Quan niệm của NĐT giá trị là thị trường đôi khi đánh giá một cổ phiếu thấp hơn giá trị đích thực của nó. Khoảng cách giữa hai giá trị này càng cao thì biên độ an toàn càng lớn và lợi nhuận thu về trong tương lai càng nhiều. Bởi vì, thị trường thường phản ứng chậm nhưng đến một thời điểm hợp lý nào đó, nó sẽ nhanh chóng xác định lại giá trị cổ phiếu và điều mà một NĐT cần làm là nắm bắt thời cơ khi cổ phiếu đó được giao dịch với giá thấp hơn hoặc bằng giá trị thực của nó.
Có nhiều cách khác nhau để có thể xác định được khi nào một cổ phiếu đang được mua - bán với giá thấp hơn giá trị thật của nó, chẳng hạn thông qua việc so sánh cổ phiếu này với cổ phiếu khác. Thông thường, tất cả các thị trường đều vận động theo chu kỳ. Ví dụ, nếu hiện tại mọi người đang ưa thích cổ phiếu ngành ngân hàng thì có lẽ họ sẽ tập trung mua nhiều cổ phiếu này và bán ra những cổ phiếu ngành khác và đây chính là cơ hội quý báu để NĐT khôn ngoan tìm kiếm được một cổ phiếu có giá trị trong ngành hiện đang không được ưa chuộng.
Một cách khác để phát hiện ra cổ phiếu giá trị là khi nắm được những thông tin quan trọng về công ty mà NĐT tin rằng, nó không được phản ánh trong giá. Ví dụ, việc công ty A sở hữu một mảnh đất trị giá vài tỷ hay hàng trăm tỷ đồng, nhưng không được phản ánh một cách đầy đủ trong bản cân đối kế toán; hoặc công ty B cho ra đời một sản phẩm mang tính đột phá nhưng còn ít người biết đến. Thậm chí, có NĐT tìm kiếm những cổ phiếu có tiềm năng nhưng có giá trị thấp do việc quản lý, điều hành của công ty yếu. Sau khi đầu tư, họ sẽ thay đổi cách quản lý, bởi họ có vốn đủ lớn để ảnh hưởng đến việc điều hành và quản trị của công ty.
Ưu điểm của chiến lược đầu tư giá trị là nó thường ít biến động hơn, cũng như rủi ro mất giá ít hơn khi thị trường bắt đầu đi xuống. Nhưng nhược điểm lớn nhất của nó nằm ở chỗ, đòi hỏi thời gian và sự kiên nhẫn, đồng nghĩa với các NĐT không bao giờ sớm nhận được thù lao cho công sức của mình. Thêm vào đó, điều đầu tiên và quan trọng nhất là khoản tiền đầu tư theo chiến lược này phải là tiền dài hạn. Hơn nữa, NĐT phải nghiên cứu mọi thứ về công ty sắp đầu tư: cách vận hành, quản lý, tình hình kinh doanh, hướng phát triển của công ty… Những điều mà không phải NĐT nào cũng thực hiện được.
Bộ phận Tư vấn và Phân tích, CTCK Hà Nội - HSSC