Hiệu quả dự án kéo điện cho người dân nuôi tôm ở cánh đồng Năng, Long Sơn, Cầu Ngang.
Đến nay, Trà Vinh có 85/85 xã đạt tiêu chí số 4 về điện, góp phần phát triển đời sống kinh tế, xã hội cho người dân.
Những năm qua, Công ty Điện lực Trà Vinh triển khai hiệu quả nhiều dự áp cấp điện vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc Khmer, điển hình như: Dự án cung cấp điện cho các hộ dân chưa có điện chủ yếu là đồng bào Khmer thuộc Chương trình cấp điện từ lưới điện quốc gia cho khu vực nông thôn, miền núi, hải đảo. Dự án này được thực hiện từ năm 2011 đến 2015, tổng giá trị là 469 tỷ đồng được triển khai trên địa bàn diện rộng toàn tỉnh với quy mô 83 xã thuộc 7 huyện: Càng Long, Châu Thành, Cầu Kè, Cầu Ngang, Duyên Hải, Tiểu Cần và Trà Cú. Kết quả cấp điện cho 37.131 hộ dân, chủ yếu là đồng bào Khmer, nâng tỷ lệ số hộ người Khmer sử dụng điện toàn tỉnh đạt trên 99%.
Khởi công Dự án công trình cấp điện Cồn An Lộc, xã Hòa Tân, huyện Cầu Kè.
Năm 2018, thực hiện dự án đầu tư cấp điện cho cồn An Lộc, xã Hòa Tân, huyện Cầu Kè và cồn Phụng, xã Long Hòa, huyện Châu Thành cho 282 hộ dân, vốn đầu tư 12,7 tỷ đồng. Dự án cấp điện cho 2 “ốc đảo” cồn An Lộc và cồn Phụng, với tỷ suất vốn đầu tư rất lớn, bình quân trên 94 triệu đồng/hộ dân. Đây là chủ trương Tỉnh ủy “xóa điện các vùng lõm”, nâng cao đời sống văn hóa, dân trí của người dân vùng nông thôn, vùng cù lao xa xôi hẻo lánh. Kết quả “điện về ốc đảo”, người dân không chỉ cải thiện sinh hoạt, mà còn khai thác và phát huy được tiềm năng kinh tế vốn có về cây ăn quả và nuôi trồng thủy sản.
Gắn biển công trình thi đua xóa câu phụ huyện Càng Long chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh Trà Vinh.
Triển khai nhiều dự án cấp điện nuôi tôm tổng số vốn đầu tư 225,9 tỷ đồng như: Dự án thành phần "Cải tạo, nâng cấp và phát triển lưới điện phục vụ nuôi tôm công nghiệp tỉnh Trà Vinh" thuộc dự án DPL3, vốn đầu tư 107,4 tỷ đồng, hoàn thành năm 2016, cấp điện trên 5.779 hộ nuôi tôm công nghiệp; Các công trình cấp điện nuôi trồng thủy sản (nuôi tôm công nghiệp): đầu tư giai đoạn 2016-2020 tổng vốn là 118,5 tỷ đồng. Các dự án này vừa hoàn thành, đưa vào sử dụng, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho hàng chục nghìn hộ nuôi tôm.
Bên cạnh đó, để thực hiện hiệu quả tiêu chí số 4 về điện trong chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, những năm qua Công ty Điện lực Trà Vinh chủ động bằng nguồn vốn đầu tư, từ nguồn sửa chữa lớn hàng năm để nâng cấp, cải tạo lưới điện hạ áp nông thôn, nâng cao chất lượng sử dụng điện cho nhân dân... Cụ thể 02 năm gần đây (2022-2023), triển khai 21 công trình sửa chữa lớn, tổng giá trị 42,46 tỷ đồng, góp phần nâng cao khả năng cấp điện an toàn, tin cậy phục vụ người dân.
Thực hiện chủ trương xóa dần việc bán điện qua hình thức câu phụ (câu đuôi, kéo chuyền, chia hơi), tiến tới bán điện trực tiếp đến từng hộ sử dụng điện qua công tơ chính của ngành điện. Trong thời gian qua, Công ty đầu tư lưới điện hạ thế và lắp công tơ xóa hộ câu phụ không an toàn cho 5.734 hộ dân, với giá trị vốn 18,15 tỷ đồng. Tính đến cuối tháng 9/2023, toàn tỉnh có 106/106 xã, phường, thị trấn có điện đạt tỷ lệ 100%; số hộ dân có điện đạt tỷ lệ 99,58%; số hộ nông thôn có điện đạt tỷ lệ 99,50%; Số xã đạt tiêu chí số 4 về điện toàn tỉnh là 85/85 xã, đạt tỷ lệ 100%.
Công ty Điện lực Trà Vinh đóng điện vận hành đường dây trạm biến áp 110 kV Trà Cú.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Trà Vinh có 130 công trình điện đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước thuộc diện phải bàn giao cho ngành điện theo Quyết định số 41/2017/QĐ-TTg ngày 15/9/2017. Tổng khối lượng các công trình dự kiến bàn giao gồm: 50,45 km đường dây trung thế, 111,10 km đường dây hạ thế, 18,60 MVA dung lượng trạm biến áp với tổng giá trị phê duyệt là 348,24 tỷ đồng. Công ty phối hợp với Sở Tài chính và các chủ đầu tư thực hiện tiếp nhận hoàn tất 14 công trình với tổng khối lượng: 3,52 km đường dây trung thế, 18,28 km đường dây hạ thế, dung lượng trạm biến áp 1.945 kVA; Giá trị bàn giao: 11,17 tỷ đồng. Phối hợp với chủ đầu tư thực hiện hoàn tất biên bản kiểm kê và xác định giá trị còn lại và UBND tỉnh đã có văn bản báo cáo Bộ Tài chính 39 công trình (chờ hoàn tất các thủ tục liên quan để tiếp nhận).
Số lượng còn lại 77 công trình với quy mô: 26,14 km đường dây trung thế, 51,10 km đường dây hạ thế, dung lượng trạm biến áp 8.468 kVA; Tổng giá trị phê duyệt 130 tỷ đồng. Công ty Điện lực Trà Vinh tiếp tục phối hợp với Sở Tài chính và các chủ đầu tư để thực hiện trong thời gian tới.