Công trình ĐMTMN tại chợ Trung tâm Thành phố Buôn Ma Thuột – một trong những công trình đầu tiên được triển khai xây dựng tại Đắk Lắk
Đây có thể xem là thời điểm vàng trong đầu tư khi các công trình đang được hỗ trợ nhiều mặt trong quá trình thi công cũng như được ưu đãi về giá bán.
Theo tài liệu khảo sát về bức xạ mặt trời và bản đồ tiềm năng năng lượng mặt trời của Cơ quan Năng lượng Việt Nam, Cơ quan Hợp tác phát triển Tây Ban Nha (AECID), bức xạ trung bình của tỉnh Đắk Lắk đạt khoảng 95 GWh/năm, khoảng 5 kWh/m2/ngày. Tại Đắk Lắk, số lượng và công suất của các công trình được đầu tư thời gian gần đây ngày càng tăng cao. Có thể nói, chưa khi nào ĐMTMN được quan tâm như thời điểm năm 2019. Nếu trong năm 2018, chỉ có 08 công trình được xây dựng, đấu nối thì đến nay con số đó đã vượt lên vài chục lần. Tính đến tháng 10/2019, PC Đắk Lắk có 328 khách hàng lắp đặt ĐMTMN với tổng công suất đặt gần 18.700 kWp, sản lượng phát lên lưới là 5,4 triệu kWh.
Để khuyến khích sự phát triển của ĐMTMN, Bộ Công thương đang trình Chính phủ tiếp tục áp dụng giá ưu đãi cho các công trình này với mức giá 9,35 cent/kWh cho đến hết năm 2021. Cùng với đó, trong thời gian qua, nắm bắt nhu cầu của thị trường, nhiều đơn vị cung cấp vật tư, thiết bị để xây dựng các công trình ĐMTMN xuất hiện với mức giá cạnh tranh, chế độ hậu mãi tốt. Điều này tạo điều kiện cho khách hàng có nhiều lựa chọn để tìm ra các sản phẩm có chất lượng tốt, giá cả hợp lý nhằm tiết kiệm chi phí trong quá trình thực hiện. Hiện tại, tùy vào kết cấu của mái nhà và thiết bị, suất đầu tư để xây dựng giao động từ 14 đến 20 triệu đồng cho 01 kWp công suất lắp đặt ĐMTMN.
Ông Nguyễn Thanh Nam – 72 Hùng Vương, TP. Buôn Ma Thuột cho biết: “Gia đình tôi có một phòng khám riêng tại nhà cùng dãy nhà trọ với 09 căn nên tiêu thụ khá nhiều điện. Sau khi tìm hiểu, để tiết kiệm chi phí sinh hoạt, từ tháng 12/2018, tôi đã quyết định lắp ĐMTMN để sử dụng. Số vốn đầu tư cho công trình khoảng hơn 60 triệu đồng cho 3 kWp với 6 tấm pin lắp trên mái nhà. Qua thời gian sử dụng, tiền điện hằng tháng của gia đình phải trả đã giảm khoảng 50%, chỉ còn khoảng hơn 900 ngàn đồng một tháng. Mặc dù chưa đáp ứng được hoàn toàn nhu cầu sử dụng nhưng tôi cảm thấy số tiền bỏ ra rất xứng đáng và hiệu quả”.
Thời gian qua, PC Đắk Lắk luôn tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho nhà đầu tư. Theo đó, các tổ chức, hộ gia đình khi thực hiện các công trình ĐMTMN đều được đơn vị hướng dẫn cụ thể về thủ tục thoả thuận điểm đấu nối, nghiệm thu đưa vào vận hành, lắp đặt hệ thống đo đếm. Đồng thời, theo quy định, hằng tháng, hai bên xác nhận chỉ số điện năng, sản lượng điện phát dư trên lưới và ngành điện chi trả cho khách hàng theo hình thức chuyển khoản. Hiện tại, các khách hàng đã đóng điện và ký hợp đồng mua bán điện với ngành điện, có sản lượng điện phát lên lưới trên địa bàn đã được PC Đắk Lắk thanh toán đầy đủ với tổng số tiền hơn 11 tỷ đồng.
Với cơ chế khuyến khích như hiện tại, ngoài các khách hàng lắp đặt ĐMTMN phục vụ sinh hoạt, kinh doanh thì cũng có nhiều tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng các công trình để sản xuất điện, bán cho ngành điện. Ông Ngô Văn Lâm – Thôn 5, xã Bình Hòa, huyện Krông Ana chia sẻ: “Trong tháng 6/2019, tôi đã đầu tư hơn 400 triệu đồng mua vật tư, thiết bị để xây dựng công trình ĐMTMN tại nhà, với công suất 31 kWp. Việc thi công tương đối nhanh gọn, chỉ trong vòng 1 tuần đã được đóng điện thương mại. Qua theo dõi trên chương trình, hiệu suất phát điện là 4,7 giờ mỗi ngày, với sản lượng 145 kWh/ ngày, tương ứng với số tiền trước thuế 309 ngàn đồng. Theo tính toán, khoảng từ 4 đến 5 năm, tôi có thể thu hồi lại vốn và bắt đầu có lời từ sản lượng điện phát lên lưới”.
Với sự phát triển rầm rộ như hiện nay, ngoài việc tuyên truyền, vận động khách hàng lắp đặt, PC Đắk Lắk cũng chú trọng đến công tác kiểm tra, đánh giá chất lượng kỹ thuật cũng như an toàn điện cho các công trình ĐMTMN trước khi đi vào vận hành. Mặt khác, để phát triển bền vững, đơn vị cũng quan tâm nhiều đến vấn đề giải tỏa công suất khi mật độ các công trình ĐMTMN tại các khu vực có bức xạ cao đang phát triển mạnh. Trên thực tế, nếu khách hàng tập trung theo từng cụm có công suất từ 5 đến 10 MWp, khi đấu nối vào lưới điện sẽ làm tăng tổn thất điện năng trên tuyến đường dây trung áp, gây khó khăn cho ngành điện trong công tác quản lý vận hành.
Trong thời gian tới, PC Đắk Lắk đang đề xuất lên cấp trên, xin chủ trương về việc đấu nối sao cho đảm bảo lợi ích hài hòa giữa bên bán và bên mua. Điều này cũng góp phần giúp việc phát triển ĐMTMN theo quy hoạch, không gây mất ổn định điện áp tại một số khu vực tập trung nhiều công trình.