Sự kiện

Để trái đất thật sự được “nghỉ”

Thứ tư, 28/3/2012 | 08:17 GMT+7
Sắp tới vào ngày 31/3, Việt Nam cùng với hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ khác tham gia hưởng ứng Giờ trái đất. Nhưng liệu chúng ta đã làm đúng cách?

Được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2007, chiến dịch Giờ trái đất khuyên các hộ gia đình và cơ sở kinh doanh tắt đèn điện và các thiết bị điện không ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt trong một giờ đồng hồ vào lúc 20h30 đến 21h30 (giờ địa phương) ngày thứ bảy cuối cùng của tháng ba hàng năm. Nó nhắc nhở con người ta việc tiết kiệm điện năng, giảm lượng khí thải CO2, giảm sử dụng các loại nhiên liệu hóa thạch, nhằm đánh động sự chú ý của mọi người với ý thức bảo vệ môi trường. Sắp tới, vào ngày 31/3, Việt Nam lại một lần nữa cùng toàn thế giới hưởng ứng Giờ trái đất.

“Giờ trái đất” đã thật sự có hiệu quả?

Việt Nam tham gia vào Giờ trái đất từ năm 2009 và lần đầu tiên chúng ta đã tiết kiệm được 140.000 kWh điện (theo thống kê). Trong các năm 2010, 2011, con số thống kê này còn lớn hơn rất nhiều. Chúng ta đã thành công?

Có thể khẳng định luôn việc tổ chức Giờ trái đất ở Việt Nam chưa thành công. Công tác tổ chức vẫn còn mang nặng tính “phong trào” chứ chưa đánh thẳng vào nhận thức của cộng đồng. Người dân được vận động để tắt đèn trong một giờ và thậm chí có nơi còn cắt điện đèn có tắt nhưng sau khi một giờ đó trôi qua thì tất cả lại quay về nguyên như cũ.

Trong những Giờ trái đất của các năm trước, người dân tắt đèn, thậm chí tắt triệt để nhưng đi cùng với đó người ta lại có một hành động khác đó tìm nguồn sáng bằng mọi giá. Những nguồn sáng này có thể từ nến, đèn sạc, thậm chí cả máy phát... Giá một giờ dùng nến còn đắt hơn cả tiền điện ở mức cao nhất. Sử dụng xăng, dầu để chạy máy phát theo tính toán tốn gấp 20 lần sử dụng thủy điện. Vậy có phải là trống đánh xuôi, kèn thổi ngược?

Hơn nữa, đối tượng tiêu thụ điện năng lớn nhất là các hệ thống công nghiệp (chiếm gần 50%) chứ không phải là các hộ gia đình. Vậy tại sao truyền thông chỉ mới tập trung vào ý thức của người dân?

Như vậy, chỉ một vài câu hỏi trên phần nào có lẽ đã là câu trả lời.

Thực chất ý nghĩa sâu xa nhất của Giờ trái đất không phải là một giờ đó mà nó chỉ cho con người ta biết sử dụng năng lượng một cách tiết kiệm và hiệu quả hơn. Hãy thử nhớ lại, đã bao nhiêu lần chúng ta thắp quá nhiều bóng đèn cho một căn phòng. Bao nhiêu lần chúng ta bật tivi nhưng sau đó không biết gì tới nội dung đã phát. Bao nhiêu tờ giấy được in ra vô ích. Bao nhiêu túi ni lon dùng 1 lần chúng ta sử dụng hàng ngày... Hạn chế những hành động nhỏ đó là chúng ta đã tham gia vào giờ trái đất chứ không phải là việc chăm chăm tắt đèn.

Một số kinh nghiệm của Đan Mạch

Theo ngài John Nielsen, Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam thì nhờ việc tập trung sử dụng năng lượng một cách hiệu quả mà Đan Mạch có thể duy trì tăng trưởng kinh tế tốt trong khi vẫn giảm được sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch cũng như bảo vệ môi trường. Trên thực tế, tính từ năm 1980, nền kinh tế Đan Mạch đã tăng trưởng hơn 78%, trong khi lượng tiêu thụ năng lượng vẫn giữ nguyên và lượng khí thải CO2 thậm chí còn giảm xuống.

Việc nhấn mạnh vào sự hiệu quả sử dụng năng lượng và khai thác nguồn năng lượng tái tạo giúp Đan Mạch phát triển được một nghành công nghiệp năng lượng thân thiện với môi trường và có khả năng duy trì một nhịp độ tăng trưởng xã hội và kinh tế mạnh mẽ.

Theo đánh giá của UNDP, Việt Nam nằm trong top 5 nước đứng đầu thế giới dễ bị tổn thương nhất với biến đổi khí hậu. Nếu mực nước biển tăng 1m thì Việt Nam sẽ mất đi 5% diện tích đất đai và 11% (tương đương 10 triệu người) sẽ mất đi nhà cửa. Cũng với 1m nước biển dâng, chúng ta sẽ mất đi 7% sản lượng nông nghiệp và 10% thu nhập quốc nội GDP. Chính vì vậy, việc thực hiện Giờ trái đất hiệu quả hơn cũng là chúng ta đã “tự cứu mình”, góp phần chung tay cùng thế giới trong công cuộc chống biến đổi khí hậu toàn cầu hiện nay./.
 
Báo ĐT Đài Tiếng nói Việt Nam