Tất cả thông số vận hành của 9 trạm biến áp 110 KV được truyền qua hệ thống Scada và lưu lại trên máy tính.
Ứng dụng phần mềm chuyển đổi số từ lưới điện...
Chuyển đổi số là xu thế tất yếu, nhất là trong bối cảnh vừa đảm bảo phòng chống dịch COVID-19 vừa chủ động thích ứng an toàn, linh hoạt, hiệu quả để phục hồi và phát triển nền kinh tế. Thực hiện chỉ đạo của Tổng Công ty Điện lực Miền Bắc, Công ty Điện lực Hà Tĩnh tăng cường số hóa vào lĩnh vực quản lý kỹ thuật với mục tiêu xuyên suốt là xây dựng lưới điện thông minh, tinh gọn.
Ông Nguyễn Trí Dũng - Trưởng phòng Kỹ thuật Công ty Điện lực Hà Tĩnh cho biết: “Với lĩnh vực quản lý kỹ thuật, công ty đã triển khai các phần mềm như: Quản lý lưới điện trên bản đồ (GIS); quản lý máy biến áp - quản lý nguồn và lưới điện PMIS; số hóa quy trình xét duyệt sáng kiến, môi trường, công tác thí nghiệm và kiểm tra hiện trường. Đặc biệt, từ cuối năm 2021, phần mềm số hóa quản lý kỹ thuật được triển khai. Các đơn vị trực thuộc hiện đã lập lịch kiểm tra lưới điện ngày, đêm, định kỳ trên ứng dụng phần mềm số hóa quy trình kỹ thuật - an toàn, thay thế hoàn toàn phương pháp ghi giấy với trên 5.887 lượt đăng ký kiểm tra định kỳ, phát hiện và xử lý trên 600 khiếm khuyết trên lưới”.
Trước đây, để kiểm tra tình trạng mạng tải của đường dây, trạm biến áp, công nhân ngành điện phải xuống hiện trường ghi thông số. Còn nay tất cả dữ liệu được cập nhật tự động, giúp nâng cao chất lượng kiểm tra lưới điện, kịp thời phát hiện khiếm khuyết và lập phương án xử lý ngăn ngừa nguy cơ sự cố, đảm bảo cung cấp điện an toàn, tin cậy.
Trung tâm điều khiển xa - được ví như “đầu não” của hệ thống lưới điện Hà Tĩnh - luôn duy trì chế độ trực 24/24h để điều hành lưới điện phân phối và vận hành 9 trạm biến áp 110 kV. Với hệ thống này, trước đây, công ty cần khoảng 90 người đảm nhận nhiệm vụ trực, vận hành, tuy nhiên, từ năm 2020, Công ty Điện lực Hà Tĩnh đầu tư thiết bị công nghệ hiện đại và đã chuyển các trạm biến áp này sang chế độ không người trực.
Theo ông Mai Thanh Tùng - Trưởng Trung tâm Điều khiển xa, trước đây với chế độ có người trực thì mỗi ca trực tại 1 trạm biến áp 110 kV phải cần 2 người. Hàng giờ, họ phải ghi lại tất cả thông số vận hành vào sổ theo dõi điện áp nút để có sự điều chỉnh phù hợp. Từ khi vận hành chế độ trạm biến áp không người trực, chẳng những tiết giảm nguồn nhân lực mà các thông số vận hành lưới điện đều được truyền qua hệ thống scada và lưu lại trên máy tính. Theo đó, lưới điện vận hành như thế nào và sự cố (nếu có) được theo dõi và cảnh báo qua camera. Nhờ vậy, ngành điện phát hiện, xử lý nhanh sự cố, giảm thấp nhất thời gian ngừng cấp điện.
… đến quản lý dữ liệu khách hàng
Bên cạnh quản lý kỹ thuật, Công ty Điện lực Hà Tĩnh còn tập trung số hóa lĩnh vực kinh doanh - dịch vụ khách hàng. Theo đó, cung cấp dịch vụ điện bằng phương thức điện tử, số hóa hợp đồng mua bán điện, hóa đơn điện tử... là các dịch vụ hiện đại mà doanh nghiệp đang triển khai giúp khách hàng tiện tham gia, theo dõi, giám sát.
Công ty Điện lực TP Hà Tĩnh là đơn vị đi đầu trong cung cấp dịch vụ điện bằng phương thức điện tử. Từ tháng 11/2019 đến nay, đơn vị triển khai số hóa dịch vụ điện với 100% khách hàng cấp điện mới. Các khâu như: khảo sát, ký hợp đồng mua bán điện… đều thực hiện theo phương thức điện tử.
Ông Trần Xuân Thông - Giám đốc Điện lực TP Hà Tĩnh cho biết: “12/12 dịch vụ điện trực tuyến mức độ 4 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã kết nối với cổng dịch vụ công quốc gia. Khi người dân, doanh nghiệp có yêu cầu, chỉ cần truy cập trang web: www.dichvucong.gov.vn là có thể sử dụng các dịch vụ như: cấp điện mới từ lưới điện trung áp; thay đổi công suất sử dụng điện, thay đổi loại công tơ 1 pha, 3 pha…”.
Công ty Điện lực Hà Tĩnh cũng là đơn vị tiên phong triển khai hóa đơn điện tử tại Hà Tĩnh. Ông Phan Văn Anh - Trưởng phòng Kinh doanh công ty cho biết: “Đơn vị đã triển khai ứng dụng hoá đơn điện tử trong thanh toán tiền điện từ tháng 5/2015 và hiện đã “phủ sóng” 100% khách hàng. Ngoài ra, công ty cũng đã số hóa 100% hợp đồng mua bán điện, nhờ vậy đã tiết kiệm hàng tỷ đồng mỗi năm cho các chi phí in ấn, vận chuyển, lưu trữ hồ sơ”.
Công ty Điện lực Hà Tĩnh cũng đã thực hiện lắp công tơ điện tử kết hợp hệ thống thu thập dữ liệu đo xa. Doanh nghiệp đang quản lý 464.555 công tơ, trong đó 303.712 công tơ điện tử đo xa được kết nối hệ thống truyền dữ liệu về máy chủ. Đến kỳ, công nhân ngành điện không cần đi ghi chỉ số công tơ như trước mà số liệu được cập nhật tự động, chính xác.
Thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt cũng là điểm nhấn trong lộ trình chuyển đổi số của doanh nghiệp với 11 ngân hàng, 8 tổ chức trung gian thu hộ tiền điện. Hiện có 59,35% khách hàng thanh toán tiền điện theo hình thức hiện đại này.
Điều đáng nói, chuyển đổi số không chỉ có lợi cho ngành điện mà còn tạo tiện ích cho khách hàng. Chị Nguyễn Thị Bích (phường Thạch Linh, TP Hà Tĩnh) chia sẻ: “Khách hàng sử dụng điện giờ đây có thể đăng ký các dịch vụ, kiểm tra chỉ số điện năng, thanh toán tiền điện… nhanh chóng qua phần mềm; giúp tiết kiệm thời gian đi lại, chủ động giao dịch mọi lúc, mọi nơi và tiện quản lý chi tiêu hàng tháng".