Móng cột ERS được dựng tại hiện trường.
Đường dây và trạm 110kV của NGC trải rộng trên địa bàn rộng lớn, từ vùng rừng núi đến vùng đồng bằng ven biển. Các yếu tố địa lý, điều kiện thời tiết khắc nghiệt của từng vùng có ảnh hưởng rất lớn đến việc vận hành lưới điện. Nhiều đường dây được xây dựng từ những năm 1960 hiện đã xuống cấp nhiều.
Bắt nguồn từ thực tế, hằng năm trên đường dây 110kV do NGC quản lý, nhiều vị trí cột cần thay thế do nâng tiết diện của dây dẫn để đáp ứng yêu cầu của phụ tải, nhu cầu cấp điện khi sửa chữa đường dây gặp sự cố do thiên tai, bão lũ hoặc di chuyển đường dây phục vụ giải phóng mặt bằng... Sự khó khăn trong việc cắt điện dài ngày để thi công cải tạo lưới điện 110kV do nhu cầu cấp điện liên tục cho các phụ tải ngày càng nâng cao, đảm bảo các chỉ tiêu độ tin cậy cung cấp điện SAIDI, SAIFI, MAIFI, cùng với đó là các nhược điểm của việc sử dụng các giải pháp làm tuyến tạm trước đây, sáng kiến “Chế tạo và sử dụng cột thép di động phục vụ công tác quản lý vận hành lưới điện 110kV” của ông Lê Minh Tuấn – Giám đốc NGC và ông Nguyễn Quang Hòa – Phó Phòng Kỹ thuật NGC đã ra đời.
Sáng kiến ban đầu được NGC hiện thực hóa và được ứng dụng thành công trong dự án dự án cải tạo nâng cấp đường dây 110kV Phố Nối - Sài Đồng, đoạn từ TBA 220kV Phố Nối tới cột số 12, với nội dung công việc chính là kẹp thêm dây AC-185 cho mỗi pha của 2 lộ 173, 174 Phố Nối - Sài Đồng. Để hạn chế thời gian cắt điện, NGC đã sử dụng cột ERS (Emergency Restoration System) để dựng tuyến tạm cấp điện tạm trong thời gian thi công tuyến chính (thời gian cắt điện hoàn toàn để đấu nối từ tuyến chính sang tuyến tạm và ngược lại là 42 giờ, chia làm 4 đợt, trong khi đó nếu cắt điện hoàn toàn trong thời gian thi công sẽ phải ngừng cấp điện 19 ngày).
Trên thực tế, Công ty Lưới điện cao thế miền Bắc đã sử dụng cột ERS rất thành công trong công tác quản lý vận hành lưới điện 110kV qua nhiều dự án và các chương trình trọng điểm như: Nâng cao khả năng truyền tải đường dây 110kV Yên Bái – Nghĩa Lộ, cấp điện cho phụ tải trong thời gian đấu nối nhánh rẽ TBA 110kV Hoàng Mai…
Sáng kiến trên đã được Tổng Công ty Điện lực miền Bắc công nhận sáng kiến cấp Tổng Công ty ngày 11/1/2012 và đề xuất lên Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) công nhận sáng kiến cấp Tập đoàn.
Ngày 15 tháng 11 năm 2013, Hội đồng xét duyệt sáng kiến cấp Tập đoàn do Ông Dương Quang Thành – Phó Tổng Giám đốc EVN làm Chủ tịch, cùng các ủy viên là lãnh đạo và đại diện các đơn vị: Tổng Công ty Điện lực miền Bắc, miền Trung, miền Nam, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh đã tiến hành bình xét, đánh giá.
Sau khi Ông Lê Minh Tuấn – tác giả trình bày nội dung sáng kiến, từ ý tưởng đến ứng dụng thực tiễn, so sánh ưu nhược điểm so với các loại cột có chức năng tương tự như cột tạm dùng loại bê tông ly tâm, cột KEMA, Hội đồng xét duyệt đã công nhận là sáng kiến trên đạt sáng kiến cấp Tập đoàn ENV và được xếp loại A.
Hội đồng xét duyệt đã có những đóng góp quý báu nhằm hoàn thiện để ứng dụng rộng rãi trên các địa hình đa dạng và sản phẩm làm ra ngày càng phải đáp ứng tiêu chí gần gũi, dễ sử dụng với CBCNV, đồng thời luôn đảm bảo an toàn và phù hợp với nhiều tình huống có thể xẩy ra trên thực tế. Hội đồng cũng khuyến khích tác giả và đơn vị nhanh chóng mở rộng quy mô, nghiên cứu thực tiễn để có thể áp dụng sáng kiến trong các đơn vị thành viên của EVN.
Những thành tựu trên đây càng thôi thúc toàn thể CBCNV Công ty Lưới điện cao thế miền Bắc phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao, đồng thời luôn mong muốn cống hiến phát triển những ý tưởng dù nhỏ nhưng sẽ trở nên hữu ích đối với những công việc thực tế mà được chính đồng nghiệp và nhân dân cảm nhận.
Sau đây là một số hình ảnh :
Toàn cảnh Hội đồng xét duyệt sáng kiến.
Ông: Lê Minh Tuấn- Giám đốc NGC trình bày sáng kiến trước Hội đồng.
Thi công cột ERS tại hiện trường.
Ông: Dương Quang Thành – Phó Tổng Giám đốc EVN, Chủ tịch Hội đồng xét duyệt sáng kiến phát biểu đánh giá sáng kiến.
Các thành viên trong Hội đồng xét duyệt chăm chú theo dõi đánh giá sáng kiến.
Theo: NGC