Tin mới nhất

Công trường thuỷ điện Buôn Tua Srah những ngày nước rút

Thứ hai, 28/9/2009 | 11:00 GMT+7

Sau gần 5 năm thi công, mới đây tổ máy số 1 Thủy điện Buôn Tua Srah đã chính thức phát điện lên điện lưới quốc gia. Có mặt trên công trường Thủy điện Buôn Tua Srah vào những ngày cuối tháng 9/2009, chúng tôi cảm nhận được không khi hối hả của tập thể cán bộ, chuyên gia, kỹ sư, công nhân của các nhà thầu đang gấp rút hoàn thành các hạng mục cuối cùng để đưa tổ máy số 2 hòa lưới điện quốc gia vào cuối năm nay.

Lắp dầm bê tông đập tràn xả lũ công trình thủy điện Buôn Tua Srah. Ảnh: Lilama 45.3

So với các công trình khác trên bậc thang thủy điện sông Sêrêpốk thì thủy điện Buôn Tua Srah (được xây dựng trên địa bàn xã Nam Ka, huyện Lắk, Đắk Lắk và xã Quãng Phú, huyện Krông Nô, Đắk Nông) có công suất lắp máy khá khiêm tốn: 86MW, gồm 2 tổ máy, sản lượng điện trung bình 358,6 triệu KWh/năm. Tuy nhiên, đây lại là công trình có tầm quan trọng rất lớn đối với các thủy điện khác trên cùng bậc thang và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hồ chứa của thủy điện Buôn Tua Srah có dung tích hơn 760 triệu m3, giữ vai trò điều tiết nước để đảm bảo cho 6 thủy điện lớn khác cùng bậc thang sản xuất điện năng ổn định với sản lượng điện bình quân 3 tỷ KWh/năm. Hồ thủy điện Buôn Tua Srah đóng vai trò quan trọng để điều tiết lũ trên sông Krông Nô, hạn chế xảy ra lũ quét vào mùa mưa, góp phần điều hòa khí hậu, giữ ổn định  mực  nước ngầm và mở ra những triển vọng về những ngành nghề mới giúp đồng bào các dân tộc địa phương xóa đói giảm nghèo.

Tham gia thi công thủy điện Buôn Tua Srah có các nhà thầu giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực xây dựng thủy điện: tổng thầu Tổng công ty Xuất nhập khẩu - Xây dựng Việt Nam (VINACONEX), Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn,  Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam (LILAMA), Tổng Công ty Xây dụng số 1, Tổng Công ty Xây dựng Công trình giao thông 1 (CIENCO I). Riêng Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn (Tổng Trường Sơn) chịu trách nhiệm thi công toàn bộ đập chính, trong đó Công ty Xây dựng 470 được chọn là đơn vị chủ công của Tổng này. Bởi vậy, trong cuộc “đua với lũ ” đạt đến cao trình 492 m thì áp lực họ chịu là nhiều nhất. Đây cũng là lực lượng có mặt trên công trường Buôn Tua Srah sớm nhất. Trên công trường đập chính phía thượng lưu, những ngày này không còn cảnh tấp nập người lao động, nhưng không khí gấp gáp, khẩn trương vẫn bao trùm công trường.

Đập chính có chiều dài hơn 1 km, chiều cao nơi đáy sâu nhất tới 409 m, mặt đập rộng 7,5 m, lòng hồ nơi rộng nhất có đường kính tới 14 km. Cho đến nay, các đơn vị thi công đập chính đã đào hơn 1,5 triệu m3 đất, đá; đắp hơn 1,575 triệu đá, cát các loại; hoàn thành thi công cầu Đắc Hyeo và 5 km đường tránh ngập Quốc lộ 27. Chúng tôi gặp thượng tá Trịnh Hữu Nam, người phụ trách công trường đập chính của đơn vị thi công, mồ hôi nhễ nhãi phóng xe máy từ điểm thi công này đến điểm thi công khác để đôn đốc, kiểm tra công tác thi công. Anh cho biết: đến thời điểm này, đơn vị hoàn thành khoảng 90% khối lượng công việc hạng mục đập chính. Hiện đang huy động 50 xe máy thiết bị và hơn 100 kỹ sư, công nhân, tổ chức thi công 3 ca, 4 kíp/ngày, bảo đảm tiến độ để công trình tích nước phục vụ phát điện đúng kế hoạch. Tuy ít, nhưng đây là đội ngũ “tinh nhuệ” của đơn vị đưa vào để hoàn thành những công đoạn cuối cùng của đập chính.

Để có thể đạt và vượt tiến độ thi công, cán bộ, chiến sỹ, công nhân Công ty Xây dựng 470 đã phải vượt qua nhiều gian nan, khó khăn, thử thách. Cũng từ những khó khăn đặc thù của công trường, trong đợt cao điểm vượt lũ và cho đến nay đã có hàng chục sáng kiến được áp dụng để nâng cao hiệu suất lao động, có những thiết bị hệ số khai thác đạt trên 150%. Chẳng hạn các sáng kiến để thực hiện có hiệu quả việc khoan nổ, phá đá mồ côi, đá liền khối cao hơn 100 m và đào, nạo hút bùn, cát chảy dưới đáy đập đã giúp tiết kiệm hàng chục tỷ đồng và đẩy nhanh tiến độ. Liên tục gần 5 năm nay, tần suất thi công trên công trường này được duy trì 3 ca 4 kíp; mỗi năm phát động từ 5 đến 6 đợt thi đua cao điểm, phát huy tối đa công suất…. Nhờ vậy, trong giai đoạn đào đất, đá hố móng mỗi ngày đơn vị đào được trên 5.000 m3; giai đoạn đắp thân đập năng suất đạt trên 6.500 m3 đá cát/ngày, đêm. Khối lượng công việc lúc nào cũng vượt    kế hoạch tiến độ. Vậy nên không phải ngẫu nhiên mà Tổng Trường Sơn đã có tới 45% cán bộ, chiến sỹ, công nhân được Ban quản lý dự án, Ban điều hành dự án, Ban điều hành tổ hợp nhà thầu, Liên đoàn Lao động… khen thưởng về thành tích lao động.

Tại các công trường của các nhà thầu khác như đường hầm, lắp đặt tổ máy… các nhà thầu như VINACONEX, LILAMA, CIENCO I… dù không sôi động bằng, nhưng không khí khẩn trương cũng không kém. Bởi đảm bảo đúng tiến độ là mệnh lệnh sống còn của các nhà thầu, vì khi hoàn thành mỗi năm thủy điện Buôn Tua Srah không chỉ phát ra hơn 358,6 triệu KWh điện mà còn điều tiết lượng nước phục vụ cho tới 6 công trình khác trên hệ thống thủy điện của sông Sêrêpốk. Vậy nên, không đạt tiến độ ngày nào không chỉ đồng nghĩa với việc “vứt” của Nhà nước tiền tỷ mà các công trình khác trên cùng bậc thang thủy điện này cũng chịu áp lực xấu từ Buôn Tua Srah.

Cũng không phải là không có khó khăn. Vật liệu xây dựng tăng chóng mặt, cho dù đã nhiều lần được điều chỉnh đơn giá nhưng các nhà thầu vẫn bị thiệt thòi; cơ chế tổng thầu mặc dù rất ưu việt nhưng vẫn gây ra nhiều khó khăn trong thanh toán… đã gây ra không ít phiền toái, cản trở. Nhưng tất cả đều đã được vượt qua để đạt mục tiêu chung: vì dòng điện cho Tổ quốc. Tây Nguyên đang là cao điểm của mùa mưa, dòng nước hung dữ đổ về từ dòng sông Krông Nô bị chặn lại và trở nên ngoan ngoãn, hiền hòa, tạo thành một vùng trời - nước mênh mông trữ tình như báo hiệu một thắng lợi cuối cùng đang đến rất gần với những người thợ trên công trường thuỷ điện Buôn Tua Srah./.

Xuân Mai