Người dân Campuchia hiện vẫn thường xuyên sống trong cảnh thiếu điện
Bi đát… cung cấp điện
Cơ sở vật chất của Campuchia bị tàn phá nặng nề trong chiến tranh. Hòa bình lập lại đã mang đến sự phát triển mạnh mẽ trong phần lớn thập kỷ qua. Nhưng sự mở rộng của các ngành công nghiệp mới, máy điều hòa không khí và thiết bị điện được sử dụng ngày càng nhiều đã khiến ngành Điện của Campuchia phải đương đầu với rất nhiều thách thức.
Ông Keo Rottanak - một quan chức Chính phủ quản lý trực tiếp Tổng công ty Điện lực Campuchia cho biết: “Ở các nước phát triển, tăng trưởng phụ tải hàng năm chỉ là một con số, còn chúng tôi lại đang phải đối mặt với sự tăng trưởng từ 20 đến 25%/năm. Đó là một khó khăn lớn. Phụ tải tăng nhanh như vậy đã khiến chúng tôi phải chịu một gánh nặng ghê gớm vì không đủ sản lượng điện và không kịp phát triển lưới điện để phân phối điện tới các vùng chưa có điện.”
Tình trạng thiếu điện đã ảnh hưởng lớn tới các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp Campuchia. Nhiều công ty cho biết: Do không được cung cấp điện ổn định, họ buộc phải chấp nhận với hai lựa chọn: Mua máy phát điện hoặc đối mặt với việc mất điện khá thường xuyên. Các công ty may và các khách sạn lớn thì buộc phải có máy phát điện dự phòng mỗi khi mất điện. Chi phí nhiên liệu cho máy phát điện không hề nhỏ, nhưng vẫn còn hơn là mất khách hàng do không hoàn thành đúng hạn các đơn đặt hàng hay các phòng của khách sạn bị mất điện. Còn các hộ kinh doanh nhỏ thì tình trạng bi đát hơn vì khi mất điện là phải ngừng sản xuất.
Tình trạng cung cấp điện ở Phnom Penh nói vậy, nhưng vẫn còn khá hơn hầu hết các vùng trong cả nước. Hiện chỉ khoảng 1/5 dân số Campuchia được sử dụng lưới điện quốc gia. Những nơi còn lại phải mua điện từ các nguồn điện đắt đỏ là các máy phát điện ở địa phương, hoặc chạy các thiết bị công suất nhỏ và bóng đèn bằng ăcquy 12V dùng cho ôtô.
Ngành Điện yếu kém là nguyên nhân chính làm nản lòng các nhà đầu tư vào Campuchia. Điển hình như là ngành công nghiệp may mặc ở đất nước này, có rất ít nhà sản xuất có quy mô lớn. Vì vậy, cung cấp điện ổn định với giá hợp lý - nền tảng cho sự phát triển ngành công nghiệp Campuchia chính là một yêu cầu hết sức bức thiết
Tương lai từ sự hợp tác
Một trong những giải pháp hiệu quả góp phần hạ nhiệt “cơn khát điện” của Campuchia đó là Dự án hợp tác mua điện từ Việt Nam. Một tuyến đường dây truyền tải điện đang dần được hình thành bắt đầu từ các trạm biến áp của Việt Nam đến Phnom Penh để cấp điện cho người dân và các cơ sở sản xuất. Theo Hợp đồng mua bán điện giữa Việt Nam và Campuchia được ký lần thứ nhất vào ngày 24/7/2000 thì phía Việt Nam sẽ bán điện cho Campuchia qua đường dây 220 kV từ Châu Đốc đi Takeo – Phnom Penh vào năm 2003. Nhưng do tiến độ đầu tư dự án đường dây 220 kV phía Campuchia bị chậm nên đến tháng 4/2009, đường dây 220 kV từ Takeo đến Phnom Penh mới được hoàn thành và đóng điện nghiệm thu kỹ thuật. Để đảm bảo nguồn vốn cho dự án, một nửa khoản hỗ trợ 100 triệu USD (xấp xỉ 61 triệu Bảng Anh) từ Ngân hàng Phát triển châu Á sẽ được đầu tư xây dựng cột, đường dây và xây dựng các trạm biến áp từ biên giới Campuchia - Việt Nam về Phnom Penh. Ông Keo Rottanak cho biết: “Việc mua điện từ Việt Nam sẽ giúp giảm nhẹ gánh nặng cho ngành Điện Campuchia. Thông qua dự án hợp tác mua bán điện này, chúng tôi sẽ có thể bổ sung ngay được những gì còn thiếu sót hiện nay. Đây là giai đoạn phát triển lưới điện quốc gia chưa từng có trong lịch sử Campuchia”.
Dự án mua bán điện giữa Việt Nam và Campuchia
- Phía Việt Nam: Xây dựng 26,51 km đường dây 220 kV từ Trạm 220 kV Châu Đốc đến biên giới 2 nước
- Phía Campuchia: Xây dựng đường dây 220 kV dài 50,13 km từ biên giới đến Takeo và đường dây 220 kV dài 45,75 km từ Takeo đến Trạm biến áp 220 kV Phnom Penh.
- Công suất truyền tải lớn nhất là 200 MW; sản lượng điện trung bình hàng năm từ 900 triệu kWh đến 1,4 tỷ kW
|
Theo: Tạp chí Điện lực