Việc trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều nguồn năng lượng tái tạo sẽ tạo ra nhiều thách thức trong công tác điều độ vận hành lưới điện
Trong đó, trên lưới điện 110kV có 80MWp công suất điện mặt trời, 28,8MW công suất điện gió; và trên lưới điện trung, hạ áp đã có hơn 200MWp công suất điện mặt trời được đưa vào vận hành. Do đó sẽ tạo ra thách thức trong vận hành lưới điện phân phối.
Mặc dù việc đưa vào vận hành các nguồn NLTT nói chung và điện mặt trời, điện gió nói riêng phải tuân thủ một số quy định nghiêm ngặt về kỹ thuật, tính toán để không gây quá tải lưới điện. Tuy nhiên, với đặc điểm công suất phát hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn năng lượng sơ cấp mang tính bất định, khó dự báo thì công tác vận hành lưới điện hiện nay và trong thời gian sắp đến thực sự là một thách thức rất lớn.
Đối với lưới điện 110kV khu vực tỉnh Đắk Lắk cũng như các tỉnh Tây Nguyên nói chung, do trước đây có rất nhiều Nhà máy Thủy điện đã vận hành nên trong thời gian gần đây, khi các nguồn từ điện mặt trời, điện gió đồng loạt đi vào vận hành thì hầu hết đã mang tải ở mức cao. Trong đó, một số đường dây 110kV liên tỉnh giữa Đắk Lắk- Gia Lai, giữa Đắk Lắk – Đắk Nông một số thời điểm đã vận hành với mức mang tải 100% công suất cho phép. Do đó, khi vận hành đường dây 110kV, đặc biệt là trong trường hợp theo sơ đồ kết dây không cơ bản sẽ gặp một phải trở ngại lớn.
Theo Công ty Điện lực Đắk Lắk (PC Đắk Lắk) khi phải ngừng vận hành, cắt điện một đường dây bất kỳ trong khu vực thì đơn vị quản lý vận hành phải tính toán lại biểu đồ, huy động công suất toàn bộ các Nhà máy điện trong khu vực để tránh quá tải lưới điện. Việc này đối với các Nhà máy Thủy điện thì thực hiện tương đối thuận lợi nhưng đối với các Nhà máy điện mặt trời, điện gió lại rất khó khăn.
Lý giải nguyên nhân trên, PC Đắk Lắk cho rằng do các công trình này hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn năng lượng sơ cấp và không dự báo chính xác trước được. Ngoài ra, do lưới điện thường xuyên vận hành mang tải ở mức cao nên khi xảy ra sự cố trên một phần tử (đường dây, nhà máy điện) thì nguy cơ gây mất ổn định lưới điện, mất điện trên diện rộng là rất lớn.
Đối với lưới điện trung, hạ áp thì việc đưa các nguồn điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) vào vận hành phân tán, rải đều trên tất cả các khu vực và ở mức công suất phù hợp (tương đương với phụ tải) thì rất thuận lợi trong công tác vận hành. Tuy nhiên, khi các dự án ĐMTMN phát triển nhiều, công suất lớn hơn phụ tải tiêu thụ thì các xuất tuyến trung áp sẽ phát ngược công suất lên lưới điện 110kV. Lúc đó, mỗi xuất tuyến này sẽ trở thành một “nhà máy điện”.
Như vậy, gần 80 xuất tuyến trung áp trên lưới điện thì Đắk Lắk sẽ tương ứng với 80 “nhà máy điện” được đưa vào vận hành với tổng công suất đến cuối năm 2020 dự kiến đạt khoảng 500MW. Đây thực sự sẽ là một thách thức không nhỏ trong công tác điều độ, vận hành lưới điện. Trước hết, công tác tính toán phương thức vận hành trên lưới điện sẽ rất khó khăn do tính không ổn định, phụ thuộc hoàn toàn vào “ông trời” của các nguồn ĐMTMN.
Bên cạnh đó, nguy cơ quá tải cục bộ đường dây, máy biến áp khi có sự thay đổi sơ đồ kết dây do sự cố hoặc cắt điện công tác làm thay đổi phân bố công suất trên lưới điện… rất lớn. Ngoài ra, hiện nay tại cấp điều độ phân phối chưa có công cụ dự báo, truy xuất số liệu theo thời gian thực và điều chỉnh công suất đối với các nguồn ĐMTMN nên cũng gây rất nhiều khó khăn trong công tác vận hành lưới điện.
Để đảm bảo vận hành an toàn lưới điện trước các thách thức như trên, ngành điện phải chủ động chuẩn bị các điều kiện về lưới điện cũng như tính toán các giải pháp trong điều độ - vận hành lưới điện. Mặt khác, các chủ đầu tư cần tuân thủ các tiêu chuẩn, quy định trong việc lựa chọn thiết bị các công trình NLTT và phối hợp chặt chẽ với ngành điện trong việc thoả thuận kỹ thuật, thử nghiệm hoặc nghiệm thu trước khi đóng điện vận hành.
Link gốc