Triển khai công việc và phân công nhiệm vụ diễn tập cho các thành viên Đội xung kích PCTT&TKCN.
Nhà máy Thủy điện Sông Bung 2 có công suất lắp máy 100MW, 7 tháng đầu năm 2022, đã sản xuất được 239 triệu kWh đạt 64,7% kế hoạch năm. Nhà máy Thuỷ điện Sông Bung 4 có công suất lắp máy 156MW, 7 tháng đầu năm 2022 đã sản xuất được 351 triệu kWh đạt 79,2% kế hoạch năm.
Để đảm bảo an toàn hồ đập, người và tài sản vùng hạ du trong mùa mưa, lũ năm 2022. Đến thời điểm này, Công ty Thủy điện Sông Bung đã triển khai các biện pháp sẵn sàng ứng phó các tình huống có thể xảy ra.
Phóng viên đã phỏng vấn ông Lê Đình Bản, Giám đốc Công ty Thủy điện Sông Bung – Chi nhánh Tổng công ty Phát điện 2.
PV: Thưa ông! Công ty Thủy điện Sông Bung đã làm gì để chủ động ứng phó với các hình thế thiên tai có thể xảy ra trong năm 2022 ?
Ông Lê Đình Bản: Công tác ứng phó với các tình huống thiên tai có thể xảy ra, đảm bảo an toàn hồ chứa, an toàn đập và hạ du được lãnh đạo Công ty xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của đơn vị, do đó ngay từ đầu năm, Công ty đã xây dựng kế hoạch thực hiện công tác và đã tổ chức thực hiện theo đúng kế hoạch đề ra. Tính đến nay, việc triển khai theo phương châm 4 tại chỗ “Chỉ huy tại chỗ, Lực lượng tại chỗ; Phương tiện tại chỗ; Hậu cần tại chỗ” đã được hoàn thiện.
Công ty đã hoàn thành công tác tổng kiểm tra 2 nhà máy thuỷ điện Sông Bung 2 và Sông Bung 4; rà soát, xử lý các khiếm khuyết của các hạng mục công trình, thiết bị cơ điện, máy phát diesel dự phòng, hệ thống thông tin liên lạc… và diễn tập các tình huống có thể xảy ra trong mùa mưa bão nhằm đảm bảo sẵn sàng, chủ động trong ứng phó với các tình huống thiên tai.
Đồng thời tổ chức kiện toàn Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai & Tìm kiếm cứu nạn công ty cũng như bộ máy các đội xung kích, …Phối hợp với Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai & Tìm kiếm cứu nạn Quảng Nam, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai & Tìm kiếm cứu nạn thành phố Đà Nẵng và các Nhà máy thuỷ điện trên lưu vực sông Vu Gia tổ chức họp tổng kết công tác Phòng chống thiên tai & Tìm kiếm cứu nạn năm 2021 và triển khai nhiệm vụ cho năm 2022.
Đặc biệt, Công ty cũng đã xem xét đến các kịch bản ứng phó theo phương châm 4 tại chỗ thích ứng linh hoạt trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp.
Tình huống diễn tập "Giả lập đồng thời mất điện lưới và máy phát 100kVA, vận hành đóng/mở các cửa van cung đập tràn bằng máy phát Diezel 5kVA" do Công ty Thủy điện Sông Bung tổ chức.
Tình huống diễn tập "Giả lập đồng thời mất điện lưới và máy phát 100kVA, vận hành đóng/mở các cửa van cung đập tràn bằng máy phát Diezel 5kVA" do Công ty Thủy điện Sông Bung tổ chức.
PV: Xin ông cho biết công tác kiểm tra hiện trạng an toàn đập, quản lý an toàn đập, hồ chứa thủy điện và công tác phòng chống thiên tai & tìm kiếm cứu nạn được Công ty thực hiện như thế nào ?
Ông Lê Đình Bản: Việc quản lý, kiểm tra hiện trạng an toàn đập, hồ chứa thuỷ điện và công tác phòng chống thiên tai & tìm kiếm cứu nạn luôn được Công ty ưu tiên quan tâm tổ chức kiểm tra thường xuyên tại các hạng mục công trình nhằm đảm bảo kịp thời phát hiện và xử lý các tình trạng bất thường có nguy cơ gây ảnh hưởng đến an toàn hồ đập.
Để chuẩn bị cho mùa mưa lũ năm 2022, từ ngày 17 đến 19/8/2022, Đoàn kiểm tra của Bộ Công Thương do ông Phạm Trọng Thực – Phó Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn – Môi trường công nghiệp Bộ Công Thương làm Trưởng đoàn, cùng đại diện Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, đại diện Sở Công thương tỉnh Quảng Nam & các chuyên gia thuộc hội đồng tư vấn đánh giá an toàn đập đã kiểm tra và làm việc tại Công ty Thủy điện Sông Bung về công tác quản lý an toàn đập, hồ chứa thủy điện năm 2022. Qua kiểm tra thực địa và các hồ sơ pháp lý, các công tác phòng chống thiên tai & tìm kiếm cứu nạn, Đoàn kiểm tra đánh giá cao công tác quản lý an toàn hồ đập thủy điện tại Công ty Thuỷ điện Sông Bung, công tác chuẩn bị sẵn sàng vận hành hồ đập trước mùa mưa lũ năm 2022.
Đoàn công tác yêu cầu Công ty tiếp tục bám sát các quy định trong Nghị định số 114/2018/NĐ-CP ngày 04/9/2018 của Chính phủ về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước và Thông tư số 09/2019/TT-BCT ngày 08/7/2019 của Bộ Công Thương quy định về quản lý an toàn đập, hồ chứa thuỷ điện; tiếp tục tăng cường công tác truyền thông, phối hợp với địa phương trong công tác quản lý vận hành và phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn, đảm bảo vận hành an toàn hồ đập trong mùa mưa lũ năm 2022.
PV: Công ty đã có phương án nào xử lý nhanh chóng, chính xác khi có sự cố hệ thống thiết bị tại đập tràn ?
Ông Lê Đình Bản: Xác định việc xử lý nhanh chóng, chính xác các sự cố có thể xảy ra tại đập tràn là một trong những vấn đề trọng yếu quyết định đến việc vận hành an toàn hồ đập thuỷ điện. Hàng năm, Công ty đều xây dựng các kịch bản sự cố có thể xảy ra tại đập tràn hồ chứa thuỷ điện như: kịch bản mất điện lưới, kịch bản kẹt cửa van khi đang vận hành xả tràn điều tiết hồ chứa, kịch bản sự cố máy phát điện dự phòng phục vụ vận hành các cửa van tại đập, sự cố mất kênh thông tin liên lạc…. để tổ chức diễn tập và xử lý trước mùa mưa bão.
Từ ngày 10 đến 12/8/2022, BCH Phòng chống thiên tai & Tìm kiếm cứu nạn và Đội xung kích của Công ty Thủy điện Sông Bung đã phối hợp cùng đại diện văn phòng ban chỉ huy phòng chống thiên tai & tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam tổ chức đợt tổng kiểm tra và diễn tập công tác phòng chống thiên tai & tìm kiếm cứu nạn tại 02 Nhà máy thủy điện Sông Bung 2 và Sông Bung 4 nhằm chủ động phòng tránh, ứng phó với các tình huống có thể xảy ra trước mùa mưa lũ năm 2022.
PV: Trân trọng cám ơn ông!