Hiện trạng, Sóc Trăng có 1 trạm 220 kV Sóc Trăng 2 và tỉnh còn nhận điện từ trạm 220 kV Bạc Liêu (tỉnh Bạc Liêu). Cùng đó, trên địa bàn còn có 3 trạm 110 kV mang tải cao là Sóc Trăng, Đại Ngãi – T1 và Vĩnh Châu. Một số khu vực bán kính cấp điện khá lớn, xa vị trí trạm biến áp nên hạn chế khả năng cấp điện ổn định.
Khối lượng đầu tư xây dựng lưới điện nhìn chung không đạt mục tiêu quy hoạch do hạn chế nguồn vốn đầu tư và các công trình chậm tiến độ. Đường dây hạ thế và trạm biến áp phân phối vượt quy hoạch.
Đề án Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2016 – 2025, xét đến năm 2035 được đánh giá là có tính khả thi về mặt kinh tế. Việc thực hiện các công trình theo đúng tiến độ và quy mô là tiền đề quan trọng cho việc hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Theo quy hoạch, nguồn điện trên địa bàn Sóc Trăng phải ưu tiên cấp điện cho tỉnh; lượng công suất dư thừa sẽ chuyển tải cho các tỉnh, thành khác. Dự kiến, đến năm 2020, tỉnh Sóc Trăng có 3 nhà máy điện sinh khối (nhà máy điện bã mía Sóc Trăng 1, nhà máy điện trấu Sóc Trăng 1, nhà máy điện rơm rạ Sóc Trăng 1); 9 nhà máy điện gió ở thị xã Vĩnh Châu và huyện Trần Đề cùng 8 nhà máy điện mặt trời và Trung tâm điện lực Long Phú.
Tổng hợp vốn đầu tư xây dựng lưới điện (220kV, 110kV và lưới điện trung thế) của tỉnh Sóc Trăng giai đoạn từ 2016 – 2020 là trên 4.500 tỷ đồng; giai đoạn từ 2021 – 2025 gần 1.500 tỉ đồng; giai đoạn từ 2026 – 2030 trên 2.000 tỷ đồng và giai đoạn từ 2030 – 2035 trên 1.500 tỷ đồng. Trường hợp vốn đầu tư tăng 10% và phụ tải giảm 10%, đề án vẫn có tính khả thi đạt hiệu quả về mặt kinh tế.
Tại buổi làm việc, đơn vị tư vấn và các sở, ngành, địa phương đã thảo luận, phân tích nhiều vấn đề xung quanh đề án như: hiện trạng và dự báo phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; dự báo nhu cầu điện; thông số đầu vào cho việc lập quy hoạch và các tiêu chí cho giai đoạn quy hoạch; sơ đồ phát triển điện lực; quy hoạch cấp điện vùng sâu vùng xa không nối lưới…
Theo đơn vị tư vấn, nhiệm vụ của đề án nhằm đánh giá hiện trạng lưới điện và tình hình sử dụng điện năng của tỉnh; từ đó, xác định những vấn đề cần giải quyết trong phương án kết cấu lưới điện. Ngoài ra, đề án còn dự báo nhu cầu sử dụng điện năng của tỉnh; trên cơ sở đó, đưa ra giải pháp, kế hoạch phát triển ngắn hạn và dài hạn của hệ thống điện toàn tỉnh; đề xuất, đánh giá và lựa chọn các phương án tối ưu nhằm cung cấp điện cho từng khu vực bằng nguồn điện lưới quốc gia và nguồn điện tại chỗ.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng Lê Thành Trí nhấn mạnh: Quy hoạch phát triển điện cần phải tính toán đến nhu cầu phục vụ sản xuất, sinh hoạt của người dân; ưu tiên các dự án điện gió, điện mặt trời để hòa vào lưới điện quốc gia. Đối với các khu, cụm công nghiệp tiềm năng như Trần Đề, An Nghiệp, Ngã Năm, sông Hậu thì quy hoạch phải đáp ứng nhu cầu phụ tải trong tương lai và phải gắn liền với quy hoạch phát triển đô thị. Quy hoạch phát triển điện lực phải thỏa mãn nhu cầu phát triển ngành sản xuất và nuôi trồng thủy sản; trong đó, trọng tâm là nuôi tôm.
Trên cơ sở ý kiến đóng góp của các sở, ngành và địa phương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Chuyện nhấn mạnh, ngoài việc cấp đủ điện trong sinh hoạt, sản xuất kinh doanh, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản, các phương án thiết kế hệ thống lưới điện phải đảm bảo theo yêu cầu kỹ thuật của ngành; phù hợp với nhu cầu sử dụng và sớm hoàn thiện đề án để trình Bộ Công Thương phê duyệt.