Tin thế giới

Công ty Điện Việt Lào: Đầu tư thành công những dự án thủy điện lớn tại Lào

Thứ tư, 21/11/2007 | 09:23 GMT+7

Lào là Quốc gia có tiềm năng lớn về nguyên Thuỷ điện với tổng trữ lượng lên đến 20.000MW. Nếu khai thác hết công suất này, sẽ có sản lượng điện trên dưới 100 tỷ kWh/năm. Ngay từ năm 1998, hai Chính phủ Việt Nam và Lào đã tiến hành ký hiệp định hợp tác trong lĩnh vực khai thác năng lượng điện nhằm cung cấp cho nhu cầu tiêu thụ điện năng của Việt Nam từ năm 2010 phải cần đến 100 tỷ kWh điện một năm. Từ năm 2003 đến  năm 2010 là mốc thời gian tiến hành khai thác và thi công xây dựng đã được hoạch định cho giai đoạn 1.

Ngày 9 tháng 4 năm 2006, tại địa bàn huyện Đăk Chung Tỉnh Sêkông (Lào) đã diễn ra lễ khởi công xây dựng Nhà máy Thuỷ điện Xêkaman 3 với sự hiện diện và  chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Lào -Ông Bun Nhăng Vô Ra Chít và Phó Thủ tướng thường trực CP Nguyễn Tấn Dũng cùng nhiều quan chức hai nước.

Ông Nguyễn Thăng Long, Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển điện Việt Lào (nay là Công ty Cổ phần Điện Việt Lào) tâm sự: Để tiến tới lễ khởi công quan trọng và hoành tráng này, Ban lãnh đạo Công ty chúng tôi phải vượt qua một quãng thời gian đi về trên đất bạn chừng vài ba năm đầy gian nan, thử thách. Không chỉ có những thủ tục trình duyệt bàn bạc và ký kết mà sự đối mặt với những vất vả, nhọc nhằn cho mỗi lần đi về qua cửa khẩu Nam Giang và ĐăckTaoc qua những cánh rừng rậm bạt ngàn cùng những trận mưa tầm tã quanh  năm. Không phải riêng chúng tôi, những người là chủ đầu tư đã phải xắn quần, lội bộ trong những lối mòn xuyên rừng lầy lội hàng chục cây số và địa bàn tỉnh Sê Kông mà ngay cả những cánh quân từ các Công ty Sông Đà 6, Sông Đà 9, Sông Đà 10, Sông Đà 5, Công ty 19 và Công ty 25 từ Tuyên Quang, Thanh Hoá, Gia Lai, Hà Nội... chuyển quân đến địa điểm tập kết thi công công trình lúc ban đầu cũng phải trải qua chặng đường gian nan, vất vả như vậy. Sê Kông là tỉnh nghèo, phần lớn là đất rừng nguyên sinh, bản làng thưa thớt, cuộc sống của người dân bản địa chưa sung túc no đủ. Đặc biệt là thời tiết đã ''ưu tiên'' cho vùng này có nhiều mưa gió đến già nửa thời gian trong năm. Dẫu vậy đây là công trình đầu tiên  mang dấu ấn của thương hiệu Sông Đà trên đất bạn Lào và vượt lên những thiếu thốn, gian khổ (chưa kết nối được đường điện, nước, lương thực, thực phẩm quá hạn hẹp, rau xanh, nước uống đều thiếu thốn vì phải vận chuyển từ Việt Nam lại đóng thuế quá cảnh) Sau hơn 17 tháng lao động, những người thợ Sông Đà đã làm thức dậy cả vùng đất huyện ly Đăkchung bằng hàng chục con đường mới mở phục vụ cho giao thông, vận chuyển thiết bị và hành lang thi công, những dãy nhà tầng cho các Ban quản lý Ban Điều hành lám việc, từng cụm, lán trạm, nhà ở, Câu lạc bộ của hàng chục đơn vị tham gia thi công. Những mầu áo thợ vàng, xanh nhộn nhịp đi về dưới những lá cờ, biển hiệu, pa nô, áp phích cổ vũ động viên để sớm hoàn thành tiến độ xây dựng các hạng mục công trình. Sự tĩnh lặng, trầm mặc của giải rừng già cạnh dãy Trường Sơn Tây đã bị đánh thức bởi tiếng máy khoan, máy xúc, máy ủi hàng ngày đào, đắp với hàng trăm xe vận tải nặng vận chuyển đất đá, vật liệu. Những người dân nơi bản xứ đang sống trong môi trường hoàn toàn đổi mới với sự tiếp xúc khoa học tiên tiến, với sự giao thoa văn hoá tiến bộ khác xa với những năm tháng trầm lắng trước đây.

Nói như Ông Lê Văn Tốn - Phó TGĐ TCT Sông Đà: Khi ta đã có vốn, có phương tiện, thiết bị công nghệ, có khoa học kỹ thuật trong tay lại biết tận dụng tài nguyên, đất đai thì đó là thời cơ tốt nhất để phát triển vừa làm lợi cho đất nước, vừa làm giàu cho  doanh nghiệp.

Vào những ngày tháng 8, trên công tướng xây dựng Thuỷ điện Xêkaman đã hoàn tất những mục quan trọng như: làm nền đường 16B, đường D3, D4, đường vào khu đầu mối, bắc xong cầu qua sông, hoàn tất các hệ thống cấp nước, cấp điện cho thi công và sản xuất vật liệu, các trạm trộn bê tông công suất 60m3/h, các trạm nghiên đá 300.000m3/năm đã đi vào vận hành. Đào xong các hố móng, đổ bê tông các hầm phụ, hầm dẫn dòng và tiếp đến là đào thân hầm. Nhiều hạng mục đang được triển khai tại các trạm công suất 150.000m3/năm, bóc tầng phủ mỏ đá để khai thác dự trữ... tất cả cho mục tiêu ngăn sông vào tháng 12 tới.

Ông Dương Khánh Toàn TGĐ TCT Sông Đà cho biết: Dựán Thuỷ điện Xêkaman 3 là dự án có  quy mô lớn, mở rộng một hướng đầu tư mới cho các doanh  nghiệp Việt Nam, có ý nghĩa quan trọng về kinh tế - chính trị và an ninh của hai nước. Sự thành công của dự án sẽ góp phần thúc đẩy việc thực hiện chương trình hợp tác năng lượng giữa Việt Nam – Lào và các ngành kinh tế khác, phát triển mối quan hệ hợp tác với nước bạn Lào. Theo hợp đồng mua bán điện đã được ký kết với Tập đoàn Điện lực Việt nam, 90% sản lượng bình quân của Nhà nước sẽ được cung cấp cho phía Việt Nam, Dự án Thuỷ điện Xêkaman 3 có công suất lắp máy  250MW, nằm trên sông Nậm Pắcnu - một nhánh trong dòng chảy của sông Xêkaman có lượng điện trung bình hàng năm gần 1 tỷ kWh với tổng mức đầu tư là 273 triệu USD (tương đương 4.260 tỷ đồng). Để đảm bảo nguồn vốn thực hiện đầu tư dự án Thuỷ điện Xêkaman 3. Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý về nguyên tắc để các Ngân hàng thương mại được cho Chủ đầu tư dự án vay vượt 15% vốn tự có. Trên cơ sở đó, ngày 28/7 vừa qua tại Hà Nội đã tổ chức ký hợp đồng tín dụng cho dự án Thuỷ tiện Xêkaman 3 tại Lào giữa chủ  đầu tư là Công ty Cổ phàn Điện việt - Lào và các Ngân hàng đầu tư và phát triển Việt Nam với tổng giá trị là 1.147 tỷ đồng Việt nam và 65.875.000 USD.

Đây là sự kiện quan trọng hơn với niềm vui chung trong quan hệ hợp tác đặc biệt vào đúng thời điểm Đảng, Chính phủ và nhân dân hai nước đang kỷ niệm 45 năm ngày thành lập quan hệ ngoại giao và 30 năm ngày ký hiệp ước hữu nghị và hợp tác  Việt Lào.

Với năng lực và uy tín trong quá trình thực hiện dự án Xêkaman 3, Công ty Cổ phần Điện Việt Lào tiếp tục ký kết biên bản ghi nhớ với Chính phủ Lào đầu tư cụm dự án TĐ Xêkaman 1 (công suất 322MW) tại tỉnh Atôpư và dự án TĐ Xêkaman 4 (công suất 74MW) tại tỉnh Sê Kông. Hiện tại cụm dự án TĐ Xêkaman 1 đã được đệ trình lên cấp có  thẩm quyền phía Lào phê duyệt. Dự kiến dự án sẽ được khởi công vào tháng 12 năm 2007.

Theo định hướng phát triển đến năm 2010, Công ty sẽ đầu tư  xây dựng các Nhà máy Thuỷ điện tại Lào với tổng công suất thiết kế là 2.211MW; tổng vốn đầu tư khoảng 2.8 tỷ USD, hàng năm sẽ cung cấp về Việt Nam khoảng gần 10 tỷ kWh điện. 

Để nâng cấp năng lực đầu tư, Tổng Công ty Sông Đà với tư cách là cổ đông chi phối của công ty đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép tăng vốn điều lệ của Công ty lên 330 triệu USD, cơ cấu lại cổ đông của Công ty và mời các doanh nghiệp có năng lực về tài chính như: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, các Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam... tham gia là cổ đông của Công ty và đã được Chính phủ chấp nhận.

Theo TChí NL T8/2007