Dân Đồng Tháp “mê” điện mặt trời áp mái

Thứ năm, 28/11/2019 | 14:27 GMT+7
Đồng Tháp là một trong những địa phương đứng đầu về phát triển điện mặt trời áp mái tại khu vực phía Nam. 
dan dong thap me dien mat troi ap mai
Đồng Tháp là một trong những địa phương phía Nam đứng đầu về phát triển điện mặt trời áp mái

Không chỉ các doanh nghiệp (DN), nhiều hộ dân ở vùng sâu, vùng xa cũng chọn điện mặt trời áp mái để tiết kiệm tiền điện và sinh lợi từ nguồn điện dư nối lên lưới.

Ông Phạm Hữu Khải - Giám đốc Công ty Điện lực Đồng Tháp (PC Đồng Tháp) - cho biết, tại Đồng Tháp hiện đã có 144 xã, phường, thị trấn có điện lưới quốc gia, đạt tỷ lệ 100%. Trong 9 tháng đầu năm 2019, sản lượng điện thương phẩm đã đạt 1.885.387.962 kWh, tăng 13,64% so với cùng kỳ năm 2018. Ngoài sản lượng điện cung cấp cho khách hàng trên địa bàn, sản lượng điện bán sang Campuchia trong 9 tháng đầu năm 2019 qua điểm Cửa khẩu quốc tế Dinh Bà đạt 8.991.300 kWh, tăng 107,71% so với năm 2018; qua Cửa khẩu Thường Phước đạt 1.984.100 kWh, tăng 45,64% so với năm 2018.
 
“Nhu cầu sử dụng điện hiện nay ở Đồng Tháp là rất cao, nhất là khu vực sản xuất nghề thủ công, chế biến nông nghiệp, các khu công nghiệp, nuôi trồng thủy sản, vì vậy vấn đề tiết kiệm điện và tìm kiếm nguồn năng lượng thay thế là nhu cầu bức thiết của nhiều khách hàng hiện nay”, ông Khải nói thêm.
 
Ông Nguyễn Văn Lý - Phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) - cho hay, tính đến hết tháng 9/2019, tổng công suất điện mặt trời áp mái của 21 tỉnh thành miền Nam (từ Ninh Thuận đến Cà Mau) đã lắp đặt 134.465 kWp, đạt 141% so với kế hoạch cả năm. Hiện đã có 7.358 khách hàng lắp đặt công tơ 2 chiều bán điện dư cho ngành điện từ hệ thống năng lượng mặt trời áp mái. Sản lượng điện phát lên lưới là 24.943.181 kWh và EVNSPC đã thanh toán tiền điện mặt trời cho khách hàng với sản lượng thanh toán là 17.098.361 kWh, số tiền 38,56 tỷ đồng.
 
Riêng tại Đồng Tháp, tổng số khách hàng lắp đặt công tơ đo đếm 2 chiều là 443 khách hàng với tổng công suất là 4.773,87 kWp, trong đó có 248 khách hàng lắp đặt trước ngày 30/6/2019 (3.776,89 kWp) và 195 khách hàng lắp đặt sau ngày 30/6/2019 (468,48 kWp). Sản lượng điện khách hàng bán lại cho Điện lực tính đến tháng 9/2019 là 559.179 kWh và PC Đồng Tháp đã thanh toán cho khách hàng với tổng số tiền 888.654.579 đồng (trong đó, có 6 trường hợp chưa thanh toán được do khách hàng chưa xuất được hóa đơn và các khách hàng lắp đặt sau ngày 30/06/2019 do chưa có hướng dẫn về giá bán, hiện chỉ ghi nhận sản lượng mua-bán giữa hai bên).
 
Theo Phó giám đốc PC Đồng Tháp Đào Hữu Điền, thống kê đo được miền Nam nằm trong khu vực có bức xạ mặt trời mạnh, số giờ nắng trung bình là 6-8 giờ/ngày và liên tục trong suốt cả năm. Cường độ bức xạ mặt trời trung bình khá cao, đạt từ 4-4,5 kWh/ngày/kWp. Tại khu vực Đồng Tháp, số giờ nắng đạt từ 2.200-2.500 giờ/năm, vì thế việc khai thác nguồn điện năng lượng mặt trời rất thích hợp và đầy tiềm năng.
 
Thực hiện nhiệm vụ phát triển năng lượng mặt trời trên địa bàn, ông Điền cho biết, PC Đồng Tháp đã tổ chức nhiều hội thảo, hội nghị cho các sở, ngành, chính quyền địa phương, cộng đồng DN sản xuất, kinh doanh, dịch vụ khách sạn, các DN cung cấp thiết bị năng lượng mặt trời và truyền thông rộng lãi đến cộng đồng dân cư trên địa bàn. Nhờ đó, nhiều DN như siêu thị Coop.mart thị xã Hồng Ngự, Công ty CP Đầu tư và Phát triển IDI, Công ty TNHH Sao Mai Super Feed đã đầu tư hệ thống điện năng lượng mặt trời có công suất lớn.
 
Riêng PC Đồng Tháp đã lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời áp mái cho toàn bộ văn phòng làm việc với công suất 410 kWp. Tập đoàn Sao Mai (Cụm Công nghiệp Vàm Cống, huyện Lấp Vò) đã xây dựng Nhà máy Năng lượng mặt trời Sao Mai 1 với công suất 1,06 MW, góp phần làm giảm chi phí 20% điện năng tiêu thụ của Công ty IDI, thành viên của Tập đoàn Sao Mai phải chi trả hàng năm. Đặc biệt gần đây, nhiều cơ sở sản xuất nhỏ, hộ gia đình đã tham gia đăng ký lắp đặt thiết bị điện mặt trời áp mái như một kênh đầu tư mang lại hiệu qủa kinh tế cao.
 
Năm 2018, ông Nguyễn Văn Nương, ngụ tại phường 2, TP. Sa Đéc đầu tư 154 triệu đồng lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái để phục vụ cho cơ sở sản xuất bột. Hiện tại, hệ thống điện mặt trời áp mái đã giúp tiết kiệm hơn 1 triệu đồng/tháng, chưa tính số tiền bán điện dư cho ngành điện.
 
Ông Huỳnh Văn Mạnh, ngụ tại xã Tân Hòa, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp hiện đang dự định đầu tư khoảng 200 triệu đồng gắn thiết bị điện mặt trời áp mái. Theo ông Mạnh, việc đầu tư hệ thống năng lượng mặt trời theo thiết kế sẽ giúp cho gia đình tiết kiệm hàng chục triệu đồng mỗi tháng ngoài những lợi ích khác như thu thêm tiền điện dư bán cho lưới điện, giảm thiểu ô nhiễm môi trường…

Link gốc
Theo: Kinh tế Việt Nam