Trang bị hệ thống điện mặt trời cho ao nuôi tôm.
Tuy nhiên, theo đánh giá của cơ quan chức năng, đến năm 2020, mức tiêu thụ điện để phục vụ nuôi tôm trên diện tích hơn 651.000ha ở 10 tỉnh phía Nam, từ Ninh Thuận đến Cà Mau, sẽ tăng cao, có nguy cơ quá tải lưới điện. Trước thực trạng này, một hướng mới đã được mở ra với nhiều hứa hẹn, đó là nhiều địa phương đang dần chuyển sang sử dụng năng lượng mặt trời trong nuôi tôm.
Nguy cơ thiếu điện
Số liệu thống kê từ Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) cho thấy, năm 2017, tổng diện tích nuôi tôm của 10 tỉnh phía Nam, bao gồm Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang, Trà Vinh, Bến Tre, Tiền Giang, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu, Ninh Thuận, là gần 429.000ha, sử dụng gần 12 tỷ kWh điện.
Lượng điện này tăng đều hằng năm, cụ thể: Năm 2018 tăng 11,6% so với năm trước; năm 2019 dự kiến tăng tiếp 11,5%. Dự báo, đến năm 2020, diện tích nuôi tôm sẽ tăng hơn 651.200ha, kéo theo lượng điện tiêu thụ sẽ tăng khoảng 30% so với năm 2017.
Ông Nguyễn Phước Đức, Phó Tổng Giám đốc EVNSPC cho biết, thời gian qua, tổng công ty đã nỗ lực cấp điện phục vụ nhu cầu nuôi trồng thủy sản khu vực phía Nam. Tuy nhiên, việc cấp điện cho nuôi tôm vẫn gặp một số khó khăn do thời vụ thả tôm đồng loạt làm cho phụ tải tăng đột biến khiến quá tải cục bộ; đa số hộ nuôi tôm sử dụng điện thắp sáng để chạy động cơ kéo quạt nước cung cấp ôxy cho tôm, dẫn đến quá tải lưới điện khu vực...
Tại Bạc Liêu - một trong những địa phương thuộc vùng trọng điểm nuôi tôm - nhiều nơi vẫn xảy ra tình trạng thiếu điện. Các hộ dân phải thường xuyên túc trực canh mất điện để chạy máy phát. Ông Trần Đình Của (xã Vĩnh Trạch Đông, thành phố Bạc Liêu) lo ngại: Tôi nuôi tôm công nghệ cao, mật độ thả tôm dày nên phải liên tục chạy máy sục ôxy. Chỉ cần cúp điện một giờ là tôm sẽ chết.
Đầu tư điện cho nuôi tôm rất tốn kém. Đơn cử như ở Long An, năm 2018, ngành Điện lực đã đầu tư hơn 13 tỷ đồng làm mới và cải tạo các đường dây trung, hạ áp, xây hệ thống trạm biến áp phục vụ nuôi tôm công nghiệp tại các xã Long Hựu Đông, Long Hựu Tây và Tân Chánh (huyện Cần Đước)... Tiền điện chiếm chi phí lớn trong khi giá bán tôm bấp bênh khiến người nuôi tôm có nhiều lo lắng...
Mở ra hướng mới
Ông Nguyễn Văn Lý, Phó Tổng Giám đốc EVNSPC thông tin: Đơn vị đã đề xuất nghiên cứu và triển khai hệ thống điện năng lượng mặt trời trong nuôi tôm, nhất là với các tỉnh: Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng - vùng nuôi tôm công nghiệp lớn nhất nước.
Theo ông Nguyễn Văn Lý, điện mặt trời đáp ứng nhu cầu điện năng cho hệ thống tải tiêu thụ tại chỗ; tiết kiệm đáng kể chi phí vận hành, tiết giảm lượng điện sử dụng từ lưới điện. Lượng điện dư thừa truyền lên lưới điện quốc gia để bán lại cho Nhà nước...
Hệ thống thiết bị dùng điện mặt trời chạy máy sục ôxy nuôi tôm gồm 2 loại chính: Pin năng lượng mặt trời tạo điện chạy mô tơ quạt nước bề mặt ao và điện mặt trời chạy hệ thống sục ôxy đáy ao. Với quạt nước bề mặt, tấm pin được lắp ngay trên phao nổi, hấp thụ nhiệt sinh điện chạy máy. Với hệ thống sục khí đáy ao, điện mặt trời được nạp vào bình ắc quy, chạy máy thổi khí ôxy xuống đáy ao qua các ống dẫn khí, phân tán lượng ôxy trong môi trường nước.
Với phương án này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Vương Phương Nam cho biết, địa phương đặc biệt chú trọng phát triển và sử dụng năng lượng tái tạo. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 12 công ty, 2 đơn vị sự nghiệp, 318 hộ dân đang thực hiện mô hình nuôi tôm siêu thâm canh, cùng nhiều mô hình nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh. Nhiều trang trại đã thử nghiệm dùng năng lượng tái tạo nuôi tôm.
Về phía EVNSPC, tổng công ty đã có văn bản giao cho các đơn vị trực thuộc nghiên cứu và đề xuất triển khai sử dụng nguồn năng lượng mặt trời để cấp điện cho nuôi tôm. Cụ thể, tổng công ty đã triển khai đề án “Hỗ trợ tiết kiệm điện cho các hộ nuôi tôm tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và một số tỉnh Nam Bộ giai đoạn 2016-2018” với những giải pháp mang lại giá trị tiết kiệm hàng tỷ đồng/năm cho các hộ nuôi tôm ở Sóc Trăng.
Giai đoạn 2018-2019, EVNSPC tiếp tục triển khai thí điểm giải pháp mới "thay động cơ điện hiệu suất cao, kết hợp bộ điều tốc với thay con lăn và chỉnh đồng trục dàn quạt với trục động cơ" đối với các hộ nuôi tôm tại tỉnh Sóc Trăng, Cà Mau, Bạc Liêu.
Là một trong những hộ nuôi tôm ứng dụng hệ thống bơm khí bằng năng lượng mặt trời kết hợp chạy quạt nước, ông Võ Hồng Ngoãn (ở xã Vĩnh Trạch Đông, thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu) cho biết, trang trại của ông đang nuôi tôm trên diện tích 5ha, kết hợp cả công nghệ mới lẫn phương pháp nuôi thông thường. Theo ông Ngoãn, tôm nuôi sục khí từ máy chạy bằng năng lượng mặt trời phát triển tốt, giảm chi phí điện, tăng lãi suất cho người nuôi.
Còn tại Cà Mau, mô hình nuôi tôm công nghiệp của ông Ngô Văn Tuấn (ấp Tân Long, xã Tân Duyệt, huyện Đầm Dơi) cũng được chọn làm điểm thử nghiệm ứng dụng công nghệ năng lượng mặt trời. “Tại ao nuôi sử dụng năng lượng mặt trời, tôm sinh trưởng tốt, không bị bệnh đốm trắng như những ao nuôi thông thường”, ông Tuấn cho biết.
Tiến sĩ Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam khẳng định: “Sử dụng điện năng lượng mặt trời trong nuôi tôm đem lại nhiều lợi ích thiết thực. Đó là đáp ứng nhu cầu điện năng một phần cho hệ thống tải tiêu thụ; giảm nhiệt độ cho ao nuôi tôm; tiết kiệm chi phí vận hành, tăng tính ổn định”.