Tin thế giới

Cuộc đua tạo ra thế giới năng lượng mới

Thứ năm, 18/3/2010 | 10:13 GMT+7

Chúng ta đang ở thủa bình minh của một tương lai năng lượng mới mà được tiếp sức từ năng lượng thay thế và nhiên liệu hóa thạch sạch hơn. Nếu các chính phủ thông qua các quy tắc và khuyến khích hợp lý, thì tới giữa thế kỷ này nguồn năng lượng tái tạo sẽ cung cấp gần 30% năng lượng của thế giới. Xã hội sẽ hướng tới con đường biến đổi bền vững. Xa lộ của thế giới sẽ tràn ngập các phương tiện chạy bằng tất cả các kiểu năng lượng: Xăng, dầu diesel, điện, nhiên liệu sinh học, khí thiên nhiên và hydro.

Jeroen van der Veer - Giám đốc điều hành công ty dầu khí đa quốc gia Shell, phát biểu trên tờ The Times về một thế giới năng lượng mới.
Trong những năm tới, với mỗi lít nhiên liệu thì xe chạy bằng xăng và dầu diesel truyền thống sẽ chạy được xa hơn. Nhiên liệu sinh học sẽ chiếm đến 10% nhiên liệu lỏng dành cho vận tải trong vài thập kỷ tới. Những người viết kịch bản cho Shell cho rằng đến năm 2020, có tới 15% các xe hơi mới trên toàn thế giới có thể là xe điện lai, như Prius của Toyota, trong đó một số xe có khả năng cắm điện để sạc pin cho xe. Sau năm 2030, các phương tiện chạy bằng pin nhiên liệu từ nguồn hydro sẽ là không đáng kể nhưng cũng đang làm gia tăng phần nào số lượng của đội ngũ xe loại này. Đến năm 2050, dự kiến hơn một tỷ xe nữa sẽ được đưa vào lưu thông trên thế giới, nhiều hơn gấp đôi tổng số xe hiện nay.

Sự phong phú hơn nữa về các lựa chọn nhiên liệu sẽ là lợi ích cho người tiêu dùng. Các nhiên liệu khác nhau sẽ tốt hơn trong các khu vực khác nhau. Tại Nam Mỹ, nhiên liệu sinh học có khả năng sẽ chiếm ưu thế. Tại Brazil, ethanol từ cây mía đang cung cấp hơn 40% nhu cầu về xăng dầu. Trong khi đó, ở Trung Quốc dự kiến mở rộng sản xuất và sử dụng các loại xe hybrid và xe điện, khai thác các mỏ than rộng lớn của họ để sản xuất năng lượng.

Khi ngày càng nhiều phương tiện chạy bằng điện thì ảnh hưởng môi trường của các máy phát điện trên thế giới thậm chí sẽ còn trở nên quan trọng hơn. Tới năm 2030, năng lượng gió, năng lượng mặt trời và thuỷ điện sẽ chiếm 30% sản lượng điện, tăng 18% so với  hiện nay. Nhiều nhà máy điện chạy than mới hy vọng sẽ thu lượng phát thải CO2 và lưu trữ nó một cách an toàn dưới lòng đất, thay vì bơm vào bầu khí quyển. Các nhà máy sẽ dần biến than thành khí đốt, hơn là đốt than. Sau đó họ sẽ đốt khí để sản xuất điện, hoặc sử dụng nó như là nguyên liệu thô cho một loạt các sản phẩm hoá chất, trong khi CO2 sẽ được thu và giữ lại. Các nhà máy được tích hợp như vậy sẽ bắt đầu gần giống như các nhà máy lọc dầu. Tương tự như vậy, các nhà máy lọc dầu có thể khí hóa dầu nặng, sử dụng khí để sản xuất hydro, sản xuất nhiệt và điện, trong khi vẫn thu và lưu trữ CO2.

Quả thực, các nhiên liệu hóa thạch, than đá, dầu mỏ và khí tự nhiên sẽ tiếp tục cung cấp hơn một nửa năng lượng của thế giới vào năm 2050. Sự tăng dân số và các tiêu chuẩn sống cao hơn của hàng tỷ người trong một thế giới đang phát triển có nghĩa là chúng ta cần tất cả các nguồn năng lượng có thể dùng được để đảm bảo cho sự hoạt động mạnh mẽ của nền kinh tế thế giới. Cho nên, dù các cuộc chạy đua trên thế giới là để tăng cường nhiên liệu thay thế, thì cũng phải đi tìm các nguồn nhiên liệu hóa thạch mới, kể cả những nguồn không quen thuộc như cát dầu. Và chúng ta phải nỗ lực nhiều hơn nữa để làm cho nhiên liệu hóa thạch sạch hơn, bằng cách giảm khí CO2 thải ra trong quá trình sản xuất và sử dụng chúng.
 Không có gì là dễ dàng, hay giá rẻ cả. Các điều chỉnh của ngành công nghiệp và của chính phủ phải thay đổi trên quy mô lớn và với một tiến độ chưa từng thấy. Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế, tới năm 2030, chỉ riêng năng lượng tái tạo sẽ cần phải đầu tư 5,5 nghìn tỷ USD. Đó cũng giống như việc mua hơn 18.000 máy bay phản lực khổng lồ Boeing 747 với giá 300 triệu USD mỗi chiếc (chỉ có khoảng 14.000 chiếc đã được chế tạo kể từ khi nó ra đời vào năm 1970). Hàng tỷ USD nữa phải đầu tư vào nâng cấp mạng lưới truyền tải điện để giải quyết nhu cầu gia tăng và nguồn điện chập chờn do năng lượng gió và mặt trời phát ra.

Phần lớn khoản tiền này là từ các công ty tư nhân, nhưng các chính phủ cần phải tiếp tục sử dụng các khoản tín dụng thuế và các ưu đãi khác để khuyến khích sự phát triển của năng lượng tái tạo. Chúng vẫn còn tương đối nhỏ so với tổng nhu cầu năng lượng của thế giới. Kể cả thuỷ điện thì năng lượng tái tạo mới chiếm khoảng 7% năng lượng toàn cầu. Hiện nay điện gió cung cấp khoảng 1%, từ gần 70.000 tuabin. Nhiên liệu sinh học, được trợ cấp một phần từ hàng tỷ đô la của chính phủ, hiện nay cũng cung cấp khoảng 1%.

Từ các kinh nghiệm xã hội đối với điện hạt nhân và các công nghệ khác thì có thể phán đoán các nguồn năng lượng mới sẽ mất ít nhất 25 năm để đạt tới quy mô lớn. Để làm rõ các thách thức, với trường hợp của năng lượng gió thì thế giới sẽ cần có thêm 1 đến 1,5 triệu tuabin chiếm diện tích gần bằng diện tích của nước Pháp để đạt được 10% sản lượng điện phát ra vào năm 2030. Điều đó có nghĩa là phải tăng sản lượng tuabin trên toàn thế giới hiện nay từ khoảng 15.000 chiếc/năm tới gần 100.000 chiếc/năm vào năm 2030.

Các công ty năng lượng đã chuẩn bị sẵn sàng cho tương lai, tăng sản lượng khí tự nhiên, nhiên liệu hóa thạch sạch, đầu tư vào năng lượng tái tạo, như là nhiên liệu sinh học bền vững, và nghiên cứu các cách để thu giữ CO2 một cách an toàn dưới lòng đất. Bởi thách thức lớn nên chính phủ phải thể hiện vai trò của mình trong việc khuyến khích sự chuyển dịch của xã hội tới một hệ thống năng lượng mới. Ví dụ, các công nghệ mới có nhiều hứa hẹn làm giảm lượng khí thải CO2 sẽ yêu cầu chính phủ hỗ trợ ban đầu để nhanh chóng đạt được quy mô cần thiết có tác động thực sự.

Một bước đi quan trọng là phải định giá lượng phát thải khí nhà kính bằng tiền – phải thực hiện đối với tất cả các quốc gia hàng đầu thế giới chứ không chỉ đơn thuần là một vài nước. Tôi thích một hệ thống hạn chế sự phát thải và cho phép các công ty buôn bán giới hạn phát thải của mình, như là Châu Âu đã làm. Hệ thống buôn bán chứng chỉ phát thải nên khuyến khích một mức giá khí thải CO2 tương đối ổn định, sẽ có ảnh hưởng mạnh nhất tới hành vi những người sử dụng năng lượng và tới việc thiết kế để sử dụng hiệu quả năng lượng cho các nhà máy, nhà ở và văn phòng. Đó cũng sẽ là cách khai thác sự khéo léo trong kinh doanh và các kênh đầu tư để giảm phát thải một cách hiệu quả nhất.

Tuy chính sách năng lượng có thể thúc đẩy công nghệ, nhưng cuối cùng thì nó có thể làm tăng các chi phí và về mặt chính trị thì không được nhiều người ưa thích. Khi các nhà lãnh đạo chính trị và xã hội đối mặt với các lựa chọn khó khăn, họ nên nhớ rằng nếu không hành động ngay bây giờ có thể sẽ buộc chúng ta phải đưa ra những lựa chọn khó khăn hơn trong tương lai.

Tác động tới hành vi của người tiêu dùng có thể được chứng minh là khó khăn nhất trong tất cả các yếu tố. Dù công nghệ sẽ mang tới các lựa chọn năng lượng lớn hơn cho xã hội, thì cũng chưa dám chắc rằng người dân có quyết tâm để trở thành người sử dụng năng lượng tốt hơn không.


 
Nguồn năng lượng tái tạo

Bất chấp những rào cản lớn, nỗ lực tạo ra một hệ thống năng lượng mới sẽ giúp ích chúng ta về mọi mặt. Nó sẽ làm giảm nhanh chóng sự phát thải khí nhà kính – chịu trách nhiệm về sự nóng lên toàn cầu; Sẽ cung cấp các cơ hội kinh doanh mới cho các công ty và nhà doanh nghiệp; Tạo ra các công việc được trả lương cao trong một ngành công nghiệp thịnh vượng mới. Cạnh tranh giữa các nguồn năng lượng sẽ tạo ra các cải tiến, giữ năng lượng ở mức giá có thể chấp nhận được và tăng cường an ninh năng lượng toàn cầu. Cuộc đua đã bắt đầu.

Theo: QLNĐ số 12/2009