Công nghệ mới tối ưu hóa việc cấp điện

Thứ tư, 20/11/2013 | 09:21 GMT+7
Các nhà khoa học tại Đại học Helmut Schmidt (Đức) đang phát triển một công nghệ đo lường một cách khách quan các thuộc tính của các mạng điện cao áp.

 Với công nghệ này, sự kết nối của các khu điện gió và các cơ sở năng lượng khác vào mạng lưới điện có thể được tối ưu hóa.

Bộ Môi trường Liên bang (BMU) đang tài trợ cho dự án này với trị giá 2,5 triệu euro. Hai công ty Vattenfall Hambourg và Astrol Electronic tham gia với tư cách là các đối tác công nghiệp.

Theo chính sách của Chính phủ liên bang, ngày càng nhiều các khu điện gió công suất lớn sẽ sớm được kết nối vào mạng lưới điện. Điện sản xuất ra chủ yếu được hòa vào mạng lưới điện cao thế. Tuy nhiên, các nhà khai thác thường không biết chính xác điện gió sẽ ảnh hưởng đến chất lượng của điện áp trên mạng lưới điện. Một nhóm nghiên cứu từ Đại học Helmut Schmidt đang nghiên cứu để giải quyết vấn đề này. Các nhà khoa học phát triển một thiết bị đo gắn liền với điểm tiếp nối của khu điện gió với lưới điện, cho phép đo chính xác phản ứng của lưới điện với khu điện gió. Một thiết bị tương tự đã được phát triển bởi nhóm nghiên cứu như một phần của một dự án cho điện áp trung bình (lên đến 20 kV). Bây giờ, các nhà khoa học cũng thành công trên mạng cao áp (110 kV).

Detlef Schulz, trưởng nhóm nghiên cứu cho biết: Chúng tôi đã tạo ra công nghệ mới, cho phép xác định tác động của nguồn điện được tạo ra từ các tua-bin gió đến mạng lưới điện và giúp nhà khai thác có các điều chỉnh cần thiết. Qua đó các nhà khai thác điện gió có thể điều chỉnh kế hoạch của mình hiệu quả hơn và tổ chức tối ưu hơn. Bởi vì nhiều nhà cung cấp không biết các thuộc tính của mạng lưới điện và muốn tránh trục trặc, họ có xu hướng không khai thác năng lực của mình một cách tối ưu.
Theo: Công Thương Online