Theo đơn vị thực hiện Dự án là Công ty Cổ phần bóng đèn Phích nước Rạng Đông (Ralaco) thì: Từ tháng 10/2006 đến 10/2007, 405 phòng học được tổ chức lắp đặt đèn chiếu sáng theo Dự án đã sử dụng bóng đèn huỳnh quang T8-36W-3 phổ -chấn lưu điện tử tiết kiệm điện, cho hiệu suất sử dụng ánh sáng phù hợp nhất và bảo đảm tiết kiệm tối đa điện năng. Mô hình thiết kế chiếu sáng trong Dự án được bố trí nguồn sáng dọc theo chiều dài lớp học, song song với cửa sổ và hướng nhìn của học sinh nhằm hạn chế hiện tượng chói lóa, đèn chiếu sáng bảng được bố trí không đối xứng hắt vào bảng, đảm bảo tăng cường độ rọi trên bảng để hướng sự tập trung của học sinh lên bảng. Cụ thể, những lớp học triển khai lắp đặt đèn theo Dự án đã khắc phục được hiện tượng sấp bóng; 88% học sinh cảm nhận chủ quan về mức độ chiếu sáng trong lớp sau cải tạo là rất sáng và sáng vừa (trước cải tạo chỉ tiêu này là 49%); 97% học sinh cho biết không bị bóng bảng (trước cải tạo là 75%), hơn 90% học sinh nhìn rõ chữ trên bảng (trong khi trước cải tạo chỉ có 10,7% nhìn rõ); 99% cho biết đã không bị chói lòa khi ngồi học (trước cải tạo là 59%) và 88% giáo viên nhận xét về ánh sáng trong lớp học là đủ sáng, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để học sinh nhìn bảng và đọc, viết bài (trước dự án 51% giáo viên cho biết điều kiện lớp học không đủ ánh sáng cho học sinh học tập). Không chỉ đảm bảo các yêu cầu về chỉ tiêu định lượng và chất lượng ánh sáng (trên bàn học sinh và trên bảng viết) theo quy định TCNV 7114: 2002, Quy chuẩn xây dựng Việt Nam QCXDVN 09: 2005 nhằm hạn chế các bệnh về mắt cho học sinh, dự án DSM giai đoạn 2 triển khai ở các trường học đã đem lại hiệu quả đáng kế về mặt tiết kiệm điện năng tiêu thụ. Qua đó, nếu mỗi trường học bố trí khoảng 30 phòng học lắp đèn theo mô hình của dự án thì mỗi tháng sẽ tiết kiệm được 2, 3 triệu đồng tiền điện.
Tổng hợp 105 ý kiến của các cơ quan quản lý như UBND tỉnh, thành phố, Sở điện lực, Sở và các phòng giáo dục, lãnh đạo các trường học, ban phụ huynh và học sinh tại 27 cuộc hội thảo ở các địa phương cho thấy: Các ý kiến đều đánh giá cao kết quả của Dự án về các chỉ tiêu chiếu sáng và tiết kiệm năng lượng, đề nghị triển khai rộng mô hình chiếu sáng của Dự án cho tất cả các trường tại địa phương; đề nghị UBND tỉnh, sở GD- ĐT hỗ trợ kinh phí và có chủ trương hướng dẫn thiết kế, lắp đặt hệ thống chiếu sáng thống nhất (các công trình cải tạo và xây dựng mới) cho các lớp học, đồng thời tìm giải pháp huy động nguồn kinh phí từ các hội phụ huynh học sinh cũng như các tổ chức xã hội phục vụ cho công tác này; đề nghị các cơ quan truyền thông kết hợp chặt chẽ với EVN tiến hành các hoạt động quảng bá sâu rộng kết quả của Dự án.
Được biết, đến nay đã có 20 trường học ở 7 tỉnh, thành phố đăng ký cải tạo lại hệ thống chiếu sáng tại đơn vị mình theo mẫu của Dự án cho 182 phòng học; 3 Sở Giáo dục đề nghị được kết hợp với Dự án tuyên truyền huấn luyện về chiếu sáng hiệu quả trường học cho cơ quan quản lý giáo dục.
Theo TC Điện lực số 10 - 2007