Tin trong nước

Đảm bảo an toàn hành lang lưới điện mùa mưa bão

Thứ tư, 22/5/2024 | 10:08 GMT+7
Bảo vệ hành lang an toàn lưới điện (HLATLĐ) không chỉ là nhiệm vụ quan trọng của riêng ngành Điện mà còn là trách nhiệm chung của các địa phương và mỗi người dân, nhất là trước mùa mưa bão đang cận kề.

Nhân viên Công ty Điện lực Vĩnh Phúc kiểm tra, rà soát, kịp thời phát hiện các khiếm khuyết có nguy cơ gây ra sự cố lưới điện để thay thế, sửa chữa trước mùa mưa bão. Ảnh: Nguyễn Lượng

Qua đó không chỉ góp phần giảm thiểu tai nạn đáng tiếc, bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân mà còn giúp vận hành lưới điện liên tục, phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và nhu cầu sinh hoạt của người dân trên địa bàn tỉnh.

HLATLĐ được xem là khoảng cách an toàn để bảo vệ công trình lưới điện, công trình dân dụng cũng như tính mạng của người dân. Tuy nhiên, thời gian qua, tình trạng vi phạm HLATLĐ vẫn liên tục xảy ra tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh.

Theo báo cáo của Công ty Điện lực Vĩnh Phúc, năm 2023, trên địa bàn tỉnh có nhiều trường hợp vi phạm hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp và đã xảy ra 1 vụ tai nạn điện làm chết 1 người, nguyên nhân do vi phạm khoảng cách an toàn điện khi thi công trong hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp.

Để giảm thiểu số vụ tai nạn điện và vi phạm HLATLĐ, Công ty Điện lực Vĩnh Phúc đã chỉ đạo các phòng, đơn vị trực thuộc tăng cường rà soát, kịp thời phát hiện các trường hợp vi phạm hành lang bảo vệ an toàn lưới điện để có biện pháp xử lý, ngăn chặn theo quy định; tổ chức các đợt ra quân phát quang hành lang tuyến.

Đồng thời thực hiện thỏa thuận khi xây dựng công trình trong hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không theo đúng quy định; theo dõi, giám sát chặt chẽ chủ đầu tư, đơn vị thi công trong việc thực hiện thỏa thuận.

Tăng cường tuyên truyền về an toàn điện, hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp trên các phương tiện thông tin đại chúng, gửi tin nhắn chăm sóc khách hàng của ngành Điện, kết hợp tuyên truyền miệng với trực quan bằng hình ảnh trên các tờ rơi... nhằm nâng cao nhận thức toàn dân về đảm bảo HLATLĐ.

Năm 2023, công ty đã tiến hành 1.350 cuộc kiểm tra (bao gồm kiểm tra theo kế hoạch và kiểm tra đột xuất) bảo vệ an toàn công trình lưới điện về việc xây dựng công trình, san gạt mặt bằng nằm trong hành lang lưới điện; việc canh tác trồng cây trong, ngoài hành lang lưới điện... Qua kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý 9 trường hợp có hành vi vi phạm công trình điện.

Nguyên nhân dẫn đến vi phạm HLATLĐ có nhiều nhưng chủ yếu là do người dân chưa hiểu rõ về các quy định HLATLĐ dẫn đến có các hành vi vi phạm như trồng cây trong và sát hành lang công trình lưới điện; làm chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm dưới gầm đường dây hoặc chân cột điện; xây dựng, sửa chữa nhà sát đường dây dẫn đến vi phạm khoảng cách...

Sau khi phát hiện các hành vi vi phạm của người dân, các đoàn kiểm tra lập biên bản mời chính quyền địa phương sở tại chứng kiến, yêu cầu người dân tháo dỡ, di chuyển ra khỏi HLATLĐ, đảm bảo tuyệt đối an toàn cho người và thiết bị lưới điện; đồng thời, thực hiện tuyên truyền rộng rãi các quy định an toàn về điện của Nhà nước và ngành Điện đến người dân để nắm bắt thực hiện, không để tái diễn lại hành vi vi phạm.

Mặc dù vậy, đến nay, nhiều vụ việc vi phạm HLATLĐ vẫn diễn ra với tính chất và mức độ khác nhau.

Điển hình là mới đây, để đảm bảo an toàn vận hành lưới điện, đảm bảo tính mạng con người, đảm bảo an toàn thi công dự án, Điện lực Lập Thạch đã có văn bản thông báo gửi Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh về việc mất an toàn khi thi công làm đường gần và trong HLATLĐ cao áp khi triển khai dự án đường Tây Thiên - Tam Sơn, đoạn từ Tây Thiên đến cầu Hợp Lý và đoạn từ quốc lộ 2C đến hồ Vân Trục.

Đơn vị đề nghị Ban thực hiện ngay việc dịch chuyển đường dây để phục vụ làm đường giao thông và triển khai đầy đủ các biện pháp đảm bảo an toàn về điện trong quá trình triển khai dự án. Bởi, không dịch chuyển đường dây khi có mưa nhiều, nền đất sạt trượt sẽ gây sự cố lưới điện, mất an toàn cho người, thiết bị và sẽ phải ngừng cung cấp điện cho các xã Bắc Bình, Hợp Lý (Lập Thạch) và xã Yên Dương (Tam Đảo).

Theo dự báo, thời tiết năm 2024 sẽ có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường với nhiều đợt nắng nóng, mưa bão, dông lốc; phụ tải điện tăng cao gây khó khăn trong công tác cung ứng điện.

Để chủ động ứng phó các tình huống thiên tai, giảm thiểu thiệt hại gây ra, đảm bảo an toàn hệ thống cung cấp điện, Sở Công thương đã có văn bản yêu cầu các đơn vị truyền tải, phân phối và bán lẻ điện, các chủ đầu tư công trình điện trên địa bàn tỉnh xây dựng phương án cấp điện đảm bảo an toàn, ổn định, đúng chất lượng, giảm thiểu tối đa thiệt hại khi xảy ra sự cố lưới điện do thiên tai, mưa bão và phục vụ tốt công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

Tăng cường kiểm tra công trình điện thuộc thẩm quyền quản lý, phát hiện kịp thời các hư hỏng, khiếm khuyết có nguy cơ gây sự cố hệ thống điện để xử lý kịp thời.

Phối hợp với chính quyền địa phương và nhân dân để thực hiện triệt để việc phát cây, tỉa cành đối với cây xanh (trong và ngoài hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp) có nguy cơ tác động vào lưới điện; tuyên truyền và kiên quyết ngăn chặn hành vi thả diều trong khu vực có đường dây điện trên không, có nguy cơ xảy ra mất an toàn về con người và sự cố lưới điện; hướng dẫn khách hàng sử dụng điện kiểm tra, rà soát, kịp thời gia cố, nâng cấp đường dây điện sau công tơ, tránh sự cố mất an toàn điện khi xảy ra mưa bão...

Bên cạnh nỗ lực của ngành Điện, để hạn chế, giảm thiểu tối đa các vụ vi phạm HLATLĐ, nhất là mùa mưa bão đang đến gần, rất cần sự chung tay, phối hợp của các cấp chính quyền địa phương, các đơn vị thi công, nhà thầu xây dựng, đặc biệt là sự đồng hành của các tầng lớp nhân dân thực hiện nghiêm các quy định về bảo vệ HLATLĐ. Qua đó, góp phần đảm bảo vận hành lưới điện an toàn, liên tục và ổn định phục vụ sản xuất, sinh hoạt của người dân hiệu quả.

Link gốc

 

Theo: Báo Vĩnh Phúc