Tin thế giới

Dân Serbia nản lòng với điện mặt trời tại gia

Thứ năm, 8/9/2022 | 15:06 GMT+7
Chính phủ Serbia khuyến khích tư nhân tự sản xuất và tiêu thụ điện mặt trời tại nhà, nhưng sự hào hứng của người dân đã lụi tàn vì chi phí cao cùng thủ tục khó khăn.

Nguồn điện mặt trời ngay tại nhà - Ảnh: DW

 
“Nhà tiêu dùng” quang điện là một thuật ngữ để chỉ các hộ gia đình Serbia dùng các bảng pin mặt trời lắp trên mái nhà để tự sản xuất và tiêu thụ điện mặt trời. Theo lý thuyết thì nguồn điện phát từ "nhà tiêu dùng" mà vượt quá nhu cầu sử dụng của gia đình thì được hòa vào lưới điện quốc gia.
 
Công ty Điện lực Serbia (EPS) dùng các tín chỉ để “tiết kiệm” nguồn điện dư thừa, giúp người dân không phải trả tiền điện khi sử dụng điện lưới quốc gia và nhằm giữ ấm ngôi nhà mà không phải dùng đến khí đốt.
 
Các chính khách và các nhà khoa học Serbia đều đồng ý hệ thống này có tiềm năng đem lại nhiều lợi ích cho môi trường, giảm thiểu chi phí sinh hoạt của người dân, các doanh nghiệp và các lưới điện địa phương.
 
Nhưng các nhà tiêu dùng điện mặt trời đầu tiên ở Serbia lại thắc mắc tại sao việc sử dụng quang điện lại không phổ biến trên toàn quốc?
 
Giấc mơ trở thành hiện thực và những thủ tục "nhiêu khê"
 
Hồi cuối năm ngoái, sau khi để dành tiền và lên kế hoạch, cuối cùng thì 16 tấm pin mặt trời 460 watt đã được gắn vào mái ngôi nhà hai tầng của Dragana Maricic, một trong những "nhà tiêu dùng" điện quang đầu tiên ở Serbia.
 
Bà Dragana kể con trai Nenad từ lúc còn bé đã mơ có một “nhà máy điện mặt trời” ngay trong ngôi nhà ở thành phố Ruma, phía bắc Serbia. Và giấc mơ của Nenad - nay là một kỹ sư đã thành hiện thực khi gia đình đầu tư khoảng 7.000 euro vào dự án của gia đình. “Nhà máy điện mặt trời” tại ngôi nhà 4 người ở sản xuất khoảng 1.200 kw điện/tháng, tức nhiều hơn mức tiêu thụ trung bình mỗi tháng khoảng 500 kw.
 
Gia đình bà Dragana cũng tin rằng nguồn điện dư thừa “để dành được” bằng các tín chỉ sẽ được EPS trả lại vào mùa đông, khi họ dùng điện để sưởi ấm thay vì dùng khí đốt.
 
Tại Serbia, các hộ tư nhân chỉ mới tiếp cận mô hình "nhà tiêu dùng" trong năm 2022. Và với những thay đổi trong Luật Sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo, chính quyền Serbia tạo ra hệ thống tín chỉ kể trên nhằm khuyến khích thử vận may với quang điện. Nhưng hệ thống này có nhiều kẽ hở.
 
Nenad giải bày với báo Đức Deutsche Welle: “Họ tuyên bố có thể giải quyết thủ tục chỉ trong 3 bước nhưng không phải như vậy. Chúng tôi phải khai báo những... 100 trang giấy”.
 
Gia đình anh cũng mất nửa năm mới chạm tay được vào các hướng dẫn cách trở thành một "nhà tiêu dùng" quang điện. Bộ Năng lượng Serbia, EPS và chính quyền địa phương đều không cung cấp thông tin chính xác cho gia đình Nenad.
 
Nenad kể: “Họ liên tục gửi trả đơn đăng ký trở thành nhà tiêu dùng, đòi sửa khoản này khoản nọ. Suốt thời gian ấy không có gì thay đổi cho nhà chúng tôi ngoài việc giấy tờ được gửi tới gửi lui và chi phí đội lên”.
 
Các chuyên gia tham gia lập quy trình đăng ký giải thích sự thiếu liên lạc giữa các cơ quan chức năng đã làm chậm đáng kể nỗ lực toàn quốc sử dụng điện mặt trời. Hồi đầu năm, Bộ Tài chính Serbia còn tạm dừng toàn bộ quy trình vì cả Bộ Năng lượng lẫn EPS đã tính thuế áp lên mô hình "nhà tiêu dùng" quang điện.
 
Hộ dân phải bỏ tiền “mua lại” nguồn điện mặt trời do họ tạo ra
 
Gia đình bà Dragana đã “kêu trời” khi nhận hóa đơn tiền điện đầu tiên trong năm 2022. Sự hào hứng của họ dành cho điện mặt trời đã tan biến.
 
Nenad nói: “Bộ trưởng Năng lượng lúc đầu nói chúng tôi chỉ phải trả vài khoản phí cơ bản, không quá 1.000 dinar (khoảng 8 euro). Nhưng suốt quá trình, chúng tôi được báo phải trả các mức thuế khác”.
 
Họ đã mất nhiều khoản phí để được tiếp cận lưới điện quốc gia. Tất cả các người tiêu dùng đều phải trả tiền điện, nhưng nay nhà tiêu dùng quang điện cũng phải trả tiền “mua lại” nguồn điện dư thừa mà EPS nói là "của để dành" của họ. 
 
serbia-dw-3.jpg
Đồng hồ báo lượng điện mặt trời của nhà bà Dragana - Ảnh: DW

Nenad cho biết: “Điều đó có nghĩa chúng tôi phải trả tiền cho nguồn năng lượng do chính chúng tôi tạo ra”. Anh tính tổng khoản đóng thuế và phí này có nghĩa gia đình anh chỉ tiết kiệm được 20% hóa đơn tiền điện, trong khi gia đình từng hy vọng sẽ tiết kiệm được 50%.
 
Sau khi Deutsche Welle nêu ra các vấn đề, Bộ Năng lượng Serbia đã gặp các nhà tiêu dùng, hứa sẽ lập nhóm làm việc gồm có các nhà tiêu dùng nhằm tìm ra một giải pháp. Nhưng rồi sau đó vẫn không có gì thay đổi. Sự khởi đầu khó khăn của điện mặt trời có thể làm nản lòng những người Serbia ủng hộ việc sử dụng năng lượng sạch.
 
Bộ Năng lượng, EPS và các công ty lắp đặt pin mặt trời đều nói sự quan tâm “nhà máy điện mặt trời” ngay tại nhà đang ngày càng rất cao.
 
Miroslav Micic, người đại diện của Công ty công nghệ điện mặt trời Top Solar ở Serbia cho biết: “Nhu cầu hiện cao gấp ba lần nguồn cung”. Trung tâm Cải thiện Môi trường (ở Serbia) ước tính tiềm năng năng lượng mặt trời ở Serbia cao hơn 30% so với khu vực Trung Âu.
 
Nhưng Slobodan Jerotic, một chuyên gia về hiệu quả năng lượng, nêu câu hỏi là "thật sự có bao nhiêu gia đình Serbia có thể đầu tư từ 5.000 đến 6.000 euro vào điện mặt trời?". Ông cho rằng nhiều nhất thì có khoảng 10.000 gia đình có khả năng chi khoản tiền trên, tạo ra tổng cộng 30 megawatt và đây là một sản lượng điện năng không thể gọi là khổng lồ.

Link gốc
Theo: Một thế giới