hình thực tiễn của mỗi đơn vị. Điển hình là các phong trào “Xây dựng trạm đường dây tiêu biểu”, “Thi thợ quản lý vận hành giỏi”, cải tạo và nâng cấp lưới truyền tải, phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật...ở khối truyền tải. Với khối Ban quản lý các dự án là thực hiện phong trào đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm cấp bách và công trình đồng bộ nguồn điện, đặc biệt là phong trào thi đua liên kết trên các công trình trọng điểm. Qua thi đua đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân điển hình, tiêu biểu; hàng nghìn sáng kiến và giải pháp hữu ích đã làm lợi hàng tỉ đồng; nhiều đề tài, sáng kiến cải tiến, hợp lý hóa sản xuất được đưa vào áp dụng đã giúp người lao động nhanh chóng nắm bắt và làm chủ các thiết bị công nghệ mới, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tiết kiệm nguyên, nhiên vật liệu; tạo dựng nề nếp chính quy trong công tác quản lý vận hành, rèn luyện và xây dựng đội ngũ thợ truyền tải có trình độ chuyên môn vững vàng, có ý thức kỷ luật cao, có tác phong làm việc công nghiệp, tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình, quy phạm vận hành.
Với mục tiêu hướng về cơ sở, năm qua, CĐ EVNNPT đã trích 500 triệu đồng từ ngân sách công đoàn thăm hỏi động viên CNVCLĐ tại các đơn vị khó khăn, vùng sâu, vùng xa, các công trình trọng điểm; hỗ trợ hàng trăm triệu đồng xây dựng cơ sở vật chất cho phong trào thể dục thể thao ở cơ sở. Tìm hiểu, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của người lao động, chấn chỉnh tồn tại trong công tác quản lý tài chính và hoạt động công đoàn, tạo điều kiện về kinh phí hoạt động cho các công đoàn cơ sở...
Ông Nguyễn Minh Nhựt, Chủ tịch CĐ Tổng công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh (EVN HCMC): Cần phát huy tính tự giác của người lao động
Thành công nổi bật nhất của EVN HCMC trong nhiều năm qua là tuyên truyền tiết kiệm để tối ưu hóa chi phí, nhất là tiết kiệm điện (TKĐ). CBCNV là những người đi đầu trong phong trào thực hiện TKĐ tại hộ gia đình, đồng thời là lực lượng nòng cốt trong công tác tuyên truyền, vận động khách hàng cùng thực hiện. Chương trình TKĐ cũng thu hút các nhà cung cấp các thiết bị nước nóng năng lượng mặt trời, đèn compact tham gia quảng bá sản phẩm và là dịp để các hộ gia đình chia sẻ kinh nghiệm trong việc thực hiện TKĐ. Chương trình này đã giúp cho người dân nâng cao ý thức hơn về việc sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả. Hàng năm, các chỉ tiêu thi đua đều được nâng cao phù hợp với thực tế, có sơ kết, tổng kết khen chê kịp thời. Trong thành tích tiết kiệm 2,8 tỷ kWh điện của TP Hồ Chí Minh, có sự hậu thuẫn rất đắc lực của lãnh đạo tổng công ty, sự vào cuộc tích cực của người lao động. Trong đó, CĐ EVNHCMC có vai trò rất quan trọng của trong việc tham gia xây dựng phương án, tổ chức phong trào, đề nghị khen thưởng, đặc biệt là giáo dục, kêu gọi sự tự giác của CBCNVC. Bởi vì, nếu người lao động tham gia phong trào vì mệnh lệnh thì không bao giờ có hiệu quả cao.
Ông Phạm Thế Dung: Chủ tịch CĐ Công ty Thủy điện Hòa Bình: Phải tìm được tiếng nói chung giữa chuyên môn và công đoàn
Từ đầu năm, CĐ Công ty Thủy điện Hòa Bình đã phối hợp cùng chuyên môn phát động các phong trào thi đua với chủ đề khai thác thiết bị và nguồn nước về có hiệu quả, đạt sản lượng điện cao, sửa chữa thiết bị bảo đảm an toàn. Trong năm chia ra các đợt mũi nhọn, trong đó, mùa khô trọng tâm là sửa chữa thiết bị an toàn, mùa mưa trọng tâm là phát huy tối đa năng lực pahts điện của các tổ máy. Năm 2014, nước về bằng 82% so với trung bình nhiều năm nhưng công ty vẫn đạt sản lượng điện gần 10 tỷ kWh (sản lượng thiết kế là 8,5-8,7 tỷ kWh). Chỉ tiêu tích nước đạt 117,3 m, đạt yêu cầu tích nước theo yêu cầu.
Đóng góp vào thành tích trên, CĐ công ty đã phối hợp với chuyên môn thường xuyên theo sát phong trào. Căn cứ vào nhiệm vụ từng đợt để xây dựng các nội dung, tổ chức sơ kết thi đua cho phù hợp. Thường xuyên tổ chức nói chuyện, tạo điều kiện cho công nhân đi tham quan, giao lưu ở những đơn vị bạn có phong trào tốt để họ học hỏi. Quan tâm vật chất, thăm hỏi công nhân có hoàn cảnh khó khăn, công nhân làm việc những ngày lễ tết. Để làm tốt nhiệm vụ, lãnh đạo công đoàn phải có tầm nhìn, nhiệt tình, phối hợp với chuyên môn, tìm ra tiêng nói chung để vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ.