Theo các kết quả nghiên cứu, Việt Nam đang nằm trong nhóm cuối của bảng xếp hạng thế giới về hiệu suất sử dụng năng lượng. Trong sản xuất công nghiệp, cường độ sử dụng năng lượng của Việt Nam cao hơn Thái Lan và Malaysia 1,5- 1,7 lần khi cùng làm ra một giá trị sản phẩm như nhau. Hơn 80% nguồn năng lượng sử dụng lại là nhiên liệu hóa thạch (có nguồn gốc hữu cơ), quá trình cháy nhiên liệu là tác nhân gây ô nhiễm môi trường. Dự báo trong thời gian không xa, Việt Nam lại phải nhập khẩu năng lượng. Vì vậy, việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, hướng tới sử dụng năng lượng sạch phải được đặt ra thường xuyên.
Chi phí tiết kiệm rẻ hơn chi phí sản xuất
Các nhà khoa học tính toán chi phí để tiết kiệm 1 KWh điện rẻ hơn nhiều so với số tiền bỏ ra để sản xuất ra nó. Chương trình quản lý nhu cầu điện của các nước cho thấy: nếu có thêm 1 KWh điện nhờ tiết kiệm do nâng cao hiệu suất sử dụng chỉ phải đầu tư 2 cent, trong khi để sản xuất ra nó, cần tiêu tốn trung bình từ 4-6 cent.
Theo công bố của Bộ Công Thương, sản xuất công nghiệp đang tiêu thụ khoảng 40% nhu cầu năng lượng, tương đương khoảng 19 triệu tấn dầu quy đổi/năm. Nếu làm tốt khâu tiết kiệm, ngành công nghiệp có thể làm giảm chi phí khoảng 10.000 tỷ đồng/năm.
Tiềm năng tiết kiệm năng lượng trong các lĩnh vực còn rất lớn, cụ thể ngành sản xuất xi măng là 50%, công nghiệp gốm 35%, phát điện bằng than 25%, dệt may 30%, các toà nhà thương mại 25%, công nghiệp thép 20%, nông nghiệp 50%, chế biến thực phẩm là 20%... Nhưng làm sao để có thể thực hành tiết kiệm năng lượng?
Tại các thành phố lớn, đến nay đều đã thành lập ra các trung tâm tiết kiệm năng lượng trực thuộc sở khoa học - công nghệ để chủ trì chương trình này. Ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc Trung tâm Tiết kiệm năng lượng Tp.HCM (ECC-HCM) cho biết: đơn vị của ông thực hiện chức năng kiểm toán năng lượng cho doanh nghiệp và toà nhà công sở. Qua đó, ECC đánh giá tình hình sử dụng năng lượng tại mỗi nơi, phân tích hiện trạng sử dụng năng lượng trong quá khứ, đánh giá hiệu quả sử dụng. Từ đó, ECC đưa ra các giải pháp tiết kiệm năng lượng, tính toán hiệu quả đầu tư và phân tích hiệu quả kinh tế cho từng giải pháp.
Phải thiết thực mới hấp dẫn được doanh nghiệp
Ngành nhựa Tp.HCM đã có tốc độ tăng trưởng mỗi năm 20%, làm ra sản phẩm chiếm 80% sản lượng cả nước. Qua khảo sát chi tiết, ECC đã tư vấn cho doanh nghiệp các ngành này các giải pháp thiết thực. Với các doanh nghiệp có quy mô nhỏ, sử dụng thiết bị cũ, phần xy lanh của các máy ép nhựa trước đây thường không được bọc bảo ôn nên nơi này có nhiệt độ bề mặt khá cao, dẫn tới thất thoát nhiệt rất lớn, gây hao phí năng lượng điện, gây nóng bức cho công nhân... Giải pháp là các điện trở đốt nóng cần được bọc một lớp cách nhiệt bằng bông thủy tinh dày 50 mm, bên ngoài lại được che bằng các tấm nhôm để bảo vệ lớp cách nhiệt. Với cách làm đơn giản này, mỗi điện trở tiết kiệm được 8 triệu đồng tiền điện/năm. doanh nghiệp có nhiều điện trở thì tiết kiệm càng lớn.
ECC cũng cho lắp biến tần, rơle trung gian nhằm thay đổi tốc độ vòng quay của động cơ tại từng giai đoạn. Nhờ vậy, điện năng tiêu thụ được giảm đi. Ngành giấy cũng có tốc độ tăng trưởng hàng năm 15-16% nhưng công nghệ của các doanh nghiệp vẫn ở mức trung bình và lạc hậu nên mức tiêu hao năng lượng cao. Các giải pháp tiết kiệm năng lượng được đưa ra đồng bộ, từ thu hồi và tái sử dụng nước, tận dụng nhiệt dư từ lô sấy nhiệt độ cao cho lô nhiệt độ thấp, tận dụng nhiệt từ các lô giấy để làm nóng nước cấp cho lò hơi...
Để tiết kiệm chi phí, nhiên liệu sử dụng cho lò hơi là dầu FO được chuyển sang dùng than. Ông Nguyễn Văn Thu, Giám đốc Công ty TNHH Giấy Thiên Trí còn đồng ý cho lắp bộ tiết kiệm điện năng Power Boss, làm giảm 10% lượng điện. Doanh nghiệp tư nhân giấy Hồng Đức cho biết: chỉ với chi phí 37,5 triệu đồng lắp đặt các thiết bị thực hiện các giải pháp tiết kiệm theo tư vấn của ECC, hàng năm đơn vị tiết kiệm 75 triệu đồng tiền điện.
Cũng theo các chuyên gia ECC, mỗi một ngành và điều kiện của từng nhà máy có giải pháp riêng. Nổi cộm cho hiệu quả cao là ngành chế biến thực phẩm. Mới đây, qua khảo sát một nhà máy sản xuất cồn tinh luyện công suất 6 triệu lít/năm mới đi vào hoạt động, đơn vị này thấy rằng nên tận dụng thiết bị thu hồi biogas sinh ra trong quá trình ủ men để làm năng lượng tái tạo, vốn đầu tư chỉ 6 tỷ đồng nhưng có thể tiết kiệm nguồn dầu FO phát điện mỗi năm hơn 10 tỷ đồng.
Để tạo sự hấp dẫn cho chương trình tiết kiệm năng lượng, ECC có chương trình tư vấn nguồn vốn tài trợ đầu tư tiết kiệm năng lượng cho các doanh nghiệp. Chương trình tiết kiệm năng lượng tại Việt Nam đang được sự hỗ trợ của nhiều dự án quốc tế, gần đây nhất là Chương trình Khí hậu và Phát triển năng lượng sạch (ECO-ASIA) vừa khởi động cuối tháng 6/2007 tại Manila (Philippines). Một bộ Luật về tiết kiệm năng lượng đang được Quốc hội nghiên cứu, soạn thảo để có thể đưa ra lấy ý kiến và thông qua trong năm 2008.
Các chuyên gia ECC cũng lưu ý rằng tuy các doanh nghiệp vừa và nhỏ là đối tượng ưu tiên của các dự án quốc tế về hỗ trợ tiết kiệm năng lượng, nhưng các thông tin về nguồn hỗ trợ còn hạn chế. Họ hy vọng khi được giúp tìm kiếm nguồn tài chính đầu tư các giải pháp tiết kiệm năng lượng, các doanh nghiệp sẽ tham gia tích cực hơn vào chương trình này.