Công nhân Công ty Truyền tải điện 1 ứng dụng UAV trong quản lý vận hành đường dây truyền tải điện. Ảnh: Nguyên Long.
Với các lợi ích mang lại sau 5 năm ứng dụng UAV, các đơn vị truyền tải điện trong toàn Tổng công ty truyền tải điện quốc gia đang hướng đến việc ứng dụng toàn diện UAV vào công tác quản lý, đầu tư, vận hành lưới điện quốc gia.
Ở khu vực Nghệ An - Hà Tĩnh, vào các tháng mùa khô nhiều thời điểm nhiệt độ lên tới 44-45 độ C. Để đảm bảo lưới điện được vận hành an toàn trong bối cảnh truyền tải cao, cán bộ công nhân viên các đơn vị truyền tải điện luôn phải chia ca kíp túc trực 24/24h. Thiết bị UAV đã hỗ trợ rất nhiều trong công tác quản lý vận hành, giảm sức lao động cho công nhân truyền tải phải làm việc trực tiếp dưới cái nắng gay gắt.
"Trong công tác quản lý, vận hành đường dây 500kV và 220 kV hiện tại đã được ty trang bị bằng những thiết bị chuyên dụng, chẳng hạn như máy UAV, Flycam, máy phát nhiệt…từ đó giảm sức lao động, giúp cho sức khỏe nhân viên vận hành. Chẳng hạn như trước đây phải leo lên đến tận cột để kiểm tra, nhưng bây giờ công nhân đứng từ xa có thể bay, quan sát qua màn hình và đi soi các thiết bị trên cột, dây và các điểm nối được nhìn qua hình ảnh rất rõ ràng và chiếu trực tiếp về cho máy sử dụng, để công nhân viên được biết nắm bắt thiết bị đường dây"- Anh Đậu Đức Cường - công nhân vận hành lưới điện của Truyền tải điện Nghệ An, Công ty Truyền tải điện 1 chia sẻ.
Thiết bị bay UAV còn giúp công tác giám sát, nghiệm thu các công trình truyền tải điện. Thực tế công tác kiểm tra, giám sát tiến tới nghiệm thu trên tuyến đường dây 220kV Nha Trang - Tháp Chàm, Đội trưởng Đội TTĐ Nha Trang Ngô Hữu Bảo Thịnh (thuộc TTĐ Khánh Hoà, Công ty truyền tải điện 3) cho biết, "Hiện tại Tổng công ty cũng như Công ty đang triển khai mạnh về ứng dụng công nghệ vào trong quản lý vận hành. Cụ thể trong công tác nghiệm thu, đang triển khai dùng UAV để hỗ trợ anh em nghiệm thu về các phụ kiện phần mang điện cũng như các điểm mà trên cao để giảm bớt công sức anh em leo trèo".
Là đơn vị đầu tư từ sớm thiết bị UAV vào công tác quản lý vận hành, đặc biệt là ứng dụng UAV/Flycam vào theo dõi, giám sát, hỗ trợ công tác nghiệm thu nhiều cung đoạn của công trình Đường dây 500kV mạch 3 đoạn Vũng Áng - Quảng Trạch - Dốc Sỏi - Pleiku 2 (công trình được đóng điện mang tải vào giữa tháng 8/2022), ông Trần Thanh Phong- Giám đốc Công ty Truyền tải điện 2, cho biết thực tế, "Đường dây 500kV mạch 3 là đường dây có khối lượng cột cao, trung bình từ 70-80 mét trở lên - gần như cao gấp rưỡi, gấp đôi đường dây 500kV mạch 1, mạch 2, chính vì vậy việc áp dụng công nghệ là hết sức cần thiết. Ví dụ, chúng tôi đã dùng Flycam để tham gia vào công tác tư vấn giám sát cùng với công tác giám sát truyền thống. Chúng tôi đã trang bị cho mỗi đơn vị Truyền tải điện 1 chiếc Flycam để tham gia vào trong quá trình giám sát dựng cột, kéo dây".
Ông Lưu Việt Tiến- Phó TGĐ Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (NPT) đánh giá cao hiệu quả của “cộng sự” UAV trong toàn bộ công tác đầu tư, quản lý, vận hành hệ thống truyền tải điện: "Để kịp thời phát hiện các bất thường, khiếm khuyết, các điểm phát nhiệt, các chuỗi cách điện bị bẩn do bụi từ các nhà máy, công trường, EVNNPT đã ứng dụng thiết bị bay UAV mang theo camera độ phân giải cao để chụp ảnh, phân tích, xác định các điểm có nguy cơ sự cố và xử lý sớm. Việc ứng dụng UAV giúp tăng năng suất lao động, giảm thiểu rủi ro mất an toàn cho người lao động khi trèo cao... Trong bối cảnh các dự án đầu tư xây dựng đường dây, trạm biến áp trải dài trên toàn quốc, lực lượng quản lý xây dựng của các Ban A mỏng, việc ứng dụng công nghệ hỗ trợ cho công tác quản lý đầu tư, giám sát, nghiệm thu là rất cần thiết. EVNNPT cũng đã ứng dụng thiết bị bay UAV để chụp ảnh, hỗ trợ công tác nghiệm thu, đánh giá chất lượng đối với các thiết bị trên cao đối với các dự án xây dựng đường dây".
Tại “Hội thảo sử dụng UAV trong công tác quản lý vận hành đường dây 110kV - 500kV” do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tổ chức vào cuối tháng 7 vừa qua, hiệu quả của việc sử dụng UAV trong công tác kiểm tra hệ thống điện, được kể đến, như: tăng chất lượng giám sát thiết bị lưới điện, đặc biệt là các thiết bị trên cao; Tăng độ tin cậy và cung cấp điện liên tục; giảm độ nặng nhọc, nguy cơ mất an toàn lao động; tiết kiệm thời gian kiểm tra; tiếp cận và đánh giá nhanh tình trạng thiết bị, hành lang an toàn, đặc biệt là kiểm tra sau thiên tai, bão lũ. Đặc biệt, đối với hệ thống truyền tải điện đi qua địa bàn hiểm trở, núi cao rừng sâu thì việc ứng dụng UAV mang lại hiệu quả cực kỳ quan trọng.
EVNNPT và các đơn vị đang hướng đến việc ứng dụng toàn diện UAV vào công tác quản lý vận hành đường dây tải điện bao gồm các công tác kiểm tra định kỳ ngày; soi phát nhiệt ống nối, đầu cốt lèo, khóa néo, chuỗi cách điện; Kiểm tra chuyên đề, đột xuất, sự cố, công tác giám sát, nghiệm thu công trình... Tiếp tục ứng dụng mạnh mẽ các khoa học công nghệ tiên tiến của thế giới vào công tác quản lý kỹ thuật, như việc thực hiện bay quét và dựng hình ảnh 3D hệ thống đường dây, hành lang an toàn lưới điện với công nghệ LIDAR để kiểm soát an toàn hành lang tuyến.
Ông Nguyễn Hữu Đức - Phó Trưởng ban Kỹ thuật sản xuất EVN nhìn nhận, việc ứng dụng UAV vào sản xuất trong toàn EVN mang lại hiệu quả rất tích cực, rõ ràng. Vì vậy, cần tập trung xây dựng ứng dụng UAV cho những công việc trọng tâm, để thực hiện có hiệu quả cho từng đơn vị, đặc thù công tác nhằm nâng cao chất lượng quản lý vận hành, giảm thiểu sự cố trên lưới điện quốc gia.