Dự án Thủy điện Lai Châu đang bám sát tiến độ đề ra. Ảnh: Ngọc Thọ
Thuận lợi có nhưng khó khăn nhiều
Công tác quy hoạch di dân, tái định cư Dự án thuỷ điện Lai Châu được bố trí chủ yếu trên địa bàn huyện Mường Tè nên khá thuận lợi trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện.
Tuy nhiên, theo ông Vương Văn Thành - Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu thì công tác di dân, tái định cư dự án thuỷ điện Lai Châu cũng gặp nhiều khó khăn như huyện Mường Tè là huyện vùng sâu, vùng xa, biên giới, địa hình dốc, chia cắt, giao thông đi lại khó khăn, đất đai rộng nhưng thiếu đất sản xuất, xa các trung tâm kinh tế, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội kém phát triển, quy mô sản xuất còn manh mún, phần lớn là tự cung, tự cấp, tỷ lệ hộ đói nghèo cao, trình độ dân trí và chất lượng lao động thấp. Mặt khác diện tích đất bị thu hồi để làm hồ chứa nước và mặt bằng công trình lớn lên tới 4.962,6 ha, số hộ thuộc diện phải di dân cao, trong khi đó cơ sở hạ tầng, đường giao thông, thuỷ lợi, nước sinh hoạt tại các khu, điểm tái định cư chưa có cơ sở hạ tầng gì trước đó, phải đầu tư toàn bộ và hoàn toàn từ con số không.
Phải làm gì?
Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo tỉnh Lai Châu cho hay, tỉnh sẽ coi công tác di dân, tái định cư Dự án thuỷ điện Lai Châu là nhiệm vụ trọng tâm trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2011–2015) của tỉnh và huyện Mường Tè, đặt dưới sự lãnh đạo toàn diện của các cấp uỷ Đảng, sự quản lý điều hành đồng bộ, chặt chẽ của các cấp chính quyền, phải phát huy sức mạnh tổng thể của cả hệ thống chính trị, các lực lượng các thành phần kinh tế tham gia công tác di dân, tái định cư.
Theo các chuyên gia, công tác di dân, tái định cư thuỷ điện Lai Châu được xem xét trong quy hoạch phát triển tỏng thể quy hoạch kinh tế - xã hội của tỉnh, nhất là phương án điều chỉnh địa giới, xây dựng nông thôn mới sắp xếp dân cư, chuyển dịch cơ cấu kinh tế huyện Mường Tè và đơn vị hành chính liên quan, nhằm khai thác các lợi thế của vùng, miền củng cố quốc phòng – an ninh, ổn định chính tri.
Như vậy, để công tác tái định cư được suôn sẻ và đạt hiệu quả cao, tỉnh Lai Châu nói chung, huyện Mường Tè nói riêng sẽ phải tính toán kết hợp với hình thức tái định cư tập trung và các hình thức tái định cư khác sao cho phù hợp với thực tế của từng vừng, đảm bảo sự hài hoà giữa lợi ích và truyền thống đoàn kết dân tộc, phù hợp với tập quán, phong tục của từng dân tộc.
Riêng với các khu, điểm tái định cư phải được được quy hoạch một cách chi tiết để đảm bảo được tính bền vững lâu dài, chất lượng hiệu quả và tổ chức di chuyển cho các hộ tái định cư tới nơi ở mới khi đã cơ bản hoàn thiện các công trình thiết yếu như mặt bằng, điện, nước sinh hoạt, đường giao thông, y tế, giáo dục.
“Đây là dự án có ý nghĩa kinh tế, xã hội, chính trị to lớn cho đất nước, sự đồng lòng, ủng hộ và tự nguyện của bà con đồng bào trong quá trình tổ chức di dân và tái định cư sẽ là đóng góp quan trọng cho thành công của dự án” - lãnh đạo tỉnh khẳng định.
Mục tiêu di dân 2013 sẽ hoàn thành
|
Một điểm tái định cư Thủy điện Lai Châu - Ảnh: Ngọc Hà |
Theo kế hoạch, đến hết năm 2013, Lai Châu sẽ thực hiện di chuyển tái định cư thủy điện Lai Châu cho 800 hộ tại xã Mường Tè, Nậm Khao, Kan Hồ và Mường Mô. Tuy nhiên đến nay, toàn tỉnh mới di chuyển được 63 hộ. Nhưng theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Lê Trọng Quảng điều này không cần phải lo lắng bởi tuy số lượng di dân đang còn khiêm tốn nhưng với sự chuẩn bị kỹ càng và đồng bộ suốt thời gian qua, mục tiêu di dời 800 hộ dân tái định cư Thủy điện Lai Châu đến nơi ở mới theo như chỉ đạo của Chính phủ trong năm 2013 sẽ trong tầm tay.
Trên thực tế, mặt bằng chỗ ở cho các hộ tái định cư và mặt bằng cho các công trình thiết yếu ở các điểm tái định cư đã hoàn thành. Thêm nữa, theo quan sát của phóng viên đối với hệ thống đường giao thông từ đường kết nối đường chính vào điểm tái định cư, đường phục vụ di chuyển, đường nội bộ đã xong. Công trình cấp nước sinh hoạt đã kéo nước về tận nơi, việc đền bù bồi thường cho các hộ cũng được thực hiện xong. Theo báo cáo của tỉnh Lai Châu, hiện tỉnh đã chỉ đạo thực hiện xong việc lên kế hoạch đăng ký di chuyển. Đến cuối năm nay sẽ xong hạ tầng của cả 4 khu Mường Tè, Nậm Khao, Kan Hồ và Mường Mô. Như vậy, đến cuối tháng 6/2014 sẽ di dời xong toàn bộ các họ thuộc diện phải di chuyển phục vụ xây dựng công trình.
“Ngay từ đầu, chủ trương của tỉnh là gắn việc thực hiện công tác tái định cư các công trình thuỷ điện với chương trình xây dựng nông thôn mới, nên từ khâu quy hoạch như quy hoạch chi tiết, quy hoạch các điểm dân cư và quy hoạch hạ tầng đều tính toán dựa trên các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Riêng với các xã đã được phê duyệt, công tác quy hoạch bám sát theo quy hoạch xây dựng nông thôn mới.” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Lê Trọng Quảng khẳng định.
Công trình Thủy điện Lai Châu:
• Công trình có dung tích hồ chứa 1,2 tỷ m³ nước
• Khối lượng di dân và tái định cư khoảng 1.790 hộ (7.805 khẩu)
• Công suất lắp đặt 1.200 MW
• Điện lượng trung bình nhiều năm 4,67 tỷ kWh
• Tổng vốn đầu tư sơ bộ ước tính 35.700 tỷ đồng
• Dự án đã khởi công ngày 5/1/2011
• Chính thức ngăn sông Đà đợt 1 ngày 24/4/2012
• Dự kiến ngăn sông Đà đợt 2 vào năm 2014
• Tích nước hồ chứa vào tháng 5/2015
• Phát điện thương mại tổ máy 1 vào đầu năm 2016
• Hoàn thành toàn bộ dự án vào năm 2017 |