Đưa tỷ lệ tổn thất xuống còn 8%. Phấn đấu 100% số xã có điện và 98% số hộ sử dụng điện lưới được hưởng giá bán điện theo quy định của Nhà nước. Huy động vốn được 502.160 tỷ đồng để xây dựng các công trình nguồn và lưới điện. Tuy nhiên, để thực hiện được các chỉ tiêu này, EVN đang gặp rất nhiều khó khăn.
Giảm tổn thất điện năng: lực bất tòng tâm
Sau một thời gian phấn đấu, ngành điện đã giảm tỷ lệ tổn thất từ 30 – 40% trước đây xuống còn 9,2% (năm 2009). Yêu cầu của Chính phủ đến năm 2010 EVN phải giảm tỷ lệ tổn thất xuống 8%.
Ông Phạm Lê Thanh, Tổng giám đốc EVN cho biết, đây là yêu cầu rất khó thực hiện. Bởi vì, trừ lưới điện nông thôn mới được tiếp nhận, những tổn thất hiện nay của ngành điện chủ yếu trong khâu truyền tải và phân phối. Nguyên nhân là do lưới điện hiện nay hầu hết đều trong tình trạng quá tải nghiêm trọng nhưng ngành điện không đủ vốn đầu tư cải tạo nâng cấp. Đường dây 500 kV Bắc Nam cũng luôn trong tình trạng đầy tải để chuyển điện từ Nam ra Bắc, mà đường dây càng đầy tải thì tỷ lệ tổn thất càng tăng.
Năm 2008, tổn thất của EVN giảm xuống mức 9,21% (so với 12,23% của năm 2004), nhưng 6 tháng đầu năm 2009, tỉ lệ này tăng lên mức 10,39%. Nếu tính cả tỉ lệ tổn thất do tiếp nhận lưới điện nông thôn (có nơi lên tới 30 - 35%) thì tổn thất toàn bộ hệ thống điện còn cao hơn rất nhiều. Cũng theo ông Thanh, để đưa được tổn thất điện năng về 8% vào năm 2010 theo chỉ đạo của Chính phủ thì trong 2 năm 2009-2010, ngành điện sẽ phải đầu tư khoảng 15.596 tỷ đồng để loại bỏ các máy biến áp cũ tổn thất cao, nâng cấp điện áp, thay thế dây dẫn phù hợp với tăng trưởng phụ tải.
Cả giai đoạn 2009-2012 phải cải tạo, nâng cấp toàn bộ lưới điện trung hạ áp đáp ứng yêu cầu giảm tổn thất điện năng sẽ cần tới 45.573 tỉ đồng. Khi đó, lượng điện tổn thất tương ứng sẽ giảm được 1,902 tỉ kWh/năm, tương đương 1.658 tỉ đồng (chưa kể lãi vay). Cách đầu tư này rõ ràng không kinh tế. Mặt khác, nếu thực hiện kế hoạch cải tạo gấp lưới điện trên diện rộng, trong thời gian ngắn sẽ phải cắt điện nhiều, ảnh hưởng lớn đến cấp điện cho phụ tải. Khắc phục những bất cập này, EVN vừa trình lên Bộ Công Thương “Đề án giảm tổn thất điện năng giai đoạn 2009-2012” với đề nghị giữ tỷ lệ tổn thất năm 2010 là 9%, giảm dần đến năm 2012 còn 8,8% và sẽ đạt chỉ tiêu tổn thất còn 8% vào năm 2015.
Đẩy nhanh tiến độ các dự án điện: cái khó bó cái khôn
8 tháng đầu năm 2009, EVN đã huy động được 8.056 tỷ đồng cho đầu tư xây dựng, đưa vào vận hành 5 tổ máy với tổng công suất 994 MW, hòa lưới lần đầu và chạy thử nghiệm 3 tổ máy với tổng công suất 650 MW. Đóng điện và đưa vào vận hành 25 công trình lưới điện truyền tải. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều dự án nguồn và lưới điện truyền tải bị chậm tiến độ. Việc chuẩn bị khỏi công 4 dự án nguồn điện trong năm 2009 cũng bị chậm và có nguy cơ không đảm bảo đủ điện miền Bắc trong mùa khô 2009 – 2010.
Giai đoạn 2010-2015, EVN đặt ra mục tiêu sẽ phải hoàn thành đóng điện đưa vào vận hành 13.119 MW của 14 công trình thủy điện, 9 công trình nhiệt điện than và 3 công trình nhiệt điện khí cùng hàng loạt công trình đường dây 500 kV và 220 kV với tổng vốn đầu tư trên 502.160 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau khi cân đối các nguồn thì EVN chỉ có thể lo được 179.344 tỷ đồng, còn thiếu 322.816 tỷ đồng chưa biết tính vào đâu. Đặc biệt, toàn bộ hệ thống lưới điện Việt Nam đang trong tình trạng quá tải.
Nhiệm vụ cấp bách hiện nay là phải cải tạo đầu tư lại hệ thống lưới điện nhưng “cái khó bó cái khôn” vì vướng nhiều vấn đề. Chỉ riêng Tổng công ty truyền tải điện quốc gia trong 5 năm 2011-2015 cần tới 140.740 tỷ đồng đầu tư nhưng vốn khấu hao cơ bản chỉ có 26.380 tỷ đồng, trả nợ gốc và lãi vay 47.161 tỷ đồng, thu xếp vốn vay 6.438 tỷ đồng. Hiện vẫn còn 107.922 tỷ đồng chưa thu xếp được.
Bên cạnh đó, công tác giải phóng mặt bằng đang gây khó khăn cho tiến độ các dự án lưới điện. Các công trình lưới điện khác cũng vướng nhiều ở khâu giải phóng mặt bằng. Các công trình nguồn điện thì nhân lực thi công vừa thiếu vừa yếu. Vai trò tổng thầu chưa đạt yêu cầu; công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư khó khăn; công tác đầu thẩu phức tạp, kéo dài; thời tiết không thuận lợi ảnh hưởng tiến độ các dự án thủy điện… Đó là chưa kể nhiều ngân hàng từ chối cho vay ưu đãi với lý do điện là lĩnh vực kinh doanh.
Để giải quyết khó khăn này, bên cạnh việc phối hợp với các địa phương và các chủ thầu giải quyết những vướng mắc về mặt bằng, nhân lực, kỹ thuật, thiết bị, EVN đang thực hiện nhiều giải pháp để lo vốn như: tăng vốn chủ sở hữu của EVN; thành lập các công ty cổ phần với các dự án nguồn; đẩy nhanh tiến độ giải ngân các nguồn vốn ODA và vốn vay thương mại trong nước; phát hành trái phiếu trong nước và quốc tế; đấu thầu thiết bị theo hình thức tín dụng…
Đảm bảo đủ điện quốc gia: cần sự phối hợp từ nhiều phía
Vói mục tiêu đảm bảo cung cấp đủ điện cho nhu cầu quốc gia, giai đoạn 2011 – 2015 EVN phải vượt qua những khó khăn về giá nhiên liệu thị trường tăng nhanh trong khi giá điện không thể theo kịp; hiệu quả sử dụng điện chưa cao (chỉ số tăng trưởng điện luôn cao gấp 2 lần chỉ số tăng trưởng GDP); xây dựng thị trường điện trong điều kiện nguồn điện chưa có dự phòng, lưới điện chưa được đầu tư hoàn chỉnh; các văn bản quy phạm pháp luật chưa được ban hành. Huy động vốn gặp nhiều khó khăn; hoạt động công ích chưa tách bạch với sản xuất kinh doanh điện nên tỷ suất lợi nhuận của ngành điện rất thấp. Hiện nay rất nhiều tổ máy đang phải huy động vượt công suất để đảm bảo cung cấp điện.
Đó là chưa kể, rất nhiều nhà máy điện ngoài EVN cũng đang chậm tiến độ hoặc hoạt động không ổn định. Nếu không khắc phục được thì nguy cơ thiếu điện là không tránh khỏi. Việc sử dụng điện chưa hiệu quả trong sản xuất và sinh hoạt cũng tạo áp lực cho EVN trong việc đảm bảo cung ứng điện. Hiện EVN đang áp dụng mọi giải pháp để đẩy nhanh tiến độ các dự án, đẩy mạnh chương trình sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, phối hợp với Cục Điều tiết Điện lực xây dựng phương án giá điện năm 2010.
Để thực hiện tốt kế hoạch 2010 và giai đoạn 2011 - 2015, EVN kiến nghị Chính phủ ưu tiên nguồn vốn trái phiều Chính phủ, vốn ODA cho các dự án điện của EVN. Đề nghị Nhà nước giao đất không thu tiền hoặc miễn giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất với các công trình điện. Kiến nghị Bộ Công Thương quyết liệt chỉ đạo chủ đầu tư các nhà máy điện ngoài EVN đảm bảo tiến độ các dự án nguồn điện; đặc biệt là các dự án nhiệt điện Sơn Động, Cẩm Phả có vai trò lớn trong việc đảm bảo điện cho miền Bắc ngay từ mùa khô 2009-2010. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính cần sớm bố trí vốn ngân sách và có chính sách ưu tiên nguồn vốn ODA cho các dự án điện cũng như ưu tiên cho các khu vực nông thôn chưa có điện.