Tiến độ công trình

Công trình thủy lợi, thủy điện Cửa Đạt : Vượt qua mùa bão lũ

Thứ năm, 23/10/2008 | 09:14 GMT+7
Dự án Thủy lợi, thủy điện Cửa Đạt (cách TP Thanh Hóa 60km về phía Tây) là công trình do nhà nước đầu tư với số vốn hơn 4.000 tỷ đồng. Tại miền Tây Thanh Hóa, hàng năm, mùa bão lũ bắt đầu từ tháng 6 Âm lịch đến hết tháng 10 Âm lịch. Cách đây 2 năm công trình Cửa Đạt đã bị bão lũ tàn phá nặng nề. Nay là cuối tháng 9 Âm lịch năm Mậu Tý rồi, chỉ còn một tháng nữa là hết mùa bão lũ. Và theo đúng tiến độ thì tháng 6-2009, công trình Cửa Đạt sẽ hoàn tất, đưa vào sử dụng.
 

Đổ bê tông mặt đập

Khởi công từ tháng 2-2004, công trình Cửa Đạt (nằm ở huyện Thường Xuân, trên sông Cửa Đạt, một nguồn chính của sông Chu) với cụm hạng mục đầu mối là đập chính, đập tràn, cửa nhận nước, tạo thành hồ chứa nước nhân tạo: diện tích mặt nước rộng 30,8km², dung tích 1.450 triệu m³.

Công trình nhằm giảm lũ với tần suất 0,6%, bảo đảm mực nước sông Chu tại Xuân Khánh huyện Thọ Xuân không vượt quá 13,71m (lũ lịch sử 1962); cấp nước cho công nghiệp và sinh hoạt với lưu lượng 7,715m³/giây; tạo nguồn nước tưới ổn định cho 86.862ha đất canh tác; bổ sung nước mùa kiệt cho hạ lưu sông Mã để đẩy mặn, cải tạo môi trường sinh thái với lưu lượng 30,42m³/giây; đồng thời, kết hợp phát điện với công suất lắp máy 88-97 MW.

Dọc đường từ thành phố Thanh Hóa lên Thường Xuân, tôi đã chứng kiến không khí náo nức, sôi động của hàng vạn người dân Thanh Hóa trẩy hội Lam Kinh, nghe 22 chiếc trống đồng gióng lên thật hào hùng. Khi đến vị trí đang xây dựng đập chính của công trình Cửa Đạt, tôi thật sự ngỡ ngàng. Miền đất đồi núi hoang vu heo hút mà ngày khởi công công trình, tháng 2-2004, tôi có mặt, nay đã là một con đập đá sừng sững, bê tông lát mái thượng lưu mịn như lụa.

Tại hạng mục quan trọng bậc nhất của dự án Cửa Đạt, hiện có gần 70 xe ô tô, các loại máy thi công đang hối hả làm việc. An toàn lao động và chất lượng kỹ thuật là hai vấn đề mà Tổng Công ty Xây dựng Thủy lợi 4 đặt lên hàng đầu tại công trình này. Cao trình đập được nâng lên từng ngày, từng tuần.

Ý thức rõ vấn đề chất lượng kỹ thuật là vô cùng quan trọng đối với công trình thế kỷ, cán bộ, kỹ sư và anh chị em công nhân Tổng Công ty XDTL 4 đã tận tâm, tận lực trong mọi công đoạn xây dựng. Doanh nghiệp này đã thi công hầu hết những công trình thủy lợi, thủy điện ở miền Nam và Tây Nguyên như: Dầu Tiếng, Trị An, Thác Mơ, Láng Thé, Ba Lai, Sông Quao, Đồng Nai 3, Ayun Pa, Yaly, Thạch Nham, A Vương, Sông Tranh, Rào Quán…

Có một điều lý thú: Đa phần cán bộ công nhân Tổng Công ty XDTL 4 đều quê ở Thanh Hóa. 30 năm qua họ gắn bó với miền Nam, coi TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam là quê hương thứ hai của mình. Chuyển quân ra Cửa Đạt, đây là lần đầu tiên họ được thi công một công trình lớn ở ngay trên quê hương mình. Vì thế, niềm vui, niềm tự hào và tinh thần trách nhiệm của họ được chuyển hóa thành kết quả công việc hàng ngày.

Bất chấp nắng mưa bão lũ của miền đất luôn chịu thời tiết khắc nghiệt, công trường đập chính tranh thủ từng giờ, từng phút hoạt động liên tục ngày đêm. Những kỹ sư và cán bộ kỹ thuật thường xuyên có mặt tại hiện trường cùng đồng đội của mình tìm mọi cách vượt qua mọi thử thách để đẩy nhanh tiến độ xây dựng. Kỹ sư Nguyễn Mậu Thanh, Phó Giám đốc công trường nói: “Với năng lực kỹ thuật và kinh nghiệm thi công các công trình thủy lợi, thủy điện mấy chục năm qua, với nhiệt tình của những người con quê hương Thanh Hóa, chúng tôi quyết tâm vượt qua bão lũ, vượt mọi khó khăn để hoàn thành đập chính đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng kỹ thuật và mỹ thuật cao!”.

Đập chính Cửa Đạt vào loại cao nhất nước ta hiện nay (121,3m). Đập có 12 vùng đắp cơ bản theo 12 quy trình kỹ thuật liên hoàn với nhau, tạo thành một đập đá có sức bền lâu dài. Kỹ sư Nguyễn Văn Cẩn cho biết: tất cả các đợt nghiệm thu của phía kỹ thuật Ban A đều ghi nhận thành quả lao động của chúng tôi là đạt tiêu chuẩn.

Để có được con đập đá cao sừng sững, anh chị em công nhân Tổng Công ty XDTL4 đã vượt qua biết bao thử thách suốt 4 năm qua. Quân - công nhân lái máy xúc Kôbe nói rất lớn trong tiếng máy ầm ầm: “Nơi anh và em đang đứng chỉ vài tháng nữa thôi là thành mặt đập rộng 10m, đổ bê tông nhựa ngon lành. Rồi khi hồ Cửa Đạt tích nước, nơi đây sẽ làm thay đổi khí hậu, hệ sinh thái và chắc chắn sẽ trở thành khu du lịch nổi tiếng của Thanh Hóa, có khi còn đông khách hơn cả Sầm Sơn ấy chứ. Lúc đó, chúng em lại hành quân đi đến một miền hoang vu khác để xây dựng. Đời công nhân chúng em là thế, anh ạ!”.

Theo SGGP