Anh Phan Văn Trung thay bóng đèn trái ớt sợi đốt trên bàn thờ bằng bóng đèn led trái ớt cho khách hàng.
Trước đây, anh Phan Văn Trung là tổ trưởng tổ thu ngân 2 của Điện lực An Nhơn, được phân công thu tiền điện trên địa bàn 2 thị trấn Bình Định và Đập Đá- nơi những làng nghề truyền thóng của địa phương đang làm ăn khá nhộn nhịp. Trong 1 lần đi thu tiền điện ở khu vực chợ thị trấn, một khách hàng có phàn nàn với anh về tiền điện cứ tăng dần hàng tháng trong khi gia đình sử dụng điện kinh doanh buôn bán bình thường. Với những gia đình kinh doanh, "thà nhịn đói chứ không để bàn thờ lạnh tanh được. Làm kinh doanh mà trang Thần tài không sáng đèn 24/24 là bể như chơi". Chính suy nghĩ của khách hàng đã thôi thúc anh nghiên cứu làm cách nào cho đèn sáng trang Thần tài trên bàn thờ 24/24h mà không tốn điện nhiều.
Lục lọi trong các giáo trình điện từ thời học nghiệp vụ, tìm tòi các thiết bị, bóng đèn ở các cửa hàng điện tử, anh Phan Văn Trung phát hiện ra rằng: chỉ có bóng đèn Led mới giải quyết được việc thay thế các bóng đèn sợi đốt loại nhỏ trên các bàn thờ. Vấn đề là làm sao giữ được như kích cỡ của bóng đèn sợi đốt để tạo màu sắc và độ mỹ quan, rực rỡ nhiều màu như của các loại bóng đèn trái ớt. Sau nhiều lần hỏi han, trao đổi với đồng nghiệp và cán bộ kỹ thuật của điện lực để thay ruột bóng đèn trái ớt bằng bóng đèn Led, một người bạn ở doanh nghiệp sản xuất bóng đèn trái ớt đã cho anh đáp án. Vỏ bóng đèn sợi đốt trái ớt bằng thủy tinh sẽ được sản xuất bằng nhựa dẽo màu đỏ hoặc nhiều màu khác, có thể vặn ra một nửa từ giữa thân vỏ, để đưa bóng đèn led cắm vào mạch điện, phần đuôi đèn vẫn giữ nguyên. Đóng nắp lại, nó là 1 bóng trái ớt, không ai biết cái ruột đã thay bằng 3 bóng Led, công suất bóng đèn đã giảm từ 10W xuống còn 1W mà vẫn sáng. Anh lập tức đặt gia công lô hàng đầu tiên: hàng ngàn “Bóng đèn trái ớt – ruột Led”. Đầu tiên, anh đem sản phẩm thay toàn bộ bóng đèn trên các bàn thờ nhà mình thì thấy rực rỡ, trang nghiêm, thẩm mỹ và đạt được yêu cầu tiết kiệm điện. Sau đó, anh thay các bóng đèn sợi đốt trang trí trong quán cà phê sân vườn nhà. Nhiều bạn bè, hàng xóm chung quanh đã đến hỏi thăm sản phẩm này.
Tiếng lành đồn xa, anh bắt đầu có thu nhập chính đáng thêm từ công sức của mình với mỗi bóng đèn led trái ớt chỉ có 5.000 đồng.
Không chỉ ở các khu vực dân cư với hàng trăm ngàn khách hàng dùng điện trên địa bàn, các đền, chùa lớn, nhỏ tại địa phương cũng đón nhận sản phẩm tiết kiệm điện này. Anh Phan Văn Trung đã giúp các sư, thầy trong chùa làm cuộc cách mạng về “Led hóa” trong trang trí và chiếu sáng nơi tôn nghiêm. Nhiều chùa chiền, nhà thờ, thánh thất được tôn lên với hàng ngàn bóng đèn led tiết kiệm điện.
Bà Đinh Thị Hậu ở Chợ Đập Đá cho biết, cứ mỗi bóng đèn led trái ớt của anh Phan Văn Trung giảm đi (10 - 1)W thì trung bình 10 bóng trên các bàn thờ nhà tôi tiết kiệm được: trong 1 tháng là:( 9W x 24 giờ x 30 ngày) x10 = 64kWh điện. Giá điện bình quân hiện nay đối với các hộ kinh doanh như nhà tôi vào khoảng 1.500đồng/kWh. Mỗi tháng tôi tiết kiệm được trên 90.000 đồng, so với gia đình tôi là ý nghĩa lắm. Nhưng nếu toàn Thị xã An Nhơn, nhà nào cũng thực hiện thành phong trào “tiết kiệm ánh sáng trong lĩnh vực tâm linh” như vậy thì lượng điện tiết kiệm được của thị xã An Nhơn đóng góp cho cả tỉnh Bình Định đâu phải nhỏ”.
Theo: PC Bình Định