Sự kiện

Phát triển lưới điện ở Hà Nội: Cần giải quyết từ gốc

Thứ hai, 20/2/2012 | 13:21 GMT+7
Để đẩy nhanh tiến độ các dự án lưới điện, UBND TP đã có quyết định thành lập Ban chỉ đạo cung cấp điện cho thành phố, trong đó chú trọng tới công tác giải phóng mặt bằng cho xây dựng công trình lưới điện. Tuy nhiên, việc giải quyết vướng mắc vẫn chưa có hiệu quả.



Ngôi nhà hai tầng kiên cố trong khu vực quy hoạch hành lang lưới điện tuyến đường dây Sóc Sơn.

 
Vướng từ quy hoạch

Muốn đẩy nhanh tiến độ các dự án điện cho Hà Nội cần 3 yếu tố cơ bản là quy hoạch, vốn và chế tài thực hiện. Tuy nhiên, cả 3 yếu tố này hiện đều đang bị vướng. Theo kết luận tại các cuộc họp bàn về lưới điện Hà Nội, tất cả công trình chậm tiến độ đều vướng ở khâu giải phóng mặt bằng mà nguyên nhân sâu xa chính là vướng mắc trong khâu quy hoạch và quy trình phối hợp thực hiện. Trong đó, vướng nhất là sự thiếu thống nhất về vị trí các TBA và hướng tuyến đường dây giữa Quy hoạch phát triển điện lực TP Hà Nội giai đoạn 2011-2015 có xét đến 2020 do Bộ Công Thương phê duyệt và Quy hoạch xây dựng Thủ đô Hà Nội đến 2030 tầm nhìn 2050 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã gây lúng túng cho các đơn vị. Sự chồng chéo này cũng là nguyên nhân dẫn đến việc cắm mốc chỉ giới hành lang lưới điện quá chậm chạp khiến cho công tác thỏa thuận các tuyến đường dây và các TBA gặp nhiều khó khăn. Sự thiếu nhất quán giữa yêu cầu đo vẽ mặt bằng tuyến trên bản đồ 1/500 và 1/2000 trong các giai đoạn lập dự án đầu tư, thiết kế kỹ thuật – tổng dự toán cũng kéo dài thời gian thỏa thuận tuyến. Bên cạnh đó, nhiều quy hoạch công trình cơ sở hạ tầng của địa phương thường xuyên được hiệu chỉnh, bổ sung nên các dự án điện cũng phải điều chỉnh theo khiến cho hướng tuyến bị thay đổi so với thỏa thuận ban đầu. Đặc biệt, việc phải phối hợp với nhiều dự án cơ sở hạ tầng liên quan tới nhiều ngành khác trong đó nhiều dự án không đồng bộ về tiến độ thời gian cũng khiến công trình điện bị vạ lây.

 “Độc đáo” nhất là dự án Vân Trì – Sóc Sơn mặc dù đã được phê duyệt từ năm 2003, nhưng dự án đường vành đai 4 mấy năm sau mới ra đời cũng buộc đường dây Vân Trì - Sóc Sơn phải thay đổi phương án với thời gian chờ đợi khá lâu. Năm 2008, dự án này mới chính thức được khởi công, thế mà năm 2011, khi thi công nhà thầu bỗng phát hiện tại vị trí 64-66 ở Sóc Sơn lù lù xuất hiện một ngôi biệt thự 2 tầng ngay trong khu vực quy hoạch hành lang lưới điện (trên bản đồ quy hoạch thì khu vực ấy thuộc đất lâm trường). Chẳng hiểu quyền lực của chủ ngôi nhà này đến đâu, chỉ biết địa phương “bó tay” khi chủ nhà quyết không hợp tác di dời. Thế là NPT phải nắn tuyến sang hướng khác để tránh, nguồn kinh phí phát sinh không phải ít.

Càng bàn càng tắc

Thời gian qua, lãnh đạo TP Hà Nội đã có rất nhiều ý kiến chỉ đạo nhưng tiến độ các dự án vẫn dậm chân tại chỗ. Chỉ riêng tháng 9/2011, HĐND TP đã có tới 2 cuộc họp về vấn đề này. UBND TP cũng đã có rất nhiều buổi làm việc với các Bộ, ngành, địa phương liên quan, đồng thời ra các thông báo số 252/TB-UBND ngày 9/9/2011 yêu cầu giải quyết 12 nội dung về dự án điện (nay mới thực hiện được 4 nội dung) và Thông báo số 306/TB-UBND ngày 26/10/2011 yêu cầu giải quyết 9 vướng mắc phát sinh nhưng cũng chỉ mới khắc phục được 4 vướng mắc. Mới đây nhất, ngày 5/1/1012 UBND, TP Hà Nội đã có văn bản 58/UBND – CT giao Sở Quy hoạch kiến trúc giải quyết vướng mắc ở ĐD Vân Trì – Sóc Sơn đoạn qua Đông Anh nhưng đến nay vẫn im hơi lặng tiếng.

Thậm chí, có vướng mắc ở ngay Thành phố. Cho đến nay, UBND TP vẫn chưa ban hành quy định mức bồi thường hỗ trợ đối với hành lang an toàn lưới điện nên mỗi nơi làm một kiểu. Hầu hết các địa phương đều áp mức giá bồi thường quá thấp nên dân không chịu nhận tiền đền bù. Đó là chưa kể, cùng một địa bàn nhưng các dự án khác nhau lại áp dụng mức hỗ trợ khác nhau (dự án điện ở xã Nam Sơn –huyện Sóc Sơn được phê duyệt bồi thường 84.000 đồng/m2 nhưng dự án khác lại bồi thường 105.000 đồng/m2) nên dân không chịu. Việc hạ ngầm thí điểm ĐD 220 kV Chèm – Tây Hồ cũng đang bị vướng, Sở Kế hoạch Đầu tư Hà Nội đã có công văn 1384/BC-KH&ĐT ngày 8/11 và công văn 1494/BC-KH&ĐT ngày 6/12/2011 báo cáo UBND TP đề xuất phương án giải quyết nhưng đến nay TP vẫn chưa có ý kiến chỉ đạo.

Đặc biệt, vốn đầu tư cho phát triển lưới điện đang là vấn đề vô cùng nan giải. Mặc dù Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chỉ đạo “Phải đặc biệt ưu tiến vốn cho truyền tải”; TGĐ Phạm Lê Thanh cũng  khẳng định “Năm 2012 sẽ là năm của truyền tải”; Trong nhiều cuộc họp, ông Nguyễn Văn Sửu, PCT UBND thành phố cũng hứa sẽ có cơ chế hỗ trợ vay vốn cho các dự án lưới điện. Tuy nhiên, đến nay NPT vẫn đang vô cùng khó khăn về vốn. Trong khi dự án càng kéo dài thì lượng vốn đầu tư càng tăng. ĐD Hà Đông – Thành Công dự toán ban đầu là 394 tỷ đồng (nếu thực hiện vào năm 2004). Tuy nhiên, dự án bị đình trệ đến nay đã nâng tổng dự toán lên 850 tỷ đồng. Điều này đã đẩy chủ đầu tư vào thế khó càng thêm khó. EVN Hà Nội cũng cho biết, với trên 12.000 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển lưới điện trên địa bàn Hà Nội theo quy hoạch thành phố đã duyệt cho giai đoạn 2011 – 2015, xét đến năm 2020, EVN Hà Nội chỉ mới huy động được 4.562 tỷ đồng, còn lại đang rất bế tắc.

Ông Lẫm cho biết, hiện NPT đang nỗ lực tập trung vào 2 dự án Vân Trì – Sóc Sơn và Hà Đông -Thành Công. Giải pháp trước mắt là sẽ vay vốn phát triển ngành điện (DPL2) giai đoạn 2 của Ngân hàng Thế giới. Đồng thời, đề nghị Thành phố Hà Nội cho vay vốn từ Quỹ Đầu tư phát triển. Các chuyên gia cũng cho rằng, tốt nhất là nên tháo gỡ lần lượt dứt điểm từng dự án. Trong điều kiện cấp bách hiện nay, nếu cứ đầu tư rải mành mành sẽ không có hiệu quả.

Vẫn thiếu chế tài

Được biết, thời gian qua, UBND thành phố Hà Nội đã thành lập Ban chỉ đạo cung cấp điện cho thành phố, trong đó chú trọng tới công tác giải phóng mặt bằng cho xây dựng công trình  lưới điện. Tuy nhiên, việc giải quyết vướng mắc vẫn đang bế tắc.

Để khắc phục vướng mắc trong Quy hoạch, Sở Công Thương Hà Nội đề nghị: phần công suất các trạm biến áp, tiến độ thực hiện, phương thức đấu nối thì tuân thủ theo Quy hoạch phát triển điện lực. Còn vị trí các TBA, hướng tuyến đường dây thì tuân theo Quy hoạch chung của Thủ đô. Những trường hợp không theo quy hoạch chung được thì chủ đầu tư lập dự án thực tế để đảm bảo cung cấp điện cho thành phố. Riêng phần ngầm hóa nên thực hiện theo quy hoạch chuyên ngành điện vì tài chính của chủ đầu tư đang khó khăn. Đề nghị Thành phố sớm ra quyết định trong việc quy định đơn giá bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đất, tài sản trên đất nằm trong phần hành lang an toàn lưới điện để các đơn vị có cơ sở thực hiện. EVN Hà Nội đề nghị UBND TP cho vay vốn ưu đãi, hỗ trợ lãi suất để phát triển lưới điện thành phố. Đồng thời chỉ đạo các các chủ đầu tư có trách nhiệm đầu tư toàn bộ hạ tầng trong khu đô thị mới, khu công nghiệp. Sau đó sẽ bàn giao cho ngành điện theo phương thức tăng giảm vốn.

Riêng đoạn tuyến qua công ty ô tô Xuân Kiên và Công ty TNHH Nam Đức (KCN Quang Minh), EVN đề nghị UBND TP, UBND huyện Mê Linh và Sở Quy hoạch kiến trúc có ý kiến chỉ đạo cụ thể để các đơn vị này hợp tác với chủ đầu tư triển khai thi công thuận lợi.

Trong buổi làm việc giữa UBND TP Hà Nội và Bộ Công Thương ngày 7/2 vừa qua, ông Nguyễn Văn Sửu, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội một lần nữa yêu cầu các sở, ngành phối hợp chặt chẽ với EVN trong việc đầu tư xây dựng các dự án cung cấp điện. Sở Quy hoạch TP và Viện Quy hoạch xây dựng phối hợp giải quyết những vấn đề còn tồn đọng liên quan đến quy hoạch, cấp chỉ giới đường đỏ. Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm trước thành phố về công tác giải phóng mặt bằng trên địa bàn… Sở Giao thông đã hứa trong tháng 3 sẽ giải quyết dứt điểm vướng mắc ở đường Lê Văn Lương kéo dài. Các Sở, ngành cũng đều hứa sẽ cố gắng. Tuy nhiên, việc chịu trách nhiệm với lời hứa đến đâu thì lại chưa bàn đến.

An ninh năng lượng là vấn đề đặc biệt quan trọng, nhất là với Thủ đô Hà Nội. Bởi lẽ, với vị trí là địa phương đứng thứ 2 trong việc đóng góp vào ngân sách Trung ương, việc Hà Nội thiếu điện không chỉ ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân Thủ đô mà còn ảnh hưởng tới chính trị xã hội và tăng trưởng kinh tế của cả nước. Nhiều chuyên gia cho rằng, để giải quyết vấn đề này cần phải làm từ gốc, đó là khâu quy hoạch và ban hành chính sách kịp thời. Đồng thời, phải giải quyết dứt điểm từng dự án, phân định rõ trách nhiệm và có sự phối hợp chặt chẽ. Bên cạnh việc tuyên truyền giáo dục người dân, lãnh đạo các ban ngành cũng cần nâng cao nhận thức, coi đây là nhiệm vụ của mình chứ không phải làm hộ chủ đầu tư. Hình như Hà Nội đang thiếu chế tài cần thiết cho vấn đề này.
Bài và ảnh: Ngọc Loan