Các đại biểu Việt Nam tham dự Triển lãm Công nghiệp pin và lưu trữ năng lượng thế giới lần thứ II.
Triển lãm Công nghiệp pin và lưu trữ năng lượng thế giới lần thứ II (WBE 2024) diễn ra tại khu A, Tổ hợp Hội chợ xuất nhập khẩu Trung Quốc, Quảng Châu, Trung Quốc.
Bà Nguyễn Thị Giáng Hương, Chánh văn phòng kiêm Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học của Hiệp hội Năng lượng Sạch Việt Nam (VCEA) đã có bài tham luận với chủ đề “Pin lưu trữ - năng lượng xanh cho tương lai”. Trong bài tham luận, bà Nguyễn Thị Giáng Hương đã thông tin về: hiệu quả của công nghệ pin lưu trữ năng lượng, hiện trạng và tiềm năng phát triển hệ thống pin lưu trữ năng lượng tại Việt Nam, một số khuyến nghị. Đặc biệt, bà đề xuất nhiều nội dung hợp tác xúc tiến thương mại giao thương giữa các doanh nghiệp của Hiệp hội Năng lượng Sạch Việt Nam với các hiệp hội, doanh nghiệp của Trung Quốc.
Cụ thể, đến cuối 2022, tổng công suất lắp đặt điện mặt trời và gió của Việt Nam đạt khoảng 20,1 GW. Nhưng việc tận dụng hoàn toàn công suất từ những nguồn năng lượng sạch này vẫn khó do hạn chế trong mạng lưới truyền tải và phân phối điện. Nguồn năng lượng tái tạo phân bổ không đều, tập trung ở khu vực miền Trung và miền Nam nên dù chiếm gần 27% công suất đặt toàn hệ thống và cung ứng khoảng 15% nguồn huy động, điện tại miền Bắc vẫn thiếu trong một số thời điểm của mùa hè.
Trong bối cảnh đó, hệ thống lưu trữ năng lượng pin (BESS) được xem là "đòn bẩy quan trọng" trong việc kết hợp nguồn năng lượng tái tạo vào lưới điện, đảm bảo tính an toàn và tin cậy. Việc phát triển điện năng lượng tái tạo có hệ thống lưu trữ là cơ sở quan trọng để sớm điều chỉnh cơ cấu các nguồn điện, giảm nguồn điện sử dụng năng lượng hóa thạch, giảm phát thải khí nhà kính theo các cam kết tại Hội nghị COP26.
Định hướng phát triển hệ thống lưu trữ năng lượng được khẳng định trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII) và các cơ chế, chính sách quan trọng về năng lượng của Việt Nam. Trong Quy hoạch điện VIII, Chính phủ đặt mục tiêu hệ thống pin dự trữ đến năm 2030 dự kiến đạt công suất khoảng 300 MW, chiếm 0,2% cơ cấu nguồn điện. Giải pháp này sẽ được phát triển khi có giá thành hợp lý, bố trí phân tán gần các trung tâm nguồn điện gió, điện mặt trời hoặc các trung tâm phụ tải.
Dù đang trong quá trình hoàn thiện để trình Chính phủ phê duyệt nhưng trong quá trình thảo luận, xây dựng cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu, lãnh đạo Chính phủ đã đề nghị cơ quan soạn thảo chính sách tính toán cơ chế giá mua bán điện từ hệ thống lưu trữ. Theo đó, Bộ Công Thương nghiên cứu bổ sung thêm các chính sách ưu đãi đối với trường hợp đầu tư điện mặt trời mái nhà để sử dụng có lắp đặt hệ thống lưu trữ điện năng thì có tính chất như nguồn điện nền nên không giới hạn, có thể mua 100% công suất điện dư và có phương án hỗ trợ về giá, thuế, lãi suất, chi phí lắp đặt… Như vậy, Việt Nam là thị trường tiềm năng trong phát triển công nghệ pin và lưu trữ năng lượng.
Bà Nguyễn Thị Giáng Hương phát biểu tại sự kiện.
Bà Nguyễn Thị Giáng Hương cho biết thêm, thời gian qua, Hiệp hội Năng lượng Sạch Việt Nam đã kết nối các doanh nghiệp ngành năng lượng sạch của nhiều quốc gia, trong đó có các doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư, giao thương tại Việt Nam thông qua một số sự kiện như: Hội nghị trực tuyến có chủ đề “Khu công nghệ cao Zhongkai thúc đẩy các doanh nghiệp ngành năng lượng sạch phát triển cơ hội đầu tư và giao thương hiệu quả với Việt Nam” cùng hơn 200 doanh nghiệp ở thành phố Huệ Châu, Quảng Đông, Trung Quốc; Hội nghị xúc tiến thương mại Vô Tích - Việt Nam giữa: Phòng Xúc tiến thương mại Vô Tích, Hiệp hội Năng lượng Sạch thành phố Vô Tích, Hiệp hội Năng lượng Sạch Việt Nam… Trong thời gian tới, Hiệp hội Năng lượng Sạch Việt Nam sẵn sàng tạo cầu nối hỗ trợ các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có các doanh nghiệp Trung Quốc tìm hiểu đầu tư vào ngành năng lượng sạch tại Việt Nam về lĩnh vực pin và lưu trữ năng lượng.