Tin trong nước

Điện đã thay đổi các huyện nghèo 30A ở Lai Châu như thế

Thứ ba, 19/4/2022 | 16:32 GMT+7
Đầu tư, phát triển hạ tầng điện, đường giao thông, trường học và cơ sở y tế địa phương là các nội dung trọng tâm được các tập đoàn, tổng công ty nhà nước triển khai, thực hiện Nghị quyết số 30/A của Chính Phủ về “Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo”.

PC Tân Uyên hỗ trợ sửa chữa điện cho doanh nghiệp tư nhân sản xuất chè Đức Hạnh và tư vấn sử dụng điện tiết kiệm hiệu quả.
 
Với lợi thế của mình, từ năm 2009 đến nay, khi nhận hỗ trợ 3 huyện nghèo của tỉnh Lai Châu là Phong Thổ, Tân Uyên và Than Uyên, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã tập trung đầu tư mạnh vào hạ tầng lưới điện nông thôn, giúp “cơ giới hoá” trong sản xuất nông nghiệp, phát triển dịch vụ, nâng cao đời sống tinh thần của đại bộ phần đồng bào dân tộc nơi đây. 
 
Ghi nhận của PV Nguyên Long- trang tin ngành điện (Icon.com.vn) thực tế tại các “huyện nghèo 30a” ở Lai Châu được EVN nhận “đỡ đầu”:  
 
Bà Lò Thị Sam, 49 tuổi, dân tộc Thái sống tại bản Phiêng Phát 1, xã Trung Đồng, huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu cho biết, "trước đây gia đình cũng thuộc diện hộ nghèo, nhờ ơn Đảng, Chính phủ cho gia đình được chiếc máy cày nên cũng tiết kiệm được nhân lực để đi làm nhờ đó kinh tế cũng được nâng lên thoát nghèo. Có điện lưới để sử dụng thì cũng thuận tiện cho gia đình chăn nuôi thêm gà, vịt các thứ nữa nên cũng giúp phát triển kinh tế cho gia đình".
 
Từ một hộ nghèo, hơn 10 năm nay, nhờ có điện lưới quốc gia kéo về tận bản từ Chương trình 30A, lại được tặng máy cày từ Chương trình 135 của Chính phủ nên gia đình bà đã thoát được cảnh nghèo và đã xây được ngồi nhà 2 tầng kiên cố khang trang, còn mua sắm được nhiều thiết bị gia dụng có giá trị như ti vi, tủ lạnh, nồi cơm điện… cuộc sống của gia đình trở nên khá giả, con cháu được học hành, nâng cao đời sống văn hoá tinh thần. 
 
Từ một cơ sở sản xuất chè tươi thủ công quy mô nhỏ, phải dùng máy nổ, chi phí sản xuất cao, lại cần tới hơn chục công nhân lao động nên hầu như không có lãi, cũng nhờ có điện mà anh Nguyễn Xuân Khá ở Tổ dân phố số 5, thị trấn Tân Uyên, tỉnh Lai Châu đã mạnh dạn thành lập doanh nghiệp tư nhân Đức Hạnh, đầu tư dây chuyền máy sản xuất, nhân công giảm được một nửa, mỗi ngày chế biến trung bình khoảng 20-25 tấn chè tươi thành chè xanh, chè đen để xuất khẩu sang nhiều thị trường tiêu thụ chè lớn như Đài Loan, Trung Quốc, Pakistan, Châu Âu... cho lợi nhuận mỗi năm khoảng hơn 1 tỷ đồng. 
 
Anh Nguyễn Xuân Khá - Chủ doanh nghiệp tư nhân Đức Hạnh cho biết thực tế, "từ thủ công sang làm điện thì thu nhập có thể tăng gấp 3-4 lần".
 
Câu chuyện của bà Lò Thi Sam hay anh Nguyễn Xuân Khá chỉ là 2 trong số nhiều hộ nông dân và cơ sở sản xuất, kinh doanh ở huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu đã có đời sống, kinh tế thay đổi nhờ có điện lưới quốc gia. 
 
Một huyện nghèo 30A khác của tỉnh Lai Châu là Phong Thổ cũng đã có sự thay đổi đáng kể. Trước khi Chương trình 30A được triển khai, theo thống kê, tỷ lệ hộ nghèo của Phong Thổ còn tới hơn 40%, nhưng đến cuối năm 2021 chỉ còn khoảng 8,7%. Ông Trần Bảo Trung - Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Thổ đánh giá cao sự vào cuộc của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) - với sự “đầu tư lớn, tích cực và đầy trách nhiệm” vào hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông thôn bản cũng như hỗ trợ ngành giáo dục huyện xây dựng, nâng cấp cơ cở trường học bán trú, giúp đỡ gia đình chính sách, có hoàn cảnh khó khăn cải tạo lại nhà ở… và đặc biệt là hệ thống lưới điện được đầu tư trên địa bàn huyện Phong Thổ đã giúp 99,6% hộ gia đình được sử dụng lưới điện quốc gia.
 
"Từ việc đầu tư lưới điện đã làm thay đổi rất nhiều thói quen sinh hoạt cũng như đời sống của người dân, đặc biệt là tổ chức sản xuất cũng có sự thay đổi, là sự mở đầu cho việc đưa cơ giới hoá vào sản xuất. Từ khi có điện, người dân có điều kiện được tiếp xúc nhiều hơn với các phương tiện truyền thông, nghe nhìn, qua đó cũng hỗ trợ nhiều cho địa phương trong công tác tuyên truyền, nhất là việc thực hiện các chương trình hỗ trợ đầu tư phát triển sản xuất cũng như phát triển nông thôn mới".
 
Báo cáo của EVN tổng kết thực hiện chương trình hỗ trợ giảm nghèo cho 3 huyện Phong Thổ, Tân Uyên và Than Uyên của tỉnh Lai Châu theo Nghị quyết số 30a của Chính phủ cho thấy, tổng kinh phí EVN đầu tư khoảng 943 tỷ đồng, qua 3 giai đoạn (từ năm 2009 đến cuối năm 2021), trong đó, riêng đầu tư phát triển lưới điện nông thôn lên tới 820 tỷ đồng. Nhờ đó, 100% xã, phường, thị trấn trên toàn tỉnh (106/106 xã, phường, thị trấn) được sử dụng điện lưới quốc gia, số hộ có điện đạt tỷ lệ trên 97,7%. 
 
Ông Bùi Xuân Thành - Giám đốc Công ty Điện lực Lai Châu – đơn vị được EVN giao trực tiếp làm chủ đầu tư giao thực hiện các dự án trong Chương trình 30a của EVN, cho biết, "quá trình tổ chức thực hiện dự án trong chương trình 30A thì Công ty xác định là một mục tiêu chính trị rất quan trọng. Do vậy, Công ty Điện lực Lai Châu đã tổ chức quán triệt đến từng cán bộ, nhân viên, và chúng tôi phối hợp đồng bộ với các cấp chính quyền địa phương để tháo gỡ giải phóng mặt bằng, đồng thời cũng tuyên truyền cho người dân, chính quyền địa phương hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của dự án để làm sao người dân và chính quyền địa phương đồng thuận để giúp các dự án hoàn thành đưa vào đúng tiến độ...".
 
Cùng với phát triển kinh tế, việc  cấp điện tới các xã, thôn bản, hộ dân khu vực nông thôn nói chung, các huyện nghèo 30A của tỉnh Lai Châu nói riêng có ý nghĩa xã hội rất to lớn, mang lại hiệu quả thiết thực cho các địa phương và đơn vị hưởng lợi, đã góp phần rất lớn trong việc cải thiện điều kiện sống, sinh hoạt của nhân dân khu, đặc biệt các hộ nghèo khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa của tỉnh. 
 
Các công trình lưới điện đưa vào vận hành đã phát huy được hiệu quả, hoạt động sản xuất của người dân nông thôn chuyển dần sang sản xuất hàng hóa, dịch vụ, góp phần xóa đói, giảm nghèo và thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Từ khi các công trình điện đưa vào sử dụng, con em đồng bào các dân tộc có đủ ánh sáng và các điều kiện khác để học tập, chất lượng dạy và học ở tất cả các cấp học tại các địa phương được tăng lên. Có điện đã góp phần xây dựng củng cố mạng lưới y tế cơ sở, mở rộng các dịch vụ khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân tốt hơn; Các hoạt động văn hóa thông tin truyền thông, dân trí được mở mang góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân. Nhờ có điện, người dân có thể yên tâm đầu tư máy móc chế biến, phát triển sản xuất theo hướng phi nông nghiệp, tăng thu nhập cho gia đình, xóa đói giảm nghèo bền vững, góp phần to lớn trong việc phát triển kinh tế - xã hội vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Đặc biệt là phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp hóa  - hiện đại hóa, gắn với chương trình mục tiêu quốc gia về xóa đói giảm nghèo bền vững mà Đảng, Nhà nước, Chính phủ đang quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện.
Nguyên Long