Diễn đàn Năng lượng tương lai và cơ hội việc làm cho sinh viên ngành điện.
Mới đây, tại Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội (HUST) đã diễn ra Diễn đàn Năng lượng tương lai – Ngành Năng lượng và cơ hội việc làm cho sinh viên ngành điện.
Diễn đàn có sự tham gia của đại diện nhà tài trợ chương trình học bổng - AES Việt Nam, đại diện các trường ĐH trong chương trình học bổng, các chuyên gia từ Viện Năng lượng Việt nam, cùng 200 em sinh viên thuộc các trường nhận học bổng của chương trình. Đây là dịp để các chuyên gia, doanh nghiệp và sinh viên cùng đối thoại về năng lượng mới, nhu cầu nhân lực và chính sách thu hút người học.
Việt Nam là một trong những quốc gia cam kết mạnh mẽ về đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050 tại Hội nghị COP26, do đó Việt Nam đã và đang đi theo xu hướng phát triển năng lượng của thế giới, đó là thay thế dần các nguồn năng lượng hóa thạch (than, dầu mỏ) bằng các nguồn năng lượng xanh và sạch hơn (gió, mặt trời, sinh khối, hydro xanh, methanol...).
Tại diễn đàn, TS Nguyễn Ngọc Hưng- Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Kinh tế năng lượng – Viện Năng lượng (IEVN) đã chia sẻ các thông tin về Chuyển dịch năng lượng trên thế giới; Bối cảnh chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam; Các kịch bản chuyển dịch năng lượng đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, và Các xu hướng công nghệ năng lượng mới hiện nay.
Những giải pháp chính về mặt cộng nghệ năng lượng mới hiện nay bao gồm: Phát triển điện năng lượng tái tạo (gió, mặt trời); Sản xuất và sử dụng các loại nhiên liệu sinh học; Nhiên liệu có nguồn gốc hydrogen; và thu hồi, sử dụng và lưu giữ cácbon. Tuy nhiên, nguồn năng lượng tái tạo đặt ra những thách thức mới cho Việt Nam về sự phát triển đồng bộ của hệ thống lưới điện, cơ chế giá điện cùng nhiều vấn đề kỹ thuật liên quan khác.
Việt Nam cần chuẩn bị nguồn nhân lực có chuyên môn cao cho thị trường năng lượng tái tạo. Đây cũng là điều mà các chuyên gia đặt vấn đề tại Diễn đàn.
Sự gia tăng các nhà máy, công trình năng lượng tái tạo đã kéo theo nhu cầu đào tạo để cung ứng nguồn nhân lực rất lớn cho thị trường lao động ngành công nghiệp này. Tại diễn đàn, các sinh viên được giao lưu, trao đổi với các chuyên gia về những kỹ năng và kiến thức cần thiết để phát triển nghề nghiệp về ngành năng lượng tương lai. Qua đó, các em sinh viên có định hướng đúng về nghề nghiệp và ngành học trong thời gian tới.
GS.TS Lê Anh Tuấn - Chủ tịch Hội đồng trường HUST cho rằng, đây là một sân chơi bổ ích và giàu trải nghiệm cho sinh viên. Sinh viên được gặp gỡ, trao đổi với các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu, các anh chị đang hoạt động trong lĩnh vực năng lượng bền vững. Kiến thức và những bài học kinh nghiệm tích lũy từ diễn đàn là hành trang quan trọng cho các em kiến tạo tương lai, mang lại giá trị bền vững cho xã hội và cộng đồng.
Nói về học bổng thu hút người học cho ngành học này, ông Kris Larson, Giám đốc Xây dựng Dự án, AES Việt Nam chia sẻ: Hy vọng rằng chương trình học bổng sẽ tiếp thêm năng lượng cho các em trong việc học tập và phấn đấu hơn nữa để phát triển kỹ năng cho bản thân cũng như hỗ trợ các em trong việc tiếp cận các cơ hội tham gia vào tương lai cho ngành năng lượng của đất nước.
Được biết, ngoài giá trị tiền mặt 14 triệu đồng cho mỗi cá nhân, chương trình còn hỗ trợ 70 triệu đồng cho 10 nhóm sinh viên có đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ liên quan tới lĩnh vực năng lượng. Bên cạnh đó, các khóa đào tạo chuyên sâu sẽ cung cấp các thông tin thực tế giúp thúc đẩy tiềm năng và kiến thức của các em sinh viên về ngành công nghiệp năng lượng đồng thời giúp các em định hướng nghề nghiệp trong tương lai.
Năm học 2022-2023, 30 suất học bổng sẽ được trao cho 30 sinh viên thuộc 5 trường đại học trên cả nước. Đây là năm thứ 6 liên tiếp AES Việt Nam tài trợ học bổng cho sinh viên có tài năng và thể hiện sự đam mê và quyết tâm theo đuổi ngành điện, có thành tích học tập nổi bật (ưu tiên các bạn có hộ khẩu tại Quảng Ninh). AES Việt Nam cam kết hỗ trợ cộng đồng dài hạn nhằm thực hiện ưu tiên hàng đầu là đầu tư cho giáo dục, đào tạo và chuẩn bị một lực lượng lao động có chuyên môn kỹ thuật cao cho ngành năng lượng Việt Nam.
Link gốc