Hiện nay, cả nước có khoảng 500 DN sản xuất giấy. Máy móc, trang thiết bị sản xuất không đồng bộ, hầu hết công nghệ sản xuất giấy và bột giấy của các DN nhỏ và vừa còn ở mức trung bình và lạc hậu, tiêu hao năng lượng cao nên chi phí sản xuất lớn, làm giảm sức cạnh tranh của DN, gây lãng phí năng lượng và ô nhiễm môi trường.
Bình quân ở các DN này, các chi phí nhiên liệu khác trong giá thành sản phẩm chỉ chiếm 6%-9% nhưng riêng chi phí điện năng chiếm 7%-12%. Vì vậy tiết kiệm năng lượng (TKNL) là vấn đề cấp bách đặt ra với ngành sản xuất giấy. Theo đánh giá của các chuyên gia, các DN ngành Giấy có thể tiết kiệm đến 25% chi phí năng lượng bằng các biện pháp như sử dụng cáp và dây dẫn điện đúng tiêu chuẩn. Sử dụng động cơ biến tần với công suất hợp lý. Hạn chế máy chạy không tải, bố trí hợp lý hệ thống chiếu sáng. Thay thế nồi hơi đốt dầu bằng nồi hơi đốt than đá, thường xuyên kiểm tra hệ thống ống dẫn hơi để kịp thời xử lý, thu hồi và sử dụng triệt để nước ngưng tụ...
Cơ sở sản xuất giấy Đức Huỳnh (cụm công nghiệp giấy Phong Khê -Bắc Ninh) mỗi tháng tiêu thụ khoảng 90.000 kWh điện, 68 tấn than. Từ khi được chọn tham gia dự án trình diễn ''Nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa'', cơ sở Đức Huỳnh được các chuyên gia hướng dẫn áp dụng 4 giải pháp TKNL đã thu được hiệu quả đáng kể. Cụ thể, sau khi thay toàn bộ bóng đèn sợi đốt bằng đèn compact, kết hợp cải tạo mái nhà và sử dụng các tấm tôn để tận dụng ánh sáng vào ban ngày, cơ sở đã tiết kiệm được trên 5.700 kWh điện mỗi năm. Việc sử dụng các động cơ điều khiển bằng biến tần thay thế các động cơ thường đã tiết kiệm được gần 47.000 kWh điện/năm. Giải pháp thu hồi và tái sử dụng nước ngưng xả để cấp lại cho lò hơi đã tiết kiệm được 60 tấn than/năm. Đặc biệt, cơ sở đã bố trí các bồn chứa bột giấy dự trữ để cung cấp cho dàn xeo giấy hoạt động vào giờ thấp điểm. Việc tránh vận hành máy nghiền vào giờ cao điểm đã giúp giảm chi phí sử dụng điện trên mỗi tấn thành phẩm từ 6- 10%. Như vậy với 37 triệu đồng đầu tư cho các giải pháp TKNL, hàng năm, Đức Huỳnh đã thu lợi tới 77 triệu đồng. Ngoài việc giảm chi phí đầu vào, các giải pháp TKNL còn góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Cũng ở cụm giấy Phong Khê, Xí nghiệp Giấy Quang Huy mỗi ngày sản xuất 25 tấn sản phẩm, tiêu tốn khoảng 200 triệu đồng tiền điện/tháng. Hiện nay, Quang Huy đã đầu tư 400 triệu đồng xây bể chứa nguyên liệu để nghiền bột giấy vào giờ thấp điểm nên đã giảm được 3% chi phí giá thành, tương đương khoảng 720 triệu đồng/năm. Xí nghiệp Giấy Bảo Ngọc mỗi năm sản xuất 3.000 tấn sản phẩm, riêng khâu nghiền nguyên liệu chiếm 70-80% sản lượng điện. Cũng nhờ việc chuyển khâu nghiền sang giờ thấp điểm đã làm giảm tiền điện từ 200 triệu/tháng xuống còn 60 triệu đồng/tháng.
Theo ông Nguyễn Bá Vinh - Quản đốc dự án ''Nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong các DN vừa và nhỏ'', các DN vừa và nhỏ ngành Giấy có nhiều tiềm năng trong việc tiết kiệm năng lượng. Nếu tham gia dự án, ngoài việc được bảo lãnh 70% vốn vay, các ĐN còn được đào tạo miễn phí về kinh nghiệm quản lý hiệu quả năng lượng, kiến thức ứng dụng các công nghệ TKNL, kiến thức xây đựng các dự án đầu tư vay vốn ngân hàng.
Theo Báo CNVN số 46