Chuyển đổi số trong EVN

Công ty Điện lực Tuyên Quang chuyển đổi số kinh doanh, dịch vụ

Thứ ba, 24/5/2022 | 15:09 GMT+7
Xác định chuyển đổi số là xu hướng tất yếu, đến nay, Công ty Điện lực Tuyên Quang đã cơ bản hoàn thành số hóa trong lĩnh vực kinh doanh và dịch vụ. 
Công nhân Điện lực thành phố Tuyên Quang tuyên truyền cho người dân thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt.​

Qua đó đã mang lại nhiều lợi ích cho khách hàng cũng như nâng cao hiệu quả vận hành, cải thiện độ tin cậy trong cung cấp điện.
 
Ông Trần Ngọc Thiện, Trưởng Phòng Kinh doanh, Công ty Điện lực Tuyên Quang cho biết, để thực hiện số hóa trong lĩnh vực kinh doanh và dịch vụ khách hàng, các dịch vụ điện năng, công ty đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý kinh doanh và dịch vụ khách hàng. Theo đó, công ty đang sử dụng các phần mềm dùng chung trong lĩnh vực kinh doanh và dịch vụ khách hàng thông suốt từ cấp Tổng công ty đến các điện lực trực thuộc vào công tác quản lý, kinh doanh. Việc số hóa quy trình kinh doanh đã giúp công ty tiết kiệm hàng tỷ đồng và hàng nghìn ngày công mỗi năm, nhờ bỏ các khâu như in hóa đơn tiền điện bằng giấy, in biên bản treo tháo công tơ. Trước đây việc cập nhật thông tin treo tháo công tơ từ biên bản giấy vào phần mềm quản lý khách hàng (CMIS) mất rất nhiều thời gian, thay vào đó hiện nay sẽ cập nhật trực tiếp trên thiết bị hiện trường sử dụng bằng máy tính bảng và đồng bộ tự động vào hệ thống CMIS.
 
Đến nay, Công ty Điện lực Tuyên Quang đã cung cấp 100% dịch vụ điện cấp độ 4; phát triển các kênh chăm sóc khách hàng online như tổng đài chăm sóc khách hàng, app chăm sóc khách hàng trên điện thoại di động, website… Qua đó, vừa giúp khách hàng tiết kiệm chi phí đi lại vừa có thể tiếp cận quy trình cung cấp dịch vụ điện một cách rõ ràng, công khai, minh bạch và giám sát được quá trình thực hiện của ngành Điện.
 
Đến hết năm 2021, công ty đã số hóa thành công 100% hợp đồng mua bán điện. Việc số hóa hợp đồng mua bán điện giúp khách hàng có thể dễ dàng tra cứu hợp đồng trên nền tảng Internet, đảm bảo công khai, minh bạch, giúp khách hàng làm quen với việc sử dụng các dịch vụ trực tuyến. Với công ty việc số hóa đã giải phóng kho lưu trữ hồ sơ hợp đồng bằng giấy tại các điện lực, tiết kiệm chi phí bảo quản, quản lý hồ sơ; giảm chi phí, nhân công...
 
Công ty đã thay thế và chuyển đổi dần công tơ cơ khí thành công tơ điện tử. Đến nay, số lượng công tơ điện tử trên lưới điện đã đạt khoảng trên 200 nghìn công tơ, chiếm gần 73,03% số công tơ hiện có, công tơ điện tử có kết nối với hệ thống đọc xa đạt 73,25% so với số công tơ điện tử được lắp đặt trên lưới. Công ty phấn đấu hoàn thành lắp đặt 100% công tơ điện tử vào năm 2025. Việc áp dụng công tơ điện tử giúp công ty cung cấp dịch vụ tốt hơn cho khách hàng. Đặc biệt, khách hàng có thể giám sát được sản lượng điện tiêu thụ hàng ngày, từ đó có sự điều chỉnh trong sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả, nhất là trong những tháng nắng nóng trong năm, cũng như phát hiện kịp thời những bất thường nếu có.
 
Công nhân Công ty Điện lực Tuyên Quang thay thế công tơ điện tử.

Công ty đã thực hiện áp dụng hóa đơn điện tử; thay thế hệ thống đo đếm điện năng bằng các công tơ điện tử có tính năng đo xa, đồng thời, triển khai cung cấp 12/12 dịch vụ điện trực tuyến để đơn giản hóa mọi thủ tục, hồ sơ của khách hàng trên Cổng dịch vụ công quốc gia www.dichvucong.gov.vn, website chăm sóc khách hàng www.cskh.npc.com.vn. Điều này giúp khách hàng giảm thời gian thực hiện các giao dịch, có thể giám sát quá trình thực hiện và đánh giá, phản ánh chất lượng các dịch vụ.
 
Cùng với việc ứng dụng chuyển đổi số trong quản lý, vận hành lưới điện, Công ty Điện lực Tuyên Quang cũng tích cực ứng dụng chuyển đổi số trong kinh doanh và dịch vụ khách hàng để đem đến nhiều tiện ích cho khách hàng.

Hơn nữa, Công ty còn quan tâm đẩy mạnh thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt, qua đó khách hàng có thể thanh toán tiền điện qua ATM, InternetBanking, trích thu nợ tự động và các tổ chức trung gian như Viettel, Bưu điện, Công ty cổ phần Dịch vụ trực tuyến Cộng đồng Việt Payoo khuyến khích khách hàng sử dụng ví điện tử như ViettelPay, ZaloPay, VNPay... để thực hiện thanh toán tiền điện. Đến nay, trung bình mỗi tháng có khoảng 150 nghìn khách hàng trong tổng số hơn 260 nghìn khách hàng thực hiện thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt.
 
Ngoài ra, Công ty Điện lực Tuyên Quang cũng đã triển khai số hóa hợp đồng mua bán điện sinh hoạt, tiến tới quản lý hiện đại hóa ngành Điện, giảm bớt các chi phí in ấn hợp đồng, không cần lưu trữ hồ sơ nhiều và giảm nhân lực.
 
Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa quy trình kinh doanh kỹ thuật và dịch vụ giúp Công ty Điện lực Tuyên Quang bảo đảm cung cấp đủ điện, an toàn, nâng cao năng suất lao động cũng như hiệu quả đầu tư kinh doanh. 

Link gốc
Theo: Báo Tuyên Quang