Tin trong nước

Đến “đại công trường” thủy điện Sơn La

Thứ hai, 24/11/2008 | 10:00 GMT+7
Gần 3 năm đã trôi qua từ ngày khởi công công trình thủy điện Sơn La - thủy điện lớn nhất Đông Nam Á - tại xã Ít Ong huyện Mường La tỉnh Sơn La, đến nay công trình đã nên vóc, nên hình…

Công trình lớn, quyết tâm cao

 

 

Trên công trường thủy điện Sơn La.

Theo kế hoạch ban đầu của dự án Nhà máy thủy điện Sơn La, năm 2012 sẽ phát điện tổ máy đầu tiên và năm 2015 hoàn thành công trình.

Dự kiến, sau khi hoàn thành, Nhà máy thủy điện Sơn La sẽ có tổng dung tích phòng lũ là 9,26 tỷ m³, điện lượng trung bình năm là 10 tỷ KWh (thủy điện Hòa Bình là 1.920 MW gồm 8 tổ máy, sản lượng điện trung bình năm là 8,16 tỷ KWh) nhưng sau khi phân tích thấy việc rút ngắn thời gian xây dựng nhà máy sớm hơn 1 năm so với dự kiến sẽ làm lợi cho đất nước khoảng 1 triệu USD và có thể khắc phục tình trạng thiếu nguồn năng lượng trầm trọng trong nước, chủ đầu tư lúc đó là Tổng công ty Điện lực Việt Nam (nay là Tập đoàn Điện lực Việt Nam) đã đề xuất phương án lên Chính phủ cho phép khởi công trong năm 2005, đưa vào vận hành tổ máy số 1 và hoàn thành toàn bộ nhà máy sớm hơn kế hoạch ban đầu.

Cuối cùng, lãnh đạo BQL Dự án thủy điện Sơn La (thay mặt chủ đầu tư), Tổng thầu là Tổng công ty Sông Đà và các thành viên trong liên danh tham gia xây dựng công trình đã hạ quyết tâm thống nhất tiến độ: quý 4 năm 2010 chạy tổ máy số 1 và quý 3 năm 2012 hoàn tất hết các tổ máy, sớm hơn 3 năm theo kế hoạch đã đề ra.

Sau 3 năm khởi công, công trường đã có những đổi thay lớn lao nhưng vẫn bộn bề công việc. Những hạng mục cơ bản của công trình như đập chính, đập tràn, đập không tràn, khu vực gian máy và buồng công nghệ, dốc nước, cửa nhận nước… đang gấp rút được hoàn thiện, tạo nên một quang cảnh công nghiệp hoành tráng, hiện đại.

Dòng khẩu hiệu “Tổng công ty Sông Đà quyết tâm xây dựng Nhà máy thủy điện Sơn La đảm bảo tiến độ” vẫn đỏ rực trên vách núi sừng sững, ghi khắc vào lòng người một niềm tin vững chắc.

Công nhân thủy điện Sơn La

Những người thợ tôi gặp ở đây thường chỉ vào nước da dãi dầu nắng gió, bóng nhẫy mồ hôi khi được hỏi về sự vất vả của họ. Để kịp tiến độ, công trường phải hoạt động hết công suất 24/24 giờ. Hiện trên đại công trường này có gần 11.000 công nhân thay phiên nhau  suốt 3 ca.

Nhịp sinh hoạt bình thường của họ cũng thay đổi theo công việc, ăn trưa vào 14 giờ, ăn tối vào 22 giờ và khi mọi người bình yên trong giấc ngủ thì họ vẫn tay cuốc, tay xẻng, tay máy dưới ánh đèn cao áp, trong tiếng ầm ầm rung chuyển của xe ben, xe tải, máy đầm…

Vất vả cam go là vậy mà sau giờ làm việc, các sinh hoạt văn nghệ vẫn rất sôi nổi. Anh Đức, thợ máy đầm (một công việc nặng nhọc bậc nhất ở đây), ở Hà Tây quê lụa cười nói với tôi: “Ngày xưa tiếng hát át tiếng bom, bây giờ tiếng hát át tiếng máy nhà báo ạ”. Nụ cười luôn đồng hành cùng giọt mồ hôi người thợ. Anh Đức nói tiếp: “Phải vui, phải khỏe thì mới đảm đương được công việc ở đây. 7 năm làm thủy điện em quyết tâm không ốm trận nào!”.

Sau gần 3 năm lăn lộn, gắn bó với công trường, Phó giám đốc thi công công trình Đinh Văn Đại đã xem đây như quê hương thứ 2 của mình. Chính trên công trường này anh đã xây dựng hạnh phúc riêng cho mình, lấy vợ và sinh con. Những giây phút quý báu bên gia đình anh vẫn thường phụ giúp người vợ trẻ những công việc nhà, như muốn chia sẻ về nỗi thiệt thòi của vợ khi anh suốt ngày phải có mặt ở công trường.

Anh tâm sự “thủy điện là nghề vất vả nhưng đầy vinh quang”. Trong tháng 10 vừa qua, anh là 1 trong 22 công nhân xuất sắc trên công trường thủy điện Sơn La được cử đi dự đêm hội của thanh niên miền núi “Sắc màu đoàn kết, sắc màu tuổi trẻ” do Trung ương Đoàn tổ chức. Thay mặt anh em công nhân, trước mọi người anh đã hứa: bằng sức trẻ sẽ cống hiến hết mình, tất cả vì dòng điện ngày mai của Tổ quốc!”.

Vẫn còn nhiều thách thức

Nhiều người trong chúng ta tự hào và kỳ vọng về công trình thủy điện này và vui mừng trước kỳ tích 1 triệu m³ bê tông đầm lăn, hào hứng đón đợi ngày phát điện tổ máy số 1… Đó là niềm tự hào đáng có nhưng có lẽ còn  ít người biết được những khó khăn trở ngại trên đại công trường này.  

Theo Ban điều hành Nhà máy thủy điện Sơn La, hiện nay tiến độ một số hạng mục bị chậm so với kế hoạch đặt ra. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Chỉ tính riêng năm 2008, công trường đã phải hứng chịu những trận bão, lũ lớn, gây sạt lở, ách tắc trên con đường dẫn vào công trình khiến thi công bị trì hoãn. Lao đao nhất là khi cả công trường phải chống chọi với trận lũ dữ đầu tháng 8-2008 và cơn bão số 6.

Ngoài ra, việc giải ngân chậm, việc cung ứng vật liệu không đầy đủ, bàn giao thiết kế chậm cũng là những nguyên nhân chính gây ảnh hưởng đến tiến độ thi công. Những khó khăn này lại nằm ngoài khả năng giải quyết, ngoài quyết tâm của anh em đang thi công trên công trường.

Trước tình hình này, anh Đặng Hùng Sơn, Trưởng phòng Kỹ thuật Ban điều hành dự án cho biết: “Để phát điện thương mại tổ máy số 1 đúng theo dự kiến cần phải thay đổi biện pháp thi công so với tổng thiết kế”. Việc này chắc chắn sẽ không chỉ tiêu tốn thêm nhiều tiền của mà còn đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của cán bộ, công nhân trực tiếp thi công trên công trình thủy điện Sơn La.

Anh Sơn còn cho biết thêm: “Đến nay, vẫn chưa thấy bên điện lực cho triển khai lắp đặt các thiết bị truyền dẫn điện như: cột điện, dây điện…”.

Tháng 11 này, theo kế hoạch công trường phải hoàn thành một khối lượng công việc rất lớn, đó là đổ 47.000m³ bê tông CVC cho đập tràn, nhà máy và bệ đỡ ống áp lực, khu vực cửa lấy nước…, đổ 67.800m³ bê tông RCC hoàn thành khối L1, lắp đặt 1.170 tấn thiết bị cho đập tràn, nhà máy, cửa lấy nước, sản xuất 152.000m³ đá dăm và cát, vận chuyển cát tự nhiên 50.000m³…

Để hoàn thành đạt chỉ tiêu chắc chắn ngoài quyết tâm, cán bộ công nhân trên công trường thủy điện  còn cần sự  phối hợp nhịp nhàng từ các phía: đầu tư, quản lý, thiết kế, cung cấp máy, vật liệu xây dựng…

Ngoài ra, để tăng năng suất lao động và đẩy nhanh tiến độ thì việc chăm lo cụ thể đến đời sống đội ngũ cán bộ công nhân trên công trường cũng là một việc vô cùng quan trọng. Được biết, mức tiền ăn ca của công nhân thủy điện Sơn La theo chế độ hiện hành là 5.000 đồng, phải chăng như thế vẫn còn quá ít ỏi so với sự vất vả ở đây?

 

Riêng mỗi chúng ta, kỳ vọng nhưng cũng đừng quên cảm thông, thấu hiểu, chia sẻ và ủng hộ những người đang ngày đêm vất vả trên công trường vì dòng điện ngày mai của Tổ quốc.

Theo SGGP