Tin trong nước

Công ty Điện lực Yên Bái nâng cao ý thức bảo vệ an toàn hành lang lưới điện

Thứ bảy, 9/7/2022 | 10:58 GMT+7
Thực trạng vi phạm an toàn hành lang lưới điện (ATHLLĐ) cao áp ở một số địa bàn trong tỉnh thời gian qua vẫn xảy ra và có tính chất phức tạp. Nhiều diện tích cây trồng ngoài HLLĐ có nguy cơ gãy đổ, va chạm vào đường dây, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn, sự cố về điện chưa được giải tỏa.
 
Nhân viên Công ty Điện lực Yên Bái tuyên truyền đến người dân về bảo vệ hành lang an toàn lưới điện.
 
Nguyên nhân chính là do người dân chủ quan, xem nhẹ việc chấp hành quy định về an toàn điện, dẫn đến vi phạm HLLĐ cao áp như: san gạt đất xây dựng, cải tạo nhà ở, thi công công trình, trồng cây, chặt tỉa cây gần đường dây điện; trộm cắp, tháo dỡ các kết cấu lưới điện, thả diều hoặc các vật thể bay khác vào lưới điện cao áp… 
 
Để nâng cao nhận thức, ý thức cho người dân bảo vệ ATHLLĐ cũng như hạn chế thấp nhất nguy cơ xảy ra sự cố lưới điện, Công ty Điện lực Yên Bái (PCYB) xây dựng kế hoạch triển khai đến các đơn vị điện lực tăng cường kiểm tra lưới điện, trạm biến áp để kịp thời phát hiện, ngăn chặn những trường hợp vi phạm. 
 
Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với chính quyền các xã, phường, thị trấn tổ chức tuyên truyền đến người dân những văn bản pháp luật liên quan về bảo vệ HLLĐ và biện pháp phòng tránh tai nạn điện; kiên quyết ngăn chặn hoạt động có khả năng gây sự cố, tai nạn điện và xử lý nghiêm hành vi gây sự cố lưới điện làm ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống, sinh hoạt của người dân. 
 
Đối với những công trình xây dựng gần đường dây, PCYB cử cán bộ, nhân viên đến tư vấn, khuyến cáo về mức độ an toàn cho người dân, công nhân xây dựng. Tăng cường kiểm tra, phát hiện, lập biên bản và đề xuất chính quyền các cấp xử lý nghiêm trường hợp vi phạm; thường xuyên tổ chức phát dọn hành lang lưới điện trung, hạ thế; theo dõi và xử lý các cây cao có nguy cơ đổ vào đường dây, bảo dưỡng các thiết bị điện, sứ cách điện trên đường dây. 
 
Anh Trần Hoàng Hải ở phường Yên Ninh, thành phố Yên Bái chia sẻ: "Sau khi được cán bộ điện lực tuyên truyền, hướng dẫn, gia đình tôi đã hiểu rõ về mức độ nguy hiểm khi vi phạm ATHLLĐ cao áp và quy trình xây nhà ở đảm bảo khoảng cách an toàn với công trình lưới điện”.
 
Năm 2021, PCYB đã có 31 vụ sự cố do vi phạm ATHLLĐ cao áp trong đó 21 vụ dân chặt cây đổ vào đường dây, 3 vụ phương tiện giao thông va quệt vào đường dây và 2 vụ thi công vi phạm hành lang, 1 vụ dân đốt nương gây sự cố đường dây 110 kV. Trong 3 tháng đầu năm 2022 cũng xảy ra 3 vụ dân chặt cây đổ vào đường dây gây sự cố. 
 
Có thể thấy, tình trạng người dân chặt cây đổ vào hành lang gây sự cố lưới điện chiếm tỷ lệ cao và nguyên nhân do trên địa bàn còn tồn tại nhiều khu vực cây ngoài hành lang có nguy cơ gãy, đổ, va chạm vào lưới điện cần được giải tỏa nhưng ý thức bảo vệ ATHLLĐ của người dân chưa cao, nhiều chủ rừng có đường dây cao áp đi qua chưa hợp tác với ngành điện trong việc chặt, tỉa, phát quang hành lang tuyến, gây khó khăn trong công tác quản lý, vận hành mặc dù chính quyền cơ sở đã vào cuộc tuyên truyền, giải thích cho các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình hiểu, chấp hành Nghị định 14/2014/NĐ-CP của Chính phủ về bảo vệ ATHLLĐ cao áp. 
 
Cùng đó, để giảm thiểu sự cố lưới điện do dân chặt cây đổ vào đường dây ngành điện đã gắn biển cảnh báo "Nguy hiểm - cây có khả năng đổ vào đường dây điện cao áp” vào từng thân cây để người dân, tổ chức khi khai thác báo với đội quản lý tổng hợp thuộc các điện lực cơ sở đảm bảo không để xảy ra sự cố điện bất ngờ. Trong năm 2021, PCYB đã phối hợp với chính quyền địa phương xử phạt hành chính 15 trường hợp cá nhân chặt cây đổ vào đường dây trung thế gây sự cố điện. 
 
Điển hình là vụ việc ngày 8/1/2021, ông N.M.T ở xã Yên Bình, huyện Yên Bình chặt cây đổ vào đường dây 35 kV gây sự cố, UBND xã Yên Bình đã xử  phạt 1 triệu đồng; ngày 28/10/2021 bà T.T.M ở xã Bảo Ái, huyện Yên Bình chặt cây đổ vào đường dây 35 kV gây sự cố, UBND xã Bảo Ái đã xử  phạt 2 triệu đồng.
 
Thời gian tới, PCYB sẽ tiếp tục phối hợp với chính quyền các địa phương, cơ quan truyền thông đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy định về bảo vệ HLLĐ cao áp thông qua loa phát thanh xã, phường, cuộc họp lồng ghép của tổ dân phố giúp người dân hiểu rõ mức độ nguy hiểm cũng như hậu quả khi vi phạm khoảng cách an toàn lưới điện cao áp. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra việc xây dựng công trình, nhà ở là nơi có đường dây chạy qua để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm trường hợp xây dựng trái phép vi phạm, nhằm chấn chỉnh và đảm bảo ATHLLĐ.
 
Theo: Báo Yên Bái