Tin tức Quy hoạch điện

Đáp ứng nhu cầu sử dụng điện năng ổn định, bền vững

Thứ ba, 20/3/2018 | 16:36 GMT+7
Để đáp ứng nhu cầu sử dụng điện năng ổn định, liên tục, bền vững cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp và nhân dân trên địa bàn, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành quy hoạch phát triển điện lực giai đoạn 2016-2025, có xét đến 2035 (Hợp phần II: Quy hoạch chi tiết phát triển lưới điện trung và hạ áp sau các trạm 110KV). 
Giai đoạn 2016-2020, Quảng Ninh áp dụng công nghệ tiên tiến, tự động hóa trong điều khiển, vận hành, sửa chữa lưới điện. (Trong ảnh: Công nhân Công ty Điện lực Quảng Ninh triển khai công nghệ vệ sinh sứ cách điện bằng nước áp lực cao).
 
Đây là nền tảng quan trọng định hướng đầu tư, nâng cấp, cải tạo lưới điện trong toàn tỉnh nhằm đáp ứng nhu cầu thực tế.
 
Toàn tỉnh hiện còn 212 khu vực dân cư thuộc 90 xã của 13 huyện, thị xã, thành phố (trừ Cô Tô) có chất lượng điện thấp, lưới điện mất an toàn, trạm biến áp đầy tải. Nguyên nhân của tình trạng trên là do bán kính cấp điện lớn; mật độ dân cư tại một số nơi tăng cao; hệ thống cột điện không đảm bảo, có nguy cơ mất an toàn do chiều cao cột thấp, xuống cấp không được thay thế; đường dây sau trạm biến áp còn sử dụng dây trần, tiết diện nhỏ, trục chính và nhánh rẽ dài, phụ tải tăng thêm nhưng tiết diện dây dẫn không được nâng lên… Theo dự báo của Sở Công Thương, nhu cầu điện thương phẩm trên toàn tỉnh đến năm 2020 là 6.606,5 GWh, năm 2025 là 11.453,6 GWh, trong khi năm 2015 mới chỉ là 2.617,4 GWh.
 
Nhằm khắc phục bất cập, đáp ứng cấp điện đầy đủ cho các dự án, phục vụ cho nhu cầu phát triển, tỉnh đã xây dựng Quy hoạch phát triển điện lực Quảng Ninh giai đoạn 2016-2025, có xét đến 2035 (Hợp phần II: Quy hoạch chi tiết phát triển lưới điện trung và hạ áp sau các trạm 110KV). Quy hoạch sẽ phát triển hệ thống điện trung, hạ áp sau trạm 110kV đáp ứng cung cấp điện ổn định, an toàn, tin cậy. Kết cấu lưới điện được xây dựng theo hướng hiện đại, mỹ quan đô thị, độ tin cậy cung cấp điện cao, đồng thời có sự gắn kết quy hoạch phát triển điện lực của địa phương, vùng, toàn tỉnh, giữa phát triển điện lực với hạ tầng, đô thị.
 
Phấn đấu đến năm 2020, hầu hết số hộ thuộc vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo được sử dụng điện đảm bảo phục vụ sản xuất, sinh hoạt, tiêu dùng. Đồng thời, hiện đại hóa lưới điện trung áp phân phối, áp dụng các công nghệ tiên tiến, tự động hóa trong điều khiển, vận hành, sửa chữa; sử dụng công nghệ lưới điện thông minh để giảm nhân công, tăng năng suất, tối ưu hóa chi phí.
 
Phấn đấu đến năm 2020, hầu hết số hộ thuộc vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo được sử dụng điện đảm bảo phục vụ sản xuất, sinh hoạt, tiêu dùng, (Trong ảnh: Thôn Ngàn Phe, xã Đồng Tâm, huyện Bình Liêu là một trong số 212 khu vực chất lượng điện thấp) Ảnh: Hoàng Quỳnh.
 
Lưới điện trung áp được thiết kế đảm bảo sẵn sàng đáp ứng tối đa nhu cầu tiêu thụ điện năng của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn. Trong đó, lưới điện trung áp tại các khu vực thành phố, thị xã, thị trấn được kết nối mạch vòng, vận hành hở và được dự phòng 40% nhu cầu phụ tải, được dự phòng ít nhất từ 2 nguồn. Đồng thời, tích cực áp dụng công nghệ hiện đại vào lưới điện trung áp, từng bước xây dựng lưới điện thông minh trong vận hành; tăng cường lắp đặt các thiết bị đóng cắt, bảo vệ, vệ sinh hiện đại.
 
Bên cạnh đó, tỉnh cũng phấn đấu đưa chỉ số ngừng cung cấp điện bình quân năm giảm xuống dưới 200 phút/năm. Ngoài ra, các đơn vị cũng tiến hành tiêu chuẩn hóa vận hành lưới điện trung áp ở cấp điện 22kV và 35kV; đến năm 2020, toàn bộ lưới điện trung áp 6kV, 10kV được cải tạo đạt 22kV, chỉ duy trì cấp điện 6kV đối với các phụ tải chuyên dùng. Đặc biệt, tại các khu trung tâm, khu du lịch, khu đô thị, khu công nghiệp, lưới điện sẽ được ngầm hóa nhằm đảm bảo mỹ quan, phù hợp với xu thế phát triển.
 
Đối với lưới điện 110kV, ngay trong giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh sẽ xây mới 15 trạm biến áp với tổng công suất 690MVA cải tạo, mở rộng quy mô công suất 12 trạm biến áp 110kV với tổng công suất tăng thêm 458MVA. Đồng thời, xây mới 23 tuyến đường dây 110kV với tổng chiều dài 276km; cải tạo tiết diện 8 tuyến đường dây 110kV với tổng chiều dài 258km; chuyển 1 tuyến đường dây đang vận hành 22kV lên 110kV.
 
Đối với lưới điện trung áp, toàn tỉnh sẽ xây mới 1.229km đường dây trung áp, trong đó 435km ngầm, nâng tiết diện dây dẫn 305km, nâng cấp điện áp 277km; xây mới 1.066 trạm biến áp với tổng dung lượng 1.068MVA, nâng công suất và cấp điện áp 643 trạm với tổng dung lượng 222MVA trong năm 2016-2020. Ở giai đoạn này, lưới điện hạ áp sẽ được xây mới 1.027km đường dây, nâng tiết diện dây dẫn 299km, lắp đặt mới và thay thế 118.604 công tơ. Ngoài ra, việc xây dựng, cải tạo, nâng cấp lưới điện 110kV, trung áp, hạ áp cũng được quy hoạch rõ ràng. Tổng vốn đầu tư cải tạo và phát triển lưới điện trung và hạ áp các trạm 110kV toàn tỉnh giai đoạn 2016-2025 dự kiến là 11.200 tỷ đồng, trong đó, vận dụng tối đa mọi nguồn lực xã hội để đầu tư xây dựng các công trình điện.
 
Quy hoạch phát triển điện lực Quảng Ninh giai đoạn 2016-2025, có xét đến 2035 là nền tảng quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu điện năng cho các dự án, doanh nghiệp và nhân dân, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các nhà đầu tư, góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.
Theo: Báo Quảng Ninh