Điện về đêm trên công trường thủy điện Sơn La
Ông Lê Văn Trung, Trưởng phòng thi công Ban điều hành Dự án thuỷ điện Sơn La cho biết: Để đảm bảo tiến độ thi công năm 2009, kế hoạch trong tháng 7 được giao là: khai thác 110.000m3 đá tại mỏ đá Bản Pểnh, phấn đấu đổ bê tông CVC (bê tông thường) 58.000m3, trong đó các đơn vị của Tổng công ty Sông Đà là 36.000m3, Licogi 13.000m3, Trường Sơn 9.000m3; đồng thời đổ bê tông RCC để hoàn thành tại khối L3 là 60.000m3. Riêng khối lượng thi công trong tháng 6 các đơn vị thi công đập bê tông RCC (bê tông đầm lăn) đập chính công trình tại khối L3 đạt lớp 78 cao độ 208,5 mét . Bên cạnh đó các đơn vị tiếp tục triển khai xử lý đứt gẫy khu vực vai trái đập, đổ bê tông trám, san phẳng đạt cao độ cao độ 212 mét và khoan phun.
Về công việc phục vụ chống lũ năm 2009, toàn công trường đảm bảo các điều kiện đối phó với đỉnh lũ sông Đà cao nhất. Trong đó hệ thống bơm thoát nước hố móng đã lắp đặt đủ công suất bơm ra khỏi hố móng 2.000m3/h, 5 máy bơm dự phòng loại 500m3/h vừa hoàn thành lắp đặt xong, còn lại 6 máy bơm chìm loại 150m3/h đang được triển khai lắp đặt trong lòng thi công khu vực nhà máy để bơm trung chuyển ra các hố bơm.
Tại khu vực đổ bê tông RCC đập chính, cán bộ, công nhân cùng các chuyên gia giám sát đang miệt mài lao động, “phơi nắng” trên công trường với nhiệt độ 38 độ C. Một kỹ sư đang làm việc tại đây cho biết: khó khăn hiện nay là thời tiết ban ngày luôn túc trực ở nhiệt độ 32-35 độ C, nhưng yêu cầu kỹ thuật của bê tông RCC phải đảm bảo nhiệt độ tại khối đổ không vượt quá 20 độ C, khối lượng thể tích phải đạt 2.500 kg/m3. Được biết: Đập chính thuỷ điện Sơn La được chia thành 12 khối (C1-C5; L1-L3; R1-R4). Đập bê tông đầm lăn công trình thuỷ điện Sơn La được thiết kế với chiều cao lớn nhất 138,1 mét, với khối lượng thi công đập là 3,082 triệu m3 và dự kiến sẽ kết thúc đổ bê tông đập chính vào tháng 6 năm 2010.
Ông Lê Thanh Sơn, Chánh Văn phòng Công ty CP Sông Đà 5 cho biết thêm: Sông Đà 5 cùng các đơn vị bạn đang tập trung đổ bê tông RCC của đập chính. Trong tháng 7 này, theo kế hoạch là đổ khoảng 120.000m3 bê tông RCC, trong đó hoàn thành đổ xong khối L3 với khối lượng thi công là 60.000 m3. Đến thời điểm này (16/7) đơn vị đã đổ bê tông RCC lớp 96 tại khối L3, nâng bờ trái đập chính lên cao trình 214 mét và đang phấn đấu đến cuối tháng 7 sẽ hoàn thành đổ lớp bê tông RCC cuối cùng (lớp thứ 114) đạt cao độ 227m của bờ trái đập chính.
Tại khu công trường đập không tràn bờ phải công trình thuỷ điận Sơn La là các đơn vị của Tổng công ty Trường Sơn, Tổng công ty Licogi đảm nhận thi công. Lực lượng công nhân cùng phương tiện máy móc, dàn cần cẩu, cần trục trọng tải lớn đang “nhoài mình” thi công các công trình vượt lũ. Theo kế hoạch, trong tháng 7 quân của Trường Sơn đổ khoảng 9.000m3 bê tông, Licogi 13.000m3 bê tông CVC (bê tông thường). Các đơn vị tại đập không tràn bờ phải, trong tháng 6 đã hoàn thành thi công bê tông các block 25 phần thượng lưu đạt cao độ 186,8 mét, phần hạ lưu đạt cao độ 148,5 mét, phạm vi giếng thang đạt cao độ 173,6 mét, thi công các block 26 đến block 29 đều đạt cao độ theo kế hoạch đề ra. Tại hầm cao độ 138m và hầm cao độ 180m hiện đang tiến hành khoan phun chống thấm.
Đại tá Đào Tuấn, Tổng Giám đốc Ban điều hành Tổng công ty Trường Sơn là người rất nhộn, đã gặp rồi lại muốn ông kể chuyện về “người lính” Trương Sơn năm xưa. Gặp lần này, ông Tuấn lại kể về cái cơn thịnh nộ của sông Đà gây lũ bất thường ngày 30/12/2005. Ông kể: lúc đó anh em gần như mới “chân ướt, chân ráo” từ Tây Nguyên lên công trình thuỷ điện Sơn La. Cơn lũ cuối mùa xảy ra vào thời điểm cả công trường đang chuẩn bị cho ngày khởi công công trình thuỷ điện Sơn La (12/2005). Hôm đó vào chủ nhật, nên anh em có phần uể oải nên không đề phòng lũ. Sáu giờ sáng, có một công nhân dạy sớm đánh xe tải chở đất đi “đổ trộm” xuống phần đê quai thượng lưu. Trong lúc đổ đất, người công nhân này phát hiện lũ sông Đà đang dồn dập đổ từ thượng nguồn về, mực nước đang mấp mé đê quai, trong khi hàng trăm phương tiện xe cộ, lán trại của các đơn vị Sông Đà, Licogi đang “hạ trại” phía thượng lưu, quân của Trường Sơn “hạ trại” phía hạ lưu. Tại hố đào giữa sông lúc bấy giờ có hàng trăm phương tiện máy móc, nào là máy khoan, ủi, máy xúc, máy bơm, phương tiện chuyên chở đất đá đang tập trung tại đây. Người lái xe “đổ trộm” đất hôm đó mới “tá hoả” chạy lên báo ban chỉ huy công trường. Ngay lập tức toàn công trường được báo động khẩn cấp. Lúc này tôi đóng vai Tổng tư lệnh Trường Sơn, huy động toàn bộ phương tiện tập trung tôn cao mặt đê quai đua với lũ. Vừa tôn được 1 lượt lên mặt đê, mực nước lại nhích lên. Người và lũ giành nhau từng mét đê quai. Cứ thế, quần nhau với lũ từ khoảng 6 giờ đến tám giờ sáng. Trên thượng nguồn lại “bổ sung” lũ ào ào đổ về, chỉ trực phá đê. Trong tình huống nguy cấp, ông Thái Phụng Nê, Phó Trưởng ban chỉ đạo Nhà nước Dự án thuỷ điện Sơn La đã 2 lần lệnh cho rút quân toàn công trường ra khỏi vùng nguy hiểm để bảo toàn tính mạng. Trong phút chốc phân vân, nếu tuân thủ lệnh lui quân lúc nguy cấp này chúng tôi không phải là quân đội. Và tôi quyết định chưa rút quân mà điều thêm “viện binh” tăng cường lên phía đê quai thượng lưu giúp cánh quân của Sông Đà dốc sức cứu đê đang có nguy cơ bị vỡ. Chúng tôi còn dự phòng thêm vài xe tải hạng nặng chở đầy bê tông để khi nguy cấp thực hiện phương án dìm luôn cả xe xuống để chặn dòng lũ. Một phương án nữa phải thực thi ngay, đó là mở đường từ bờ sông xuống vùng hố đào (trước đó đường xuống hố đào phải đi trên mặt đê) để cứu xe, chuyển thiết bị máy móc lên cao. Nhưng khốn nỗi vừa chuyển được vài xe thì “một thằng” xe ủi bị đứt xích, làm chắn cả dòng xe đang bò từ hố móng lên bờ. Tôi lệnh cho “cẩu” (cần trục) của Sông Đà cẩu luôn chiếc đó vứt xuống sông, hy sinh một xe để cứu trăm xe đang bị mắc kẹt.
Kể đến đây, giọng ông Tuấn như chìm xuống: Phải biết hy sinh, ông ạ, chống lũ giống như thời chiến tranh ở Trường Sơn năm nào, cũng có sự hy sinh, mất mát. Thậm chí tôi còn quát lên: “người nào bỏ trận địa lúc này coi như đào ngũ”. Lính mà, quân lệnh như sơn. Ông Tuấn nhắc đi nhắc lại “chống lũ như đánh trận”. Nếu không chỉ huy kiên quyết, lùi thời gian là mất tài sản. Đến cuối ngày hôm đó, chúng tôi cũng đã kiệt sức, nước lũ cũng rút dần. Hệ thống đê quây được bảo vệ an toàn.
Thế còn mùa lũ năm nay ? Ông Tuấn cười: Bây giờ quân của Trường Sơn không bị bất ngờ do lũ nữa, đã trải nhiều kinh nghiệm chống lũ sông Đà, thậm chí chúng tôi đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để phòng cho cả mùa lũ năm sau. Hiện các đơn vị của Trường Sơn còn phải khoan, đào khoảng 1 triệu m3 đất đá phía bờ phải công trình, riêng đào hố xói, cơ bản đã hoàn thành khối lượng mà kế hoạch đặt ra./.