Ảnh minh họa.
Từ năm 2016 Công ty đã đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất, hạ tầng lưới điện và hệ thống phần mềm ứng dụng quản lý vận hành lưới điện theo tiêu chí xây dựng lưới điện thông minh. Nâng cấp, cải tạo các trạm biến áp 110kV trên địa bàn theo tiêu chí trạm biến áp không người trực.
Tháng 3 năm 2018, Trung tâm điều khiển xa trực thuộc Công ty Điện lực Hà Tĩnh được thành lập, đây là một bước ngoặt đánh dấu sự phát triển và thể hiện quyết tâm đưa ứng dụng công nghệ số vào phục vụ điều hành vận hành lưới điện của Công ty. Các vật tư, thiết bị điện thông minh như máy cắt điện (Reclose), cầu dao phụ tải (LBS) có kết nối từ xa được đưa vào thay thế các thiết bị truyền thống. Các Trạm biến áp 110kV được nâng cấp hoàn thiện đảm bảo kết nối, điều khiển từ xa. Hệ thống phần mềm ứng dụng quản lý vận hành lưới điện như: GIS-quản lý lưới điện trên bản đồ, OMS-quản lý vận hành lưới điện, AMISS-phần mềm thu thập và quản lý dữ liệu đo xa, PMIS-quản lý kỹ thuật lưới điện hay áp dụng công nghệ mới vệ sinh, sửa chữa lưới điện đang mang điện bằng phương pháp hotline… được đưa vào sử dụng rộng rãi và khai thác hiệu quả. Tất cả dữ liệu, thông số vận hành, hiện tượng bất thường trên lưới điện được cài đặt kết nối, truyền về tích hợp trên hệ thống màn hình máy tính (HMI) đặt tại Trung tâm điều khiển xa thông qua các phần mềm ứng dụng trực tuyến theo thời gian thực. Nhân viên vận hành có thể nhận biết qua các tín hiệu cảnh báo bằng chuông, còi, sự thay đổi về màu sắc, trạng thái,…. Từ đó việc phân tích dữ liệu, điều hành, xử lý tín hiệu bất thường, đưa ra mệnh lệnh điều khiển được thực hiện nhanh và có tính chính xác cao. Nhờ vậy, giảm thời gian phân đoạn, giải phóng được sức lao động, nâng cao hiệu quả quản lý vận hành. Đây là tiền đề cho việc ứng dụng công nghệ số và đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số trong doanh nghiệp.
Trao đổi về vấn đề này ông Nguyễn Đình Hiếu, Trưởng Trung tâm ĐKX cho biết thêm: Hiện nay, Công ty đang đưa vào dự án xây dựng thí điểm mô hình lưới điện thông minh, trước mắt là đưa một số đường dây trung thế có mạch vòng liên lạc vào vận hành theo mô hình mini SCADA. Với mô hình này khi có sự cố hoặc bất thường trên lưới điện đang vận hành thì hệ thống sẽ tự động phát hiện và tác động theo tín hiệu logic đã được lập trình sẵn để cô lập vùng bị sự cố, đồng thời tự động khôi phục lại vùng không bị sự cố cấp điện cho phụ tải. Trong tương lai mô hình này sẽ phát huy hiệu quả giảm thiểu thời gian ngừng cung cấp điện do sự cố và bất thường trên lưới điện, bảo đảm độ tin cậy cung cấp điện cho lưới điện trên địa bàn Hà Tĩnh”.
Có thể thấy việc ứng dụng các công nghệ mới, hiện đại vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Công ty Điện lực Hà Tĩnh đang từng bước nâng cao hiệu quả quản lý vận hành góp phần cải thiện năng suất lao động, đảm bảo cho hệ thống lưới điện vận hành an toàn hiệu quả và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong doanh nghiệp.
Phương Thảo